Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Sự kiện nhằm quảng bá các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch qua đó thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng thực hiện các dự án. Ðây còn là diễn đàn để chính quyền tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để có những hỗ trợ kịp thời, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án hiệu quả.

Các đại biểu tìm hiểu về các dự án thu hút đầu tư của Hậu Giang tại sự kiện.
Cam kết “2 nhanh, 3 tốt”
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Ðồng Văn Thanh nhấn mạnh: “Năm 2022, Hậu Giang chọn là năm doanh nghiệp với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Ðiều này thể hiện khát vọng, sự cầu thị, cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang. Chúng tôi cam kết luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án với phương châm “2 nhanh, 3 tốt”. Trong đó, “2 nhanh” là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư và “3 tốt” là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Ðồng thời, chuyển tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.
Theo ông Ðồng Văn Thanh, vùng ÐBSCL đang được Trung ương hết sức quan tâm. Mới đây nhất, ngày 2-4-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, sự dịch chuyển chuỗi sản xuất có xu hướng từ các nước khác vào Việt Nam và trong nước từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn phía Nam về các tỉnh, thành ÐBSCL. Như vậy, ÐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng vừa được quan tâm đầu tư, vừa đón cơ hội từ sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất. Từ đó cho thấy, tỉnh hội đủ yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để doanh nghiệp trong và ngoài nước đến hợp tác, đầu tư.
Dịp này, Hậu Giang kêu gọi đầu tư 76 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch với tổng vốn đầu tư trên 50.000 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh kêu gọi đầu tư 9 dự án vào khu công nghiệp, với tổng mức đầu tư 25.831 tỉ đồng; 7 dự án vào cụm công nghiệp, với tổng mức đầu tư 4.715 tỉ đồng; 21 dự án nông nghiệp, với tổng mức đầu tư 5.687 tỉ đồng; 31 dự án đô thị, với tổng mức đầu tư 13.088 tỉ đồng; 8 dự án du lịch, với tổng mức đầu tư 761 tỉ đồng. Những doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tại tỉnh Hậu Giang sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ lãi suất; chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường...
Kỳ vọng từ doanh nghiệp
Ông Frank Schellenberg, Chủ tịch Công ty DIGI-TEXX Việt Nam, cho biết: “DIGI-TEXX là một doanh nghiệp công nghệ, việc DIGI-TEXX đầu tư vào Hậu Giang sẽ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước và góp phần vào sự thành công của công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Hiện công ty đã hợp tác với trường Cao đẳng Cộng Ðồng Hậu Giang thực hiện chương trình DIGI-CONNECT. Chúng tôi thực hiện đào tạo cho hơn 392 người, trong đó có 66 người đã hoàn thành đầy đủ khóa học. Học viên sau khi học, có giấy chứng nhận được nhận công việc ngay trên nền tảng này. Chúng tôi đang tiếp tục nhân rộng để phát triển thêm nguồn nhân lực số, làm việc liên quan đến các dịch vụ số, qua đó thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng các dịch vụ công nghệ trong tương lai”.
Là nhà đầu tư đến với Hậu Giang từ năm 2015, Công ty CP Tập đoàn Masan đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 1 của dự án Trung tâm Thực phẩm Masan miền Tây. Dịp này, công ty đón nhận Giấy Chứng nhận đầu tư giai đoạn 2 của Trung tâm tại Khu Công nghiệp Sông Hậu, với tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng. “Hậu Giang thực hiện rất tốt cơ chế một cửa và một cửa liên thông nhằm giảm thiểu và rút ngắn các thủ tục hành chính. Chúng tôi kiến nghị, tỉnh đẩy mạnh việc kiểm soát thực hiện cơ chế này tại tất cả các cấp chính quyền nhằm hỗ trợ toàn diện cho Masan nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hậu Giang nói chung. Ðồng thời, tỉnh nhanh chóng hoàn thiện nâng cấp hệ thống đường bộ để thúc đẩy liên kết vùng; đẩy mạnh thiết lập các cảng sông để khai thác ưu thế tự nhiên, thúc đẩy lưu thông hàng hóa qua đường thủy nhằm giảm chi phí logistics” - ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Masan, kiến nghị.
Ðến dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ðể tạo đột phá trong thu hút đầu tư, tỉnh Hậu Giang cần biến tiềm lực hiện có thành nguồn lực để tạo ra của cải, vật chất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Ðồng thời, phát huy các yếu tố về con người, thiên nhiên, truyền thống cách mạng biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể. Ðối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến Hậu Giang thì nên dành tình cảm, niềm tin, tâm huyết cho vùng đất này. Song song đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư cân đối lợi ích doanh ghiệp - người dân - nhà nước lợi nhuận trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp cam kết, hứa đầu tư vào tỉnh Hậu Giang thì phải làm. Theo đó, những doanh nghiệp làm tốt, tạo công ăn việc làm cho người dân thì sẽ có khen thưởng, bảo vệ, những đơn vị không làm thì phải xử lý..
Tại hội nghị, tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án đầu tư, với tổng số vốn 19.000 tỉ đồng; ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư và chủ trương đầu tư cho 10 nhà đầu tư, với tổng số vốn hơn 204.000 tỉ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Sun Group, Him Lam, Alphanam, FPT...