“Từ ngày “Nam Bộ kháng chiến” (23-9-1945) đến ngày “Toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946), nhân dân Nam Bộ đã tiến hành cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp trước cả nước 15 tháng. Thế nên, nói “miền Nam đi trước về sau” hay “ba mươi năm đi trước về sau” là nói đến sự kiện đặc biệt của 15 tháng “đi trước” ấy”.
Đó là những dòng hồi ức về sự kiện Nam Bộ kháng chiến trong quyển “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” của tác giả Lê Phước Thọ, do NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật vừa xuất bản.
Hội nghị Ngan Dừa vào tháng 2-1946 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ. Trong ảnh: Kinh xáng Ngan Dừa hôm nay. Ảnh: DUY KHÔI
Cần Thơ những ngày đầu cùng Nam Bộ kháng chiến
Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, dưới dự hỗ trợ của Anh, quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngay trong chiều 23-9-1945, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ phát lời kêu gọi, trong đó có đoạn: “Không lẽ chịu nhục hoài; vì danh dự của dân tộc, chúng tôi coi trọng quyền lợi của quốc gia, nên chúng tôi phải điện ra Trung ương xin phép cho kháng chiến”. Cuối lời kêu gọi là quyết tâm: “Đồng bào thân mến! Cương quyết phấn đấu, toàn dân hãy đoàn kết để bảo vệ quốc gia”. Bác Hồ cũng có thư gửi đồng bào Nam Bộ vào ngày 26-9-1945. Đáp lời kêu gọi của Bác, Trung ương Đảng và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, toàn dân Nam Bộ thành đồng đã “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” (lời bài hát Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn).
Theo tư liệu trong quyển “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến (1945-1975)”, chiều 30-10-1945, đoàn tàu chiến của Pháp có thông báo hạm A.72 dẫn đầu tấn công vào thị xã Cần Thơ. Trước đó, đêm 29-10, quân Nhật đã có mặt tại Cần Thơ để ủng hộ Pháp, ra lệnh giới nghiêm và cho quân lính canh gác nơi xung yếu.
Để đối phó tình hình, ta cho phá các nhà máy đèn, nhà máy nước và sơ tán phần lớn người dân. Ngay trong đêm 30-10, ta tung ra những toán nhỏ bắn vào nơi địch đóng quân và những toán tuần tiễu của địch làm cho chúng “ăn không ngon, ngủ không yên”. Sáng 1-11, quân ta rút khỏi nội thành, củng cố phòng tuyến đã được chuẩn bị từ trước ở Cầu Bắc, cầu đôi Cái Khế, cầu Rạch Ngỗng, Tham Tướng, Bình Thủy và thị trấn Cái Răng. Cũng trong sáng này, quân Pháp tiến đánh quận lỵ Cái Răng, đến đoạn Tham Tướng thì bị ta chặn đánh. Tại tiền đồn Bình Thủy, quân ta và Pháp cũng có trận giao chiến ác liệt.
Nhắc đến sự kiện Nam Bộ kháng chiến ở Cần Thơ, không quên nhắc đến sự kiện sáng 12-11-1945, có 5 chiến sĩ Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh Cần Thơ gồm vị chỉ huy Lê Bình cùng với Bùi Quang Trinh, Lê Nhựt Tảo, Cao Minh Lộc, Trần Chiên tập kích vị trí địch ở thị trấn Cái Răng, lúc chúng đang chào cờ. Trận Lê Bình đã tiêu diệt được một số tên, còn viên đại úy Rouan, chỉ huy trưởng, bị thương nặng. Khi địch kéo quân tới bao vây, 5 chiến sĩ của ta đã quyết tử tới giây phút cuối cùng.
Cũng ở Cần Thơ, từ đầu tháng 1-1946 khi được tăng viện, Pháp phá vòng vây, cho quân tiến rộng ra vùng nông thôn, mở rộng khu vực chiếm đóng. Các lực lượng của tỉnh Cần Thơ đánh địch nhiều trận trên sông Cần Thơ, Lộ Vòng Cung, thị trấn Cái Răng, Cái Tắc, Rạch Gòi... Nổi bật trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến là trận Tầm Vu 1 vào tháng 1-1946. Theo kế hoạch do tham mưu trưởng mặt trận Cần Thơ Nguyễn Đăng thông qua, ngày 20-1, 2 tiểu đội của ta bố trí trận địa phục kích tại Tầm Vu. Xe địch vào trận địa, ta nổ súng tấn công, giết được viên đại tá Dessert, tư lệnh khu quân sự miền Tây của Pháp. Chiến thắng vang dội này đã làm nức lòng quân dân miền Tây Nam Bộ. Từ sau chiến thắng này đến năm 1948, còn diễn ra 3 trận Tầm Vu nữa, oai hùng không kém. Nhạc sĩ Đắc Nhẫn - Quốc Hương đã sáng tác ca khúc rất nổi tiếng “Tầm Vu”, mở đầu: “Hùng thay! Tầm Vu vang danh oai vệ quốc quân”...
Kinh xáng Chắc Băng, đoạn từ Vĩnh Thuận - Kiên Giang đến Thới Bình - Cà Mau, nơi đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: DUY KHÔI
Hai hội nghị bước ngoặt
Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, quân Pháp ngày càng mạnh, chúng dần mở rộng xâm lược các vùng đất khác ở miền Tây Nam Bộ. Địch chiếm đóng được hầu hết các thị trấn, thị tứ, những cung đường, con sông quan trọng, huyết mạch. Quân ta vẫn ngoan cường chiến đấu nhưng chủ yếu là làm chậm bước tiến của địch, làm tiêu hao nhân lực, vật lực của địch. Nhiều địa phương thực hiện “vườn không nhà trống”. Nhiều cơ quan lãnh đạo và đơn vị vũ trang tập trung tạm rút về U Minh, chờ ý kiến lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Con đường sông từ Ba Đình đi Chắc Băng xuống vùng U Minh Hạ là nơi đóng quân của nhiều cơ quan, lực lượng của ta lúc bấy giờ. Cũng thời điểm này, ở vùng U Minh diễn ra hai hội nghị quan trọng, bước ngoặt của cuộc kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ, đó là Hội nghị Thới Bình và Hội nghị Ngan Dừa.
Theo sử liệu từ công trình “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến (1945-1975)”, ngày 2-2-1946 (nhằm mùng Một Tết Bính Tuất), tại rạch Bà Đặng, thuộc quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu (nay thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập cuộc họp với sự tham dự của nhiều Xứ ủy viên như Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Võ Sĩ, Bộ Chỉ huy Khu 9 là Vũ Đức, Phan Trọng Tuệ và đại diện Bộ Chỉ huy Khu 8, để nhận định tình hình chiến sự và bàn chủ trương ứng phó. Qua xem xét, hội nghị nhất trí cần thiết báo cáo Trung ương để xin chi viện vì tương quan chênh lệch giữa lực lượng ta và địch. Về ứng phó tại chỗ, các đại biểu bàn thảo 2 phương án: dựa vào dân, bám cơ sở cách mạng hay đưa phần lớn lực lượng vũ trang của Khu 8, Khu 9 lên miền Đông hiệp lực cùng Khu 7 đánh Pháp. Hội nghị diễn ra đến nửa đêm và đi đến kết luận: Tùy hoàn cảnh của đơn vị mà thực hiện cả 2 phương án nói trên.
Đến giữa tháng 2-1946, Bộ Chỉ huy Khu 9 triệu tập hội nghị ở Ngan Dừa thuộc quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Đại biểu dự hội nghị gồm các khối Quân, Dân, Chính, Đảng của các tỉnh đã rút về căn cứ Khu, có đồng chí Võ Sĩ, Xứ ủy viên, dự. Hội nghị xác định những công việc trọng tâm: tiếp tục chiến tranh du kích để duy trì cuộc kháng chiến giữ đất, bảo vệ dân ở vùng ta còn làm chủ được; khôi phục phong trào cách mạng ở vùng bị địch tạm chiếm; lệnh cho cán bộ và lực lượng vũ trang đang rút về vùng Rạch Giá, Bạc Liêu phải trở về bám đất, bám dân, khôi phục và phát triển phong trào cách mạng.
Hội nghị Ngan Dừa là bước ngoặt lớn, giúp chuyển biến tích cực cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương ở miền Tây Nam Bộ. Tư tưởng được khai thông từ trên xuống dưới, mục tiêu và cách đi, hướng đi rõ ràng, cụ thể. Tại hội nghị này, Khu 9 đã thành lập 3 phân khu, hay còn gọi là 3 mặt trận: phân khu Cái Tàu - An Biên, phân khu Ngan Dừa - Phước Long và phân khu Cà Mau - Tân Hưng.
* * *
“Miền Nam đi trước về sau”, truyền thống Nam Bộ kháng chiến đã thôi thúc mỗi người dân Nam Bộ đứng lên bảo vệ quê hương, để đất nước. Tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”. Suốt 75 năm qua, hào khí “mùa thu rồi, ngày hăm ba” vẫn rừng rực, như lời bài hát “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn:
“Ta đem thân ta liều cho nước
Ta đem thân ta đền ơn trước
Xây giang san hạnh phúc muôn đời
Nền độc lập khắp nước Nam”.
HUỲNH MAI
Bài viết sử dụng tư liệu từ:
- Công trình “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến (1945-1975)”, Ban chỉ đạo và Ban biên tập Truyền thống Tây Nam Bộ, 2000;
- “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước”,
Lê Phước Thọ, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2020.