“Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả?” là chủ đề của buổi tọa đàm do Trường Đại học Cần Thơ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp tổ chức vào sáng 6-4. Với sự tham gia của diễn giả đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, lãnh đạo TP Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, doanh nghiệp khởi nghiệp… bức tranh khởi nghiệp đa màu sắc của ĐBSCL được phân tích, mổ xẻ nhằm tìm ra định hướng cho những người trẻ đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp.
Hiểu đúng về quá trình khởi nghiệp
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay, văn hóa khởi nghiệp không phải đơn thuần là giải quyết việc làm cho các sinh viên mới ra trường như trước mà khởi nghiệp phải là của cả quốc gia, của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn, diễn ra không ngừng nghỉ. Đối với khởi nghiệp phải học văn hóa chấp nhận thất bại, chấp nhận rủi ro vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm; là văn hóa chia sẻ-hợp tác của những startup đã thành công với những ý tưởng mới hình thành và tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các diễn giả thảo luận tại buổi tọa đàm “Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả?”.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ: Đồng Tháp là 1 tỉnh “rất máu” về khởi nghiệp và luôn nung nấu trong cả hệ thống chính trị về lãnh đạo khởi nghiệp thành công là phải thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ, xem đầu tư cho khởi nghiệp là đầu tư cho tương lai. Phát triển doanh nghiệp không thể bỏ qua cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đồng Tháp cũng tiến hành nghiên cứu về khởi nghiệp từ các nước trên thế giới, các địa phương như Đà Nẵng, học tập kinh nghiệm từ các chuyên gia và tranh thủ sự hỗ trợ từ chuyên gia. Qua đó, đã hình thành được nhóm doanh nghiệp hỗ trợ đến từ TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác, tranh thủ sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam đặt văn phòng đại diện tại Đồng Tháp để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên, thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ… Từ đó nhen nhóm lên thành phong trào, thành khí thế khởi nghiệp chung của tỉnh. Đồng Tháp cũng đã hình thành Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu và hình thành Tổ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp. Đối với các dự án bước ra từ các cuộc thi khởi nghiệp do BSA và VCCI tổ chức, Câu lạc bộ này sẽ tham gia tư vấn, phản biện để làm sao thương mại hóa sản phẩm thành công. Đồng Tháp cũng hình thành Câu lạc bộ Du học sinh để hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp được phát triển tròn trịa hơn để khi ra thị trường có thể đứng vững được.
Đồng quan điểm với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan rằng khởi nghiệp phải bắt nguồn từ nền tảng công nghệ chứ không chỉ tập trung sản xuất đơn thuần một số sản phẩm, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, Chủ nhiệm Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL, cho rằng: Hai năm gần đây, chúng ta nói nhiều về khởi nghiệp và tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp. Tuy nhiên, các cuộc thi chỉ là một phần công việc của khởi nghiệp. Nếu hình dung như trong một chuỗi giá trị sản phẩm thì khởi nghiệp chỉ mới là giai đoạn bắt đầu để tìm ý tưởng. Sau đó còn hàng loạt vấn đề phải giải quyết từ ai là người hướng dẫn, Quỹ đầu tư hỗ trợ như thế nào, hệ sinh thái bao trùm nó ra sao, bản thân người khởi nghiệp hiểu gì về thủ tục pháp lý, các vấn đề về thị trường. Bản thân ý tưởng các sản phẩm và đến khi sản phẩm đó ra đời thì ai là tổ chức đo lường chất lượng; không khéo sản phẩm mới ra đời chỉ vài ngày đã bị đánh cắp ý tưởng hoặc bị gãy. Hiện nay có nhiều Vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp nhưng đến khi ra được sản phẩm ai sẽ là người phát triển ra thị trường, ai sẽ giúp kết nối doanh nghiệp và cuối cùng là sản phẩm đến người tiêu dùng có hiệu quả hay không, đó là một quá trình rất dài.
Quản trị để giảm rủi ro
Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương ở ĐBSCL. Về phía địa phương cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nhưng để áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Các mô hình khởi nghiệp hiện nay thường chỉ tập trung vào các lĩnh vực dễ gia nhập thị trường. Trong khi đó, những tổ chức, cá nhân khởi nghiệp còn hạn chế về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính; chưa tìm kiếm được các nguồn lực hỗ trợ về tài chính. Các hoạt động hỗ trợ của địa phương, ngành chức năng còn mang tính riêng lẻ và lồng ghép vào các chương trình khác có liên quan chứ chưa thực sự có những chính sách cụ thể để đẩy mạnh khởi nghiệp. Việc huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp cũng gặp khó khăn do rủi ro lớn. Vì vậy, TP Cần Thơ tập trung vào liên kết với các đối tượng khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ, xem những tổ chức cá nhân khởi nghiệp và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Thành phố đang trong giai đoạn xây dựng Đề án về thành lập Quỹ khởi nghiệp và kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho Quỹ cũng như tham gia tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các đối tượng khởi nghiệp.
Mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Nông trại sạch Cần Thơ (Cần Thơ Farm).
Ông Nguyễn Phương Lam, cho rằng: Một dự án khởi nghiệp muốn thành công phải mất ít nhất từ 3-5 năm, như vậy ĐBSCL chỉ mới bước vào giai đoạn đầu tiên của khởi nghiệp. Chỉ đến khi nào sản phẩm của doanh nghiệp ra được thị trường mới xem như bước đầu khởi nghiệp thành công. Một số bạn trẻ khởi nghiệp nếu không được đào tạo về tư duy quản trị sẽ rất khó và thường tự tin quá mức với thành quả ban đầu. Các bạn đã đạt giải từ những cuộc thi khởi nghiệp đưa được sản phẩm ra thị trường khi cần liên hệ đặt hàng lại sẵn sàng trả lời không có thời gian, không tiếp nhận đơn hàng, thậm chí không nghe điện thoại, không tìm hướng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, các bạn trẻ khởi nghiệp muốn thành công phải có tư duy và tâm lý đón nhận và xử lý tốt thông tin thị trường. Các trường đại học cũng nên có chương trình dành cho sinh viên năm cuối với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xử lý những vấn đề này; bởi nếu quản trị nhỏ không làm được thì khi phát triển lên quy mô lớn sẽ càng phức tạp.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, phải hình dung bức tranh khởi nghiệp rất rộng lớn; hỗ trợ khởi nghiệp không phải chuyện đơn giản. Nếu trao cho các bạn trẻ khởi nghiệp từ 1-2 tỉ đồng, các bạn sẽ chết chìm nếu không biết sử dụng ra sao. Đối với các bạn khởi nghiệp, nếu lủi thủi đi một mình sẽ không thành công, phải học hỏi những người đi trước, các chuyên gia. Khi khởi nghiệp phải nghĩ rằng những gì mình làm được người khác cũng sẽ làm được nên phải có tư duy sáng tạo, tạo ra được sự khác biệt và phải thay đổi liên tục. Thay vì sợ người khác ăn cắp nghề, sao chép ý tưởng các bạn có thể mạnh dạn huy động từ nhiều nguồn lực để có hướng phát triển hiệu quả. Phải xem sản phẩm của mình đã thuyết phục được người cần huy động vốn hay chưa, nếu chưa thuyết phục được sẽ có khả năng không thuyết phục được người tiêu dùng. Còn nếu thuyết phục được thì sẽ có cơ hội được đóng góp ý tưởng để hoàn thiện sản phẩm. Thay vì chờ đợi các nguồn quỹ hỗ trợ của nhà nước có thể hợp tác theo hình thức cổ phần, đưa ra ý tưởng, đề án để kêu gọi nguồn vốn góp thay vì chờ đợi các quỹ đầu tư mạo hiểm vì sẽ mất nhiều thời gian thẩm định.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN