08/11/2022 - 09:39

Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua:

“Nâng cao chất lượng thương hiệu Gạo Ông Cua - Việt Nam trên thị trường thế giới...” 

Gạo Ông Cua được sản xuất từ giống lúa thơm ST25 danh tiếng đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Anh, Úc… Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua - “cha đẻ” giống lúa thơm ST, hiện tư vấn cho DNTN Hồ Quang Trí, đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa ST24, ST25, đã có cuộc trao đổi với Báo Cần Thơ nhân sự kiện đánh dấu tiến trình xây dựng thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

* Vừa qua, DNTN Hồ Quang Trí đã xuất khẩu Gạo Ông Cua sang Anh. Mới đây, tại Úc gạo ST25 được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Gạo Ông Cua Việt Nam” cùng với 3 dòng sản phẩm ST24, ST25… Hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu ra sao, thưa ông?

Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua - Cha đẻ giống lúa ST.  Ảnh: Hữu Đức

- Với hơn 3 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài mà đa phần là các nước đang phát triển, nhu cầu gạo ngon - gạo Việt từ trong nước là bức thiết. Kiều bào nước ngoài háo hức tìm loại gạo ngon đạt danh tiếng gạo ngon nhất thế giới. Vì vậy từ hơn 2 năm qua người Việt ở nhiều nước tìm đến gạo ngon Việt Nam, vì tình tự quê hương cũng như thỏa mãn được niềm tự hào dân tộc. Hiện nay đã có gạo Việt thơm ngon hàng đầu thế giới. Những lô hàng gạo thơm ngon từ Việt Nam xuất sang Mỹ, Nhật hay châu Âu đều được người Việt ở các nước chào đón nồng nhiệt.

* Tự tin Gạo Ông Cua sản xuất từ giống lúa ST25 thơm ngon hàng đầu thế giới, nhưng tiếp thị thị trường mới gặp thuận lợi hay khó khăn?

- Ưu điểm gạo thơm ST25 là có gạo thơm mới quanh năm nên luôn chuẩn mực độ thơm dẻo. Hiện nay thủ tục xuất khẩu gạo ST dễ dàng, thông thoáng. Riêng thị trường châu Âu dành riêng cho Việt Nam 30.000 tấn gạo miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, chất lượng gạo thiếu ổn định được phản ánh ở một vài nơi. Ðó cũng là cái khó khi một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chưa chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khách hàng ngại hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tồn dư quá mức cho phép nên thận trọng với các đơn hàng. Do đó, việc DN tăng tính minh bạch của sản phẩm là cần thiết. Qua đó sẽ nâng cấp chất lượng và giá trị gạo Việt Nam ngay tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Nếu thực hiện những quy định chặt chẽ như vậy, một số người làm giống giả cũng hết cơ hội lừa gạt nông dân.

* Có thể nhận ra hiện thời DN có thể ra chợ gạo Bà Ðắc (Cái Bè, Tiền Gang) hay chợ Tân Trụ (Long An) dễ dàng mua gạo xá về đóng gói rồi mặc tình đóng gói ghi nhãn “gạo Lúa - Tôm”, gạo hữu cơ… tùy theo ý muốn. Như vậy làm sao tạo dựng uy tín cho gạo ST25. Với công nghệ xay xát hiện tại rất dễ làm đẹp hạt gạo thì làm sao người tiêu dùng nhận dạng ra gạo nào là đúng chất ST25?

Do vậy giữa một rừng thương hiệu của một dãy phố bán gạo thật giả lẫn lộn thì cho dù hàng thật chính hiệu cũng khó tồn tại. Hoặc trước khi hàng giả dần biến đi, nó cũng làm vơi đi niềm tin vào sản phẩm từng đạt giải gạo ngon nhất thế giới - mức thiệt hại kinh tế thật khó lường.

* Muốn xây dựng thương hiệu danh tiếng Gạo Việt - Gạo Ông Cua thơm ngon phải chuẩn mực từ giống tốt. Từ thành tựu chọn tạo giống lúa ST24, ST25 và tiếp sau đó hoạt động nghiên cứu nâng chất từ hạt giống như thế nào, thưa ông?

- Sau khi phóng thích giống ST25 từ hơn 2 năm qua nhóm cán bộ nông nghiệp Trại nghiên cứu và sản xuất giống lúa Hồ Quang (Sóc Trăng) liên lục nghiên cứu chọn các dòng mới có tính kháng đổ ngã hơn. Vì vậy độ ổn định năng suất giống lúa ST25 cao hơn dòng trước đây. Tuy nhiên, giống ST24 vẫn cứng rạ hơn ST25. Việc chọn ra được dòng cứu rạ đón nhận sự phản hồi tốt từ nông dân.

* Từ tín hiệu thị trường tốt, theo ông hiện nay địa bàn nào phát triển tốt giống lúa ST24, ST25? Vùng nào thích hợp cho phẩm chất gạo cao và an toàn thực phẩm?

- Ðầu năm 2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách giống lúa ST24 và đến cuối năm công nhận giống lúa ST25, nhưng chỉ công nhận cho sản xuất ở vùng ÐBSCL. Sau đó chúng tôi (DNTN Hồ Quang) hợp đồng với các cơ quan khảo kiểm nghiệm Tây Nguyên, miền Trung, Bắc Bộ tiếp tục khảo nghiệm để xin công nhận ở các vùng còn lại của Việt Nam.

Qua kết quả khảo nghiệm trong hơn 2 năm qua cũng như sự tìm tòi giống mới của nông dân trên khắp cả nước cho thấy 2 giống lúa này có phổ thích nghi rộng rãi. Bởi vì 2 giống ST24, ST25 mang gen lúa thơm ở miền Nam quanh năm nhiệt độ cao lẫn mang gen giống Tám Thơm Bắc Bộ chịu nhiệt độ thấp. Tuy vậy sau khi tổng kết đánh giá cho thấy giống lúa ST không nên trồng ở vùng lúa 3 vụ. Vì vừa bị lẫn rất nhiều, vừa phải trồng trên nền lúa hữu cơ chưa kịp phân hủy nên phẩm chất thấp hơn các vùng khác.

Các vùng cho phẩm chất gạo ST24, ST25 cao hơn xếp theo thứ tự như: Vùng ven biển ở ÐBSCL, mỗi năm chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn trên bề mặt, chỉ trồng một vụ lúa vào mùa mưa, mùa khô nuôi tôm; vùng trồng lúa luân canh với nuôi rươi ở khu vực cửa sông đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nguyên chủ yếu là tỉnh Ðắk Lắk. Ngoài ra ở vùng ÐBSCL còn có vùng trồng lúa ST khả năng thích nghi khá tốt là vùng lúa 2 vụ trước đây từng bị nhiễm mặn do xâm nhập mặn nhưng hiện nay đã có hệ thống đập ngăn mặn.

* Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ bài viết