24/06/2021 - 09:43

“Dìu nhau” qua khó khăn 

“Hoạn nạn mới biết chân tình”, ông bà xưa vẫn nói như vậy về cách đối nhân xử thế ở đời. Câu nói ấy thật đúng trong những ngày cả TP Cần Thơ đang chung tay phòng, chống dịch COVID-19, khi ngày càng có nhiều câu chuyện đẹp về những tấm lòng dành cho nhau, “dìu nhau” qua thời điểm khó khăn. Những bữa cơm tình người là một câu chuyện đẹp như thế.

Cơm 5.000 đồng làm ấm lòng người có hoàn cảnh khó khăn.

Cơm 5.000 đồng làm ấm lòng người có hoàn cảnh khó khăn.

Đều đặn từ 11 giờ trưa mỗi ngày, tiệm cà phê số 04 (đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Tân An, quận Ninh Kiều) lại mở bán cơm 5.000 đồng. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19, ông Vũ Trung Dũng, chủ tiệm cà phế số 04, đã thực hiện chương trình ý nghĩa này. Theo ông Dũng, số tiền 5.000 đồng là để người mua khỏi ngại và tự tin đến mua cơm, đồng thời cũng giúp duy trì hoạt động này đến khi ở Cần Thơ các hoạt động trong đời sống sinh hoạt hằng ngày trở lại bình thường.

Người bán vé số, người lượm ve chai, người mua gánh bán bưng… ai đến đây mua cơm cũng cảm động trước nghĩa cử đầy tình người qua những suất ăn 5.000 đồng. Giá bán là như vậy nhưng giá trị thật của mỗi phần cơm lên đến hơn 20.000 đồng, gồm các món kho, xào, canh. Người mua cơm còn được tặng khẩu trang để đảm bảo phòng dịch COVID-19. Bán lỗ nhưng vẫn vui, những người bán cơm 5.000 đồng ở tiệm cà phê số 04 tiếp đón và phục vụ khách mua cơm thực sự như những “thượng đế”.

Gần 20 ngày qua, quán Ôliu - Vườn cafe (khu dân cư Nam Long, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn biết đến như một địa chỉ của sự yêu thương và san sẻ. 11 giờ trưa mỗi ngày, quán hỗ trợ cơm trưa 0 đồng cho người lao động có thu nhập thấp... Thông báo của quán làm ấm lòng nhiều người: “Ôliu xin được gửi đến những hoàn cảnh khó khăn, người lao động thất nghiệp và bà con bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... với hy vọng tiếp sức cho cộng đồng vượt qua mùa dịch”. Để đảm bảo an toàn, quán Ôliu - Vườn cafe cũng nhắc nhở bà con đến nhận cơm tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Cùng chung tâm nguyện chia sẻ khó khăn với các mảnh đời cơ cực, quán Thiền coffee (đường A2, khu dân cư Hưng Phú, quận Cái Răng) chọn cách phát tặng miễn phí cơm chay cho bà con vào mỗi trưa thứ năm hằng tuần. Trước đây mỗi tuần, quán phát khoảng 50-60 phần cơm nhưng thấy bà con quá vất vả vì ảnh hưởng dịch COVID-19 nên quán tăng lên từ 100-150 phần/tuần. Chị Nguyễn Hiệp Thanh Nga, quản lý quán Thiền coffee, chia sẻ: Quán chỉ phục vụ thức ăn chay nên cũng phát cơm chay cho bà con. Dù miễn phí nhưng chất lượng phần ăn không khác suất cơm bán tại quán, đầy đủ dinh dưỡng, giúp bà con có bữa trưa ngon miệng.

Mở mạng xã hội những ngày gần đây, những dòng trạng thái như “nâng cảm xúc” của bản thân: chợ 0 đồng, cơm 0 đồng, phát cơm miễn phí... Một người phụ nữ 60 tuổi tích cóp tiền các con chu cấp để mở chợ 0 đồng với mong muốn bà con có được những bữa cơm ngon giữa mùa COVID-19...

Đến với những mô hình thiện nguyện ấy, chúng tôi được nghe rất nhiều hoàn cảnh, rất nhiều câu chuyện khó khăn của bà con. Chị Huỳnh Thị Phương, nhà ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, ngày ngày vẫn qua nội ô Cần Thơ để bán vé số. Chị than rằng vé số bây giờ bán rất chậm do nhiều quán cà phê đã đóng cửa hoặc giảm số lượng khách. Do đặc thù nghề bán vé số dạo phải đi nhiều nơi nên nhiều người cũng ngại tiếp xúc. Vậy nên, khi cầm hộp cơm ngon với giá 5.000 đồng, chị nói: “Hộp cơm đầy thịt vầy mà 5.000 đồng thì mình biết chủ quán muốn giúp đỡ mình. Bây giờ làm không ra tiền nên chắt chiu được đồng nào đỡ đồng đó”. Còn bà Huỳnh Sen, ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, năm nay đã 71 tuổi, một mình bán vé số nuôi 3 người thân trong gia đình, chia sẻ rằng, bây giờ có nhiều điểm làm từ thiện nên những người khó khăn đỡ khổ. Và bà đúc kết rằng: “Xã hội này còn nhiều người tốt lắm!”.

Dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Từ trong những vất vả, lại sáng lên truyền thống nhân văn, trọng đạo nghĩa của dân tộc. Người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” vẫn luôn giữ gìn giềng mối “thương người như thể thương thân”, đã và đang “dìu nhau” qua khó khăn do dịch bệnh.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết