21/06/2021 - 08:08

“Người trồng rừng” gieo nên điều kỳ diệu 

“Người trồng rừng” của tác giả người Pháp Jean Giono là câu chuyện về người chăn cừu đã dành hết tâm sức để trồng thật nhiều cây trong thung lũng cằn cỗi suốt nửa đầu thế kỷ XX. Và điều kỳ diệu đã xảy ra…

Sách được chuyển ngữ bởi Chân Quy Nghiêm, Trần Quốc Anh minh họa, Phương Nam Book và NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2021.

Sách được in màu với tranh minh họa.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1913, khi người kể chuyện đang trong chuyến đi bộ đường dài qua cao nguyên Provence vào dãy núi Alps. Nơi đây hoang vu và trơ trụi, không cỏ cây nào mọc được ngoài những bụi cây oải hương dại. Hết sạch nước uống từ chiều hôm trước, anh cố gắng đi tiếp và đến một ngôi làng bị bỏ phế, không thấy ai ngoài một người chăn cừu ngoài 50 tuổi tên Elzéard Bouffier. Anh được người chăn cừu cho ăn uống và ở lại qua đêm, hôm sau anh theo ông ra ngoài, thấy ông chăm chỉ gieo trồng các hạt cây sồi trên đồi trọc. Ông còn ươm hạt cây dẻ gai xanh tốt trong vườn và mang đi trồng khắp nơi. Ông cũng nghĩ đến việc trồng những cây bạc dương ở những nơi có nước ngầm trong lòng đất.

Người kể chuyện quay lại sau khi Thế chiến lần thứ nhất kết thúc, nơi đây đã mọc lên khu rừng xanh um và Elzéard Bouffier vẫn tiếp tục trồng cây gây rừng. Thế chiến thứ hai nổ ra và ông lão vẫn miệt mài gieo những mầm xanh, hết khu rừng này sang khu rừng khác mà không hề quan tâm thế sự.

Vùng đất Vergon dần được hồi sinh từ những rừng cây xanh tươi, người dân từ các nơi đổ về sinh sống. “Từ những đống gạch vụn năm 1913 mọc lên những nông trại mới khang trang. Những mạch suối cũ bắt đầu có nước chảy, nhờ có rừng cây giữ lại mưa và tuyết. Từ đó, người ta khai thêm kênh đào… So với hồi trước, dân số bây giờ lến đến mười ngàn người, những con người hạnh phúc này phải biết ơn ông Elzéard Bouffier biết bao” (trang 43). Bên cạnh nỗ lực trồng rừng của ông lão, còn có sự cố gắng của chính quyền, lực lượng kiểm lâm bảo vệ những khu rừng.

Ðiều đặc biệt là ngoài người kể chuyện và bạn anh vốn là đội trưởng đội kiểm lâm, không ai biết những khu rừng này được trồng nên bởi một ông lão chăn cừu, họ cứ nghĩ rừng mọc tự nhiên. Ông lão càng không muốn ai biết việc làm của mình, vẫn lặng lẽ trồng rừng cho đến khi ông qua đời vào năm 1947.

Tác phẩm ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa này đã truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ý thức trồng cây cho nhiều thế hệ bạn đọc trên thế giới. Sau lần xuất bản đầu tiên năm 1953, sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, tạo phong trào tái tạo rừng khắp nơi. Jean Giono không nhận tiền tác quyền. Ông mong muốn câu chuyện có thể lan tỏa tình yêu và cảm hứng cho việc trồng rừng. Tác giả qua đời năm 1970, được tôn vinh là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của văn học Pháp thế kỷ XX.

“Người trồng rừng” được chuyển thể thành phim năm 1987 và đoạt giải Cành Cọ Vàng Phim ngắn tại Cannes năm 1987, giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc năm 1988. Sách được thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên đọc bởi triết lý Phật giáo: hạnh phúc khi cho đi mà không mưu cầu nhận lại.

Khi xuất bản tại Việt Nam, sách được in trên giấy đẹp với tranh minh họa màu, bìa cứng, là món quà ý nghĩa cho bạn đọc yêu cây, yêu rừng và yêu những điều bé nhỏ tử tế.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết