15/08/2020 - 17:57

“Một tài năng về chính trị và quân sự”

Đó là nhận xét của Đại tá Lương Văn Thượng (Ba Vũ), nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 về đồng chí Lê Khả Phiêu. Theo đồng chí Ba Vũ, đồng chí Năm Phiêu đã quán triệt và thực hiện rất tốt di huấn của Bác Hồ là: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Vì lẽ đó mà ông Năm Phiêu luôn là hình mẫu không chỉ đối với cán bộ chính trị ở Quân khu 9 mà còn của toàn quân về kiến thức chính trị và quân sự.

Năm 1978, để tăng cường lãnh đạo, chỉ huy cho lực lượng vũ trang Quân khu 9 tiếp tục chiến dịch truy quét tàn quân địch ở Campuchia, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tiền phương, trong đó có tiền phương các cơ quan Quân khu. Ðối với Tiền phương Cục Chính trị Quân khu 9, lúc bấy giờ có khoảng 60 đồng chí, do đồng chí Lê Khả Phiêu làm Bí thư Ðảng ủy Cục. Tháng 7-1981, Ðảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 (Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia), đồng chí Lê Khả Phiêu làm Phó Chính ủy, kiêm Chủ nhiệm Chính trị. “Khi đó tôi là cán bộ của Ðoàn 978 làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng cho bạn để cùng sát cánh với quân tình nguyện Việt Nam. Ðây là thời điểm tôi có dịp gặp gỡ, làm việc nhiều với ông Năm Phiêu trên chiến trường Campuchia. Tuy là cán bộ chính trị nhưng đồng chí hiểu rất rõ về công tác quân sự. Theo quan điểm của ông, trong mỗi trận chiến đấu, người cán bộ chính trị không chỉ đơn thuần là động viên bộ đội mà cần phải vận dụng tư tưởng, đường lối quân sự phù hợp ở từng hình thức chiến thuật. Ví dụ như tư tưởng tiến công trong phòng ngự, người chiến sĩ không thụ động giữ vững trận địa mà còn phải sẵn sàng tiến công khi có thời cơ”, Ðại tá Lương Văn Thượng nói.

Còn đối với quân sự thì không chỉ trong các trận chiến đấu mà phải gắn với công tác vận động quần chúng. Nói về quan điểm này của đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Lương Văn Thượng cho biết: “Quân sự phải gắn với chính trị, bởi chính trị là hồn cốt, là yếu tố quyết định sức mạnh của Quân đội. Chính trị không chỉ là đường lối, chính sách của Ðảng mà còn là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tâm chiến đấu của bộ đội trên chiến trường”.

Bên cạnh sự hiểu biết sâu sắc về chính trị, quân sự thì tác phong sâu sát, gần gũi là điều mà đồng chí Lương Văn Thượng học được từ thủ trưởng Năm Phiêu. “Trong các lần xuống đơn vị, ông Năm Phiêu luôn là người đầu tiên đến kiểm tra nơi ăn ở của bộ đội, quan tâm đến tình hình gia đình, hoàn cảnh của từng anh em. Ngoài ra, ông luôn là người chủ động trong công việc, tác phong làm việc khoa học, có chương trình, kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Ðiều đó được thể hiện khi ông tự mình chuẩn bị nội dung phát biểu trong hội họp, định hướng thực tế để đơn vị thực hiện. Hay như cách sống của ông rất giản dị, ăn mặc gọn gàng, mỗi lần đi công tác thì luôn mang cơm theo chứ không ghé hàng quán”, đồng chí Lương Văn Thượng cho biết.

Theo Ðại tá Lương Văn Thượng, tài năng, trí tuệ và tác phong làm việc của đồng chí Lê Khả Phiêu cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, đội ngũ cán bộ chính trị hiện nay cần phải học tập theo tác phong làm việc của đồng chí. Bởi, khi người cán bộ, đảng viên nắm chắc kiến thức công tác Ðảng, công tác chính trị, quân sự, có tri thức khoa học - kỹ thuật, có trình độ lý luận cách mạng, có năng lực công tác và luôn tâm huyết với chức trách thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

HỮU TÀI

Chia sẻ bài viết