01/02/2025 - 21:22

“Áo xanh” tình nguyện 

Mặt trời vừa ló dạng, chiếu những tia nắng ấm qua kẽ lá, cũng là lúc gần chục bạn trẻ ở xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) tập trung hoàn tất những khâu cuối cùng để khánh thành cầu Ngã Củ 1 (cầu Hy Vọng 419) ở ấp Thạnh Lợi. Trong khi anh Nguyễn Trường An, Bí thư Xã đoàn Trung Thạnh, cùng các lão nông cẩn thận chọn vị trí gắn biển công trình, thì các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chia nhau quét dọn vệ sinh, treo cờ, băng rôn. Một trong những lão nông tham gia hội thảo đầu bờ gần đó phấn chấn nói: “Có cầu bê tông rộng đẹp, xe chạy bon bon, chở lúa, cây trái, vật tư thoải mái lắm”. 

Tết dường như đến sớm hơn ở vùng quê thuần nông này.

Cầu Ngã Củ 1 (cầu Hy Vọng 419) ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) hoàn thành, góp phần tạo điều kiện để bà con lưu thông an toàn và thuận lợi. Ảnh: Q. THÁI

Cùng với dự án xây cầu Hy Vọng, hơn 1.082 công trình và 22.000 phần việc làm lợi cho cộng đồng hơn 200 tỉ đồng, đã được tuổi trẻ TP Cần Thơ triển khai từ năm 2008 đến nay. Màu “áo xanh” tình nguyện để lại dấu ấn ở các vùng quê khó khăn, biên giới, hải đảo - nơi đang cần sự chia sẻ, giúp đỡ bằng các dự án chuyên nghiệp, từ việc xóa cầu tạm, nâng cấp đô thị, bê tông hóa giao thông nông thôn, đến các công trình phục vụ dân sinh…

KẾT NỐI HÀNH TRÌNH TÌNH NGUYỆN

Căn nhà của ông Phương Tuấn Tiền (79 tuổi) ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh (huyện Cờ Ðỏ) rôm rả tiếng nói cười của gần chục nông dân dự buổi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ai cũng mừng vui khi nói về chiếc cầu mới to hơn, rộng hơn, làm cho tuyến đường ra trung tâm xã thông thoáng và đẹp hơn. Cầu Ngã Củ 1 (cầu Hy Vọng 419) cạnh nhà ông Tiền vừa hoàn thành vào trung tuần tháng 11-2024, sau hơn 1 tháng thi công quyết liệt. Công trình có chiều dài hơn 20m, bề mặt 4m (đạt chuẩn nông thôn mới), do Huyện đoàn Cờ Ðỏ, UBND xã Trung Thạnh và Quỹ Hy Vọng triển khai thực hiện, với chi phí vật tư hơn 215 triệu đồng, chưa tính chi phí ngày công.

Theo ông Tống Văn Nên, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Lợi, toàn ấp có 818 hộ, trong đó số hộ sống ven rạch cầu Ngã Củ 1 đông nhất. Bà con muốn vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản phải qua rạch Ngã Củ 1 bằng cầu ván, chỉ rộng 0,8m nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, bà con ước mong có cầu kiên cố để việc đi lại, giao thương thuận tiện hơn. Vì vậy khi địa phương thông báo Quỹ Hy Vọng hỗ trợ 50% chi phí làm cầu, số còn lại địa phương vận động nhân dân đóng góp, nhà nhà đều vui mừng ủng hộ.

Tuổi trẻ Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương và Thành đoàn Cần Thơ ra mắt công trình sửa chữa và nâng cấp hội trường Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ. Ảnh: Q. THÁI

Anh Nguyễn Trường An, Bí thư Xã đoàn Trung Thạnh, chia sẻ: “Hơn 1 tháng qua, mỗi ngày đều có 10-15 người dân và ÐVTN tham gia vận chuyển vật liệu, đổ bê tông xây cầu. Phụ nữ trong ấp lo cơm nước, hậu cần; bà con cũng đề cử người có kinh nghiệm phụ trách giám sát thi công, quản lý nên chi phí xây cầu giảm đáng kể...”. Năm 2024, Xã đoàn Trung Thạnh thực hiện 16 công trình, 24 phần việc, làm lợi cho cộng đồng 1,7 tỉ đồng, trong đó có 3 cầu Hy Vọng (từ năm 2018 đến nay, đã triển khai 16 cầu Hy Vọng) và hàng ngàn ngày công lao động, giúp dân giặm vá lộ giao thông, xây dựng các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Theo chị Lư Thị Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, phong trào tình nguyện được các cấp bộ Ðoàn, Hội triển khai đảm bảo an toàn, thiết thực và hiệu quả, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ. Hơn 15 năm qua (2008-2024), các cấp bộ Ðoàn đã thực hiện gần 24.000 công trình, phần việc thanh niên, gắn với xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới và an sinh xã hội. Ðặc biệt, từ năm 2023, Thành đoàn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Nhơn Ái (huyện Phong Ðiền), xã Trường Xuân (huyện Thới Lai), xã Trung Hưng (huyện Cờ Ðỏ) và xã Thạnh Quới (huyện Vĩnh Thạnh). Trong 2 năm (2023-2024), các cấp bộ Ðoàn huy động nguồn lực hỗ trợ 4 xã trên thực hiện gần 200 công trình, phần việc, góp phần tạo diện mạo mới ở những vùng quê ngoại thành.

LAN TỎA NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẸP

Ngày cuối tuần, từ 6 giờ sáng, Thạch Kim Ngân ở khu vực 5, phường Cái Khế (quận Ninh Kiều), đã có mặt tại chợ An Hòa để chọn mua rau củ, chuẩn bị cho “Bếp ấm” - chương trình cung cấp suất ăn miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện, do Ðoàn phường Cái Khế phát động. Ðó là công việc đều đặn mỗi tháng 2 lần của Ngân.

Ngân Tốt nghiệp ngành Luật của Trường Ðại học Nam Cần Thơ hơn 1 năm. Khoảng nửa năm nay, cô gái hơn 20 tuổi này mới biết “trả giá” khi đi chợ, bởi ở nhà, việc đi chợ, nấu ăn đều do mẹ Ngân bảo bọc. Từ khi tham gia “Bếp ấm”, Ngân rành giá cả từng mặt hàng, biết rõ chợ nào có những thực phẩm gì ngon, rẻ. Ngân cười hồn hậu: “Biết em mua rau làm từ thiện nên tiểu thương cũng tính giá phải chăng, có khi còn tặng thêm”.

Tình nguyện viên mô hình “Bếp ấm” trao những suất cơm nóng hổi đến bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ. Ảnh: Q. THÁI

Tại Ðình thần Tân An, địa điểm các tình nguyện viên tụ họp để thực hiện chương trình “Bếp ấm”, cũng bắt đầu nhộn nhịp từ 7 giờ. Gạo, rau củ, trái cây, thịt cá, sữa và cả bánh kẹo... đã được chuẩn bị sẵn sàng. Hơn 20 tình nguyện viên, 4 bếp chính, chia nhau làm việc để kịp mang những suất cơm trưa nóng hổi đến các bệnh viện. Cùng lúc, trang Zalo của anh Lại Phước Trường Thành, Bí thư Ðoàn phường Cái Khế, liên tục nhận tin nhắn từ ÐVTN, nhà hảo tâm. Ðây là lần thứ 10, “Bếp ấm” được thực hiện kể từ khi phát động từ tháng 6-2024 đến nay, định kỳ 2 chương trình/tháng. Mỗi chương trình trao 200 phần ăn miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ và Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ.

Thạch Kim Ngân - tình nguyện viên “Bếp ấm” kể về hoàn cảnh một cụ bà nằm điều trị thường xuyên tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ. Bà bị đau khớp, ngồi khó khăn nhưng cứ đến ngày giữa tháng, bà đều ngồi chờ các bạn trẻ đến thăm và trò chuyện. “Tôi cảm thấy ấm lòng khi trao tặng những phần cơm nóng dẻo, thơm ngon do các chị em tận tình nấu” - Kim Ngân xúc động nói.

Tinh thần tình nguyện, lối sống đẹp đã và đang lan tỏa đến các học sinh, sinh viên, đến cán bộ, công chức, viên chức trẻ, truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích trong xã hội. Theo anh Nguyễn Văn Pha, Bí thư Ðoàn Trường Ðại học Cần Thơ, nhiều đội hình, mô hình tình nguyện gắn với chuyên môn được thành lập như: tri thức trẻ tình nguyện vì cộng đồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, xây dựng đường giao thông, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học cho thanh thiếu nhi. Giai đoạn 2022-2024, tuổi trẻ Trường Ðại học Cần Thơ đã thực hiện hơn 100 công trình, phần việc vì cộng đồng tại các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL. 

Anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho biết hưởng ứng “Năm Thanh niên tình nguyện”, lần đầu tiên, Thành đoàn tổ chức trao Giải thưởng tình nguyện “Vì Cần Thơ tôi yêu” năm 2024, qua đó đã tuyên dương 12 câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện tiêu biểu. Mỗi câu lạc bộ, đội, nhóm là những câu chuyện đẹp, việc làm tử tế, truyền cảm hứng cho xã hội, có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng.

Trong 20 năm (2004-2024), hàng trăm ngàn lượt ÐVTN tham gia hoạt động vì cộng đồng, trong đó các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo người dân ở những địa bàn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo được tuổi trẻ thành phố ưu tiên thực hiện. Hơn 1.100 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, khăn quàng đỏ; trên 17.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học tốt, với tổng trị giá hơn 32 tỉ đồng là minh chứng sinh động trong các hoạt động vì an sinh xã hội. Trong đó, có nhiều chương trình tạo nên “thương hiệu” của tuổi trẻ thành phố, như: “Tháng 3 biên giới”, “Tuổi trẻ với mùa xuân biên giới”, “Tuổi trẻ cụm sông Hậu vì biển đảo quê hương”.

DÂN AN

Chia sẻ bài viết