27/05/2018 - 22:11

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp bậc nhất của Việt Nam. Và một đồng bằng đã xích lại gần nhau qua những cây cầu vượt sông Tiền, sông Hậu… Với số vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, cầu Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Năm Căn, Cao Lãnh… đã “thổi” thêm luồng gió mới đổi thay vùng châu thổ.

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

Ảnh: Google Map

Mỹ Thuận: Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền nằm trên tuyến Quốc lộ 1, là cây cầu dây văng đầu tiên tại Việt Nam, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Dự án được khởi công ngày 6-7-1997 và hoàn thành ngày 21-5-2000. Cầu Mỹ Thuận có chiều dài 1.535m trong đó phần cầu dây văng dài 350m; rộng 23,66m; cao 116,5m. Tổng nguồn vốn đầu tư 90,86 triệu đô la Úc, trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%. Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Công ty Baulderstone Hornibrook (Úc) là nhà thầu chính, với sự trợ giúp của Freyssinet (Pháp) trong việc kéo dây cáp. Nhà thầu phụ là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6.

Rạch Miễu: Lúc 10 giờ 45 ngày 19-1-2009, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chính thức tuyên bố khánh thành đưa vào khai thác công trình cầu Rạch Miễu trên QL60 nối liền tỉnh Bến Tre và các tỉnh phía Nam. 11 giờ, các đồng chí: Trương Tấn Sang (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư trung ương Đảng), Trương Vĩnh Trọng (Phó Thủ tướng Chính phủ) và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cắt băng khánh thành công trình cầu dây văng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Bến Tre và ĐBSCL. Cầu Rạch Miễu có tổng chiều dài toàn tuyến là 8.331m, trong đó cầu số 1 (cầu dây văng dài 504m, khẩu độ nhịp chính 270m), cầu số hai phía Bến Tre dài 381,8m, bề rộng mặt cầu 15m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.400 tỉ đồng. Đây là biểu tượng cho sự tiến bộ của ngành cầu đường Việt Nam, cầu Rạch Miễu do Việt Nam thiết kế và thi công.

Cần Thơ: Ngày 24-4-2010, sau gần 2.000 ngày khởi công xây dựng, cầu Cần Thơ chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Cầu Cần Thơ có nhịp chính dài 550m, được xếp vào 10 cây cầu dây văng hiện đại nhất thế giới. Tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, từ nguồn vốn viện trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Chiều dài toàn tuyến 15,58km. Ngày chưa khánh thành cầu, mỗi ngày bình quân có 6.500 lượt ô tô, 20.000 lượt mô tô, hơn 25.000 lượt hành khách qua phà Cần Thơ. Ngày khánh thành cầu Cần Thơ, lãnh đạo Bộ GTVT khi đó đã phát biểu rằng cầu Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận còn là biểu tượng sinh động, công trình thiết thực cho quá trình hiện đại hóa đất nước. Cầu Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận đã nối thông các tỉnh, thành cuối cùng của Tổ quốc.

Hàm Luông: Cùng ngày khánh thành cầu Cần Thơ, chiều ngày 24-4-2010, Bộ GTVT tổ chức Lễ khánh thành Công trình cầu Hàm Luông-Quốc lộ 60. Công trình cầu Hàm Luông có tổng chiều dài khoảng 8,216 km, trong đó cầu chính dài 1.280 m (nằm cách bến phà Hàm Luông 2,3 km về phía thượng lưu), hai cầu mới Cái Cấm và Chợ Xếp nằm trên tuyến (phía Mỏ Cày Bắc) dài 450 m và đường hai đầu cầu dài 6.486 m. Tổng mức đầu tư gần 787 tỉ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ. Cầu Hàm Luông nhằm phát huy năng lực Quốc lộ 60; việc đi lại  giữa các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng  được rút ngắn và đến thành phố Hồ Chí Minh ngắn hơn 70 km. Cầu Hàm Luông thi công hoàn thành đạt 3 kỷ lục: giải phóng mặt bằng nhanh nhất (sau 4 tháng thi công, Bến Tre đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các đơn vị thi công), nhịp đúc hẫng cân bằng, khẩu độ 150m dài nhất Việt Nam, tiến độ thi công hoàn thành sớm hơn dự kiến 2 tháng.

Năm Căn: Sáng 7-2-2015, tại huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các Bộ ngành cắt băng khánh thành cầu Năm Căn. Tổng mức đầu tư gần 650 tỉ đồng, dù quy mô không lớn nhưng cầu Năm Căn có ý nghĩa quan trọng là mở ra hướng phát triển cho vùng đất mũi Cà Mau và nối liền Quốc lộ 1A từ cao Bằng đến cực nam Tổ quốc.

Cổ Chiên: Ngày 16-5-2015, tại tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn  Tấn Dũng, cùng lãnh đạo Quốc hội cắt băng thông xe cầu Cổ Chiên- Quốc lộ 60 nối liền hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Dự án cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỉ đồng. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án 7 thực hiện quản lý. Công trình đưa vào sử dụng sớm hơn 15 tháng so với kế hoạch. Đây là một trong 4 cầu (Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên và Đại Ngãi- công trình đang xúc tiến đầu tư), là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa Quốc lộ 60 với các tuyến hành lang duyên hải phía Đông ĐBSCL (bao gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng). Cầu Cổ Chiên hoàn thành rút ngắn hơn 70 km từ Trà Vinh đến TPHCM, tạo thế và lực mới thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

Vàm Cống: Khởi công tháng 9-2013, công trình thứ hai bắc qua sông Hậu, cầu dài 2,9km với 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.700 tỉ đồng. Đây là công trình cùng với các công trình thuộc dự án kết nối trung tâm ĐBSCL với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Cầu Vàm Công đang nỗ lực thi công cho chặng nước rút để sớm đưa vào sử dụng.

Cao Lãnh: Sáng 27-5-2018, tại xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cắt băng khánh thành cầu Cao Lãnh sau gần 4,5 năm thi công. Dự án với tổng chi phí xây dựng khoảng 7.500 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu Cao Lãnh được khởi công ngày 19-10-2013. Cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP Hồ Chí Minh. Sau khi đưa vào khai thác và sử dụng, công trình sẽ nối liền hai bờ sông Tiền trên địa phận tỉnh Đồng Tháp. Dự án kết nối cùng với tuyến N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thi công, hình thành nên trục giao thông quan trọng kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nam Bộ, từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Tây theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực ĐBSCL.

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

Ngày khánh thành những cây cầu nối con đường thiên lý, kết nối ĐBSCL xích lại gần hơn với nhau và với các vùng miền cả nước, hàng triệu trái tim đồng bằng thổn thức, không ngủ. Cảm giác thật khó tả. Và những tài công phà, những con người gắn bó với những chuyến phà lịch sử trăm năm, cùng đưa biết bao triệu người qua sông cũng khôn khỏi chạnh lòng trước thời khắc chấm dứt sứ mệnh lịch sử của chuyến phà. Song, tất cả đều khẳng định đó là quy luật tất yếu của sự phát triển, chấm dứt cái cũ để thực hiện cái mới. Đó cũng là biểu trưng cho sự thay đổi, sự đi lên của đất chín Rồng.

Trong tâm trạng háo hức ngày nào chờ đợi khánh thành cầu Rạch Miễu, chú Lê Tấn Xuân (Hai Xuân), ấp 6A xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - có nhà sát chân cầu, nói: “Từ ngày khởi công, tôi đếm từng ngày. Hồi mới họp dân công bố quyết định giải tỏa làm cầu, chỉ 48 tiếng đồng hồ là xong. Lúc đó, dân ở đây chưa nhận đồng nào bồi hoàn, nhưng đã cho xe cơ giới vào mở đường. Chúng tôi mong cầu sớm hoàn thành để mình còn tựa vào nó mà phát triển kinh tế nữa chứ”. Mất gần 5.000 m2 đất cho công trình, chỉ còn non công đất, chú Xuân và gia đình đã bám trụ tại chân cầu để buôn bán và hiện cuộc sống khá ổn định.

Còn nhớ ngày khánh thành cầu Cần Thơ, trong niềm hân hoan của hàng triệu trái tim đồng bằng, lúc ấy, anh Trần Quang Đức- Bến trưởng bến Cái Vồn (Vĩnh Long) - cụm phà Hậu Giang đã chia sẻ: “Không riêng gì tôi mà tất cả cán bộ, công nhân viên của cụm phà Hậu Giang rất vui khi có cây cầu bắc qua sông Hậu. Hành khách không còn phiền hà với những chuyến phà chật ních người vào những dịp tết, lễ hội”. Dù trống vắng nhưng ai cũng hiểu đó là quy luật và niềm vui vì sự phát triển chung của đồng bằng sẽ xoa dịu nỗi buồn của những con người đã gắn bó hàng chục năm trên những chuyến phà.

Ngày cắt băng khánh thành cầu Cổ Chiên cũng náo nhiệt làm sao! Sáng sớm, hàng nghìn người dân địa phương hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đã nô nức kéo đến ngắm nhìn cây cầu Cổ Chiên. Ông Trần Văn Mông, hơn 62 tuổi, ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước, tỉnh Trà Vinh đã kể: “ Khu vực này trước kia đường đi lối lại rất khó khăn, cái nghèo cái đói cứ vậy mà đeo bám. Ngày nghe chính quyền nói khởi công xây cầu, chúng tôi phấn khởi lắm! Nhà nhà động viên nhau ưng thuận giải phóng mặt bằng để nhà nước nhanh chóng làm đường xây cầu. Có cầu, có đường là có điều kiện để phát triển kinh tế và đời sống sẽ bớt khổ cực hơn”…

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

  Giai đoạn 2001-2010, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL đạt 11,7%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 8,55%/năm. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế toàn vùng ĐBSCL đạt 7,39%.

Những cây cầu bắc qua sông Hậu, sông Tiền, xóa những chuyến phà trăm năm, những cung đường thiên lý trên bộ- các tuyến quốc lộ đã và đang nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới. Một đồng bằng trù phú sẽ bay cao, bay xa.

ĐBSCL là khu vực có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực mà còn có tiềm năng lớn về kinh tế biển, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cho cả thế giới.

Sáng 27-5-2018, phát biểu tại Lễ khánh thành cầu Cao Lãnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định: “Để ĐBSCL phát triển bền vững, phát huy lợi thế của vùng thì việc đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là yêu cầu bứt thiết. Trong đó, Dự án cầu Cao Lãnh và tuyến kết nối cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkong là công trình giao thông quan trọng không chỉ cho Đồng Tháp mà còn cho vùng ĐBSCL. Việc hoàn thành dự án này cũng mở ra tuyến đường mới từ Tây Nam bộ với các khu vực trong nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh chính trị, nâng cao đời sống người dân”.

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

Đồng Tháp đang triển khai đầu tư tuyến đường ĐT.852B giai đoạn II và các tuyến đường theo quy hoạch kết nối với cầu Cao Lãnh và các tuyến đường Quốc lộ N2, Quốc lộ 30… để tạo điều kiện cho tỉnh thu hút đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống logistics, tạo lợi thế cạnh tranh để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nhanh hơn. Ông Dương cũng thông tin, UBND tỉnh đã giao Sở GTVT làm việc với đơn vị Phà Đồng Tháp để có phương án bảo đảm giải quyết việc làm cho người lao động trực tiếp tham gia vận hành bến phà Cao Lãnh trong thời gian qua, để ổn định cuộc sống cho họ.

Hiện hàng loạt dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách tại vùng ĐBSCL đang đẩy nhanh tiến độ, như: tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn- Đất Mũi). Dự án nâng cấp quốc lộ 61B (đoạn từ Ngã Ba Vĩnh Tường đến Long Mỹ), cải tạo nâng cấp quốc lộ 63 đoạn qua tỉnh Cà Mau; xây dựng cầu Long Bình, mở rộng mặt đường quốc lộ 54 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp. Dự án giai đoạn 2 - đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến- Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu -Quốc lộ 60 (tỉnh Tiền Giang và Bến Tre)... Một đồng bằng rồi sẽ khác khi những cung đường thiên lý kết nối vùng hoàn thành.

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

Dự kiến của Bộ GTVT giai đoạn 2017-2020, sẽ đầu tư 27 dự án quan trọng, cấp bách tại ĐBSCL, tổng kinh phí khoảng 67.336 tỉ đồng. Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn 2016-2020 nguồn trái phiếu Chính phủ triển khai 17 dự án với tổng mức đầu tư 22.645 tỉ đồng. Kêu gọi nguồn vốn ODA đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư 34.999 tỉ đồng và kêu gọi đầu tư 4 dự án với tổng mức đầu tư 9.692 tỉ đồng.

[Long form] Những cây cầu làm đổi thay đất chín Rồng

Thực hiện: G.BẢO-Q.HÙNG-B.NGUYÊN-N.HÀO

Chia sẻ bài viết