10/02/2024 - 23:16

“Áo mới” ngày Xuân 

Là vùng căn cứ kháng chiến, chịu nhiều mất mát đau thương trong 2 cuộc kháng chiến đã qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân xã Trường Long, huyện Phong Điền kiên cường bám trụ, lập nên nhiều chiến công oanh liệt. 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, nhất là qua 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, Trường Long không ngừng phát huy nội lực vươn lên... Những ngày xuân này, về lại vùng đất anh hùng, chúng tôi vui mừng chứng kiến sự thay da đổi thịt, phát triển mạnh mẽ toàn diện của một xã vốn từng gặp nhiều khó khăn.

Thầy và trò lớp 9A5, Trường THCS Trường Long trong giờ thực hành môn sinh học. Ảnh: HỒNG VÂN

Tuyến lộ từ trung tâm xã Trường Long về các ấp giờ đã láng nhựa thẳng băng, hàng quán mọc lên san sát. Tại trung tâm xã, bên cạnh khu chợ sầm uất, nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại được xây dựng mới, nép mình bên những vườn cây ăn trái xanh mướt…

Ðến các ấp, đâu đâu chúng tôi cũng nghe bà con chia sẻ những câu chuyện vui. Từ nhiều nguồn: kinh phí của Nhà nước đầu tư, nhân dân tình nguyện hiến đất, hoa màu, quyên góp tiền, công sức, trong năm qua, nhiều tuyến lộ giao thông được sửa sang nâng cấp. Ðiển hình như mở rộng lộ ấp Trường Phú ra 4m, dài 1.300m; nâng cấp, mở rộng lộ ấp Trường Ninh ra 2,5m, dài 1000m… Nhiều trường học được đầu tư, nâng cấp; hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm chăm lo…

Nghe bà con râm ran bàn chuyện làm ăn, phát triển kinh tế, chú Nguyễn Văn Lùn, nguyên Bí thư Chi bộ xã Trường Long năm 1972, xúc động nói: “Trong chiến tranh, quân dân Trường Long luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… Mấy chục năm qua, quê hương Trường Long thay đổi nhiều lắm, người dân có áo ấm, cơm no, có điện thắp sáng, đường sá khang trang, nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia… Ðây là kết quả của quá trình Nhà nước đầu tư xây dựng, nhân dân đóng góp biết bao tiền của, công sức để cải tạo”.

Chợ Trường Long sầm uất, sôi nổi các hoạt động mua bán. Ảnh: HỒNG VÂN

Ðường về ấp Trường Thọ 2A, xe chạy êm ru. Hai bên đường, nhà dân san sát, nối tiếp nhau. Chú Lý Văn Hậu, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Trường Thọ 2A, tự hào: “Mấy chục năm qua, vùng “đất lửa” luôn chuyển mình, phát triển. Từ con lộ, chiếc cầu đều gắn liền với quy chế dân chủ”. Cùng chú Hậu, chúng tôi xuôi về tuyến lộ cặp kênh KH9 vừa xây dựng hoàn thành từ huy động sức dân. Ði trên tuyến đường mới, người bí thư chi bộ ấy bồi hồi nhớ lại: “Những năm đầu mới giải phóng, đường sá đi lại khó khăn. Nhất là tuyến cặp kênh KH9 không có lộ, phải đi bằng xuồng ghe. Người dân phá vườn cây ăn trái, tạo lối mòn. Cứ đến mùa mưa, người lớn có việc đi ra ngoài, quần xắn tới gối, trẻ em đến trường trợt té lõm bõm. Nhà nào như nhà nấy, cứ khoảng 6 giờ tối là đóng cửa im ỉm, chong đèn dầu leo lét...”. Năm 2017, khi địa phương có chủ trương vận động làm lộ bê tông, người dân ai nấy “mở cờ trong bụng”. Người có sức góp sức, người có của góp của, người khá giả choàng gánh cho người nghèo. Theo thời gian, lộ dần xuống cấp, việc giao thương lại gặp khó khăn. Một lần nữa, năm 2023, địa phương huy động sức dân nâng cấp, mở rộng tuyến lộ bê tông khang trang, sạch đẹp.

Đường về xã Trường Long khang trang, thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: HỒNG VÂN

Cũng như ấp Trường Thọ 2A, những năm qua, tại các ấp, hưởng ứng chủ trương của chính quyền địa phương, người dân đã tình nguyện hiến đất, hoa màu để cùng Nhà nước nâng cấp, mở rộng, trải nhựa, bê tông hóa nhiều tuyến đường, bảo đảm an toàn cho việc lưu thông hai mùa mưa nắng. Có được lộ giao thông, mọi người chung tay xây dựng đời sống văn hóa. Song song với việc tuyên truyền vận động, cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, vận động trẻ ra lớp... Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân góp phần tạo tiền đề để Trường Long được công nhận xã văn hóa vào cuối năm 2003. Ðến năm 2023, Trường Long được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Trong không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết, người dân càng hăng hái thi đua, chung sức cùng chính quyền thực hiện nhiều công trình, phần việc để xã sớm “về đích” đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với việc phát triển hạ tầng, Trường Long “dồn sức” chăm lo đời sống nhân dân: cất nhà tình nghĩa, nhà Ðại đoàn kết tặng gia đình chính sách, hộ nghèo, giới thiệu việc làm, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân có kinh nghiệm sản xuất. Các đoàn thể đẩy mạnh phong trào, như thanh niên lập nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình... Xã cũng đã thành lập hợp tác xã (HTX) làm vườn, các tổ hợp tác, khuyến nông... từ đó huy động được nguồn vốn tự tạo, vốn xoay vòng, lập các dự án vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm và giới thiệu các hộ nghèo được vay vốn để sản xuất.

Niềm vui bội thu mùa vú sữa Lò Rèn của người dân xã Trường Long. Ảnh: HỒNG VÂN

Ðiển hình như HTX Vườn cây ăn trái ấp Trường Thọ 2A, được thành lập năm 2019, có 16 thành viên, nay tăng lên 28 thành viên, với diện tích 26,4ha. Năm 2023, HTX thu hoạch 310 tấn trái cây các loại. Riêng thu nhập từ sầu riêng chiếm ưu thế với trên 13 tỉ đồng, trừ chi phí, các xã viên lãi trên 9 tỉ đồng. Tương tự, Tổ hợp tác làm vườn Trồng sầu riêng ấp Trường Phú cũng phát huy hiệu quả, thu hút ngày càng đông nông hộ tham gia. Tổ thành lập năm 2021 với 18 thành viên, nay lên 31 thành viên. Ngoài việc được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, các thành viên tổ còn được hỗ trợ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất.

Từ sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, toàn xã hiện không còn hộ nghèo. Nói đến công tác giảm nghèo bền vững, phải kể đến ấp Trường Phú. Theo chú Trần Minh Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Trường Phú, năm 2021, ấp có 6 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo. Ðịa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: cất nhà Ðại đoàn kết, hỗ trợ vay vốn từ các chương trình giải quyết việc làm, giúp bà con cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế… Với những nỗ lực trên, năm 2022, ấp còn 1 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo và đến cuối năm 2023 không còn hộ nghèo, chỉ còn 4 hộ cận nghèo. Anh Dương Văn Tuấn Anh, người dân ấp Trường Phú, bộc bạch: “Nhà không có ruộng đất, vợ tôi chỉ làm nội trợ và chăm sóc 3 con còn nhỏ, tôi làm hồ nhưng công việc không ổn định. Năm 2022, địa phương xét, cất tặng gia đình tôi căn nhà Ðại đoàn kết; tôi được giới thiệu việc làm ổn định, đồng thời địa phương thường xuyên tặng quà, tập sách để các con tôi có điều kiện đến trường. Không phụ tấm lòng của mọi người, tôi chí thú làm ăn và đã thoát nghèo”.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 7 trường học mầm non, tiểu học và THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Thầy Nguyễn Văn Thum, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Long, nói: “Trường vừa được đầu tư xây dựng mới thêm nhiều phòng học, phòng chức năng. Năm học 2023-2024, Trường đưa vào sử dụng 2 phòng đa năng, 14 phòng chức năng. Ðội ngũ giáo viên của trường không ngừng nỗ lực học tập, chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nâng cao trình độ chính trị, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học. Năm học 2022-2023, trường có 29 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 6 giáo viên dạy giỏi cấp huyện; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%”.

Chia tay Trường Long, tôi cứ nghĩ miên man đến những nông dân chân chất, yêu nước nồng nàn, kiên cường vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng; những tuyến đường rộng mở, những khu chợ nhộn nhịp, những vườn cây ăn trái sai oằn và cả những ngôi trường khang trang đạt chuẩn quốc gia... Tất cả như bệ phóng cho bước đột phá tăng tốc phát triển mạnh mẽ và toàn diện của Trường Long anh hùng.

SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết