Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Phong Ðiền kịp thời triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ của người dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu vay vốn cải tạo vườn cây ăn trái, trồng vườn kết hợp du lịch sinh thái, theo định hướng của thành phố.

Anh Năm (bên phải) mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây ăn trái phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Theo UBND xã Mỹ Khánh, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách toàn xã là 48 tỉ đồng, với 1.357 hộ còn dư nợ. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý dư nợ trên 17 tỉ đồng, với 507 hộ còn dư nợ; Hội Nông dân quản lý dư nợ trên 16 tỉ đồng, với 502 hộ còn dư nợ. Ông Lê Hoàng Triệu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Khánh, cho biết: “Qua kiểm tra, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn, trồng cây ăn trái như: dâu, sầu riêng, mít Thái, chôm chôm…, đạt năng suất cao, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Qua đó, góp phần hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu”.
Ðiểm du lịch Vườn trái cây 9 Hồng của ông Phạm Văn Hoàng, ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh vẫn thu hút khá đông khách du lịch từ các nơi đến tham quan, thưởng thức món ăn đặc sản đồng quê và các loại bánh dân gian. Trong thời gian chờ đợi nhà bếp chế biến thức ăn, khách thoải mái tham quan khu vườn trái cây mát rượi “mùa nào thức nấy”. Ông Hoàng cho biết: “Ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, chúng tôi kịp thời nâng cấp không gian cảnh trí, khu vui chơi, dựng mới các chòi, tum lá, bàn ghế, nhất là sắp xếp thực đơn với nhiều món ăn dân dã và đội ngũ nhân viên lịch sự, chuyên nghiệp để phục vụ khách chu đáo”. Ông Hoàng được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để thêm vốn mở rộng dịch vụ du lịch, trang bị những vật dụng cần thiết. Ðồng vốn tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa khích lệ tinh thần, giúp ông Hoàng nỗ lực khắc phục khó khăn sau dịch bệnh. Vườn trái cây 9 Hồng hiện có 15 nhân viên phục vụ, với mức lương ổn định. Các ngày cuối tuần đông khách, ông Hoàng tuyển một số sinh viên làm việc thời vụ.
Hướng dẫn khách tham quan khu vườn 4,5 công chuyên canh dâu, mít Thái và chôm chôm, anh Nguyễn Văn Năm ở ấp Mỹ Thuận, cho biết, năm 2021, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh thu nhập 70 triệu đồng từ dâu, còn tiền bán mít chỉ đủ trang trải thuốc, phân bón. Hiện 50 cây chôm chôm có trái chiếng, anh Năm còn mướn 6 công đất trồng 1.000 cây mít. Quá trình canh tác, anh Năm chủ động theo dõi giá thị trường để thay đổi giống cây trồng phù hợp, hạn chế tình trạng “được mùa rớt giá”. Lúc đầu, anh Năm trồng cam sành, cam mật đạt năng suất cao, sau vài mùa chuyển sang chanh không hạt, ổi lê, rồi đến dâu, mít và chôm chôm. Anh Năm nói: “Tôi vay 47 triệu đồng vốn ưu đãi cải tạo vườn trồng cây ăn trái; vốn chương trình học sinh, sinh viên chăm lo 3 con gái học đại học”. Các con anh Năm đã ra trường, có việc làm, thu nhập ổn định và đang trả nợ vay NHCSXH.
Theo PGD NHCSXH huyện Phong Ðiền, năm 2021, doanh số cho vay toàn huyện đạt 89 tỉ đồng, với 2.824 lượt hộ vay vốn; dư nợ các chương trình cho vay đến cuối tháng 2-2022 đạt trên 406 tỉ đồng, với 7.329 hộ còn dư nợ. Tổng dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể là trên 405 tỉ đồng, với 264 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, Hội Nông dân có dư nợ trên 143 tỉ đồng; Hội LHPN dư nợ trên 186 tỉ đồng. Trong năm 2021, UBND huyện tiếp tục chuyển vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH 600 triệu đồng để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn xem hoạt động tín dụng chính sách là công cụ hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, nhất là mục tiêu quốc gia xây dựng nông nông mới. UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện triển khai hoạt động tín dụng chính sách; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh; tích cực hỗ trợ thu hồi nợ đến hạn, nợ tồn đọng. Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp gần 500 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh; 661 lao động có việc làm; 160 học sinh, sinh viên có chi phí học tập; 3.654 hộ xây dựng, cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh... Qua đó, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và phát triển mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.
Năm 2022, PGD NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay; chủ động phối hợp hội, đoàn thể và các xã, thị trấn rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2025 và giải ngân kịp thời nguồn vốn phân bổ mới, vốn thu hồi, không để tồn đọng, lãng phí vốn. Huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng chất lượng hoạt động tín dụng, giao dịch xã và tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong quá trình hoạt động.