15/02/2018 - 17:02

Đậm đà sắc xuân 

THANH THƯ

Chơi hoa, kiểng là thú vui tao nhã của rất nhiều gia đình trong mỗi dịp Xuân về. Nếu như ngày trước, vài chậu vạn thọ hay cành mai vàng là đủ trang trí cho ngôi nhà đậm đà sắc xuân, thì hiện nay, thú chơi hoa, kiểng của người dân lại theo phương châm “Đẹp, độc và lạ”. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều nhà vườn trên địa bàn thành phố đã mạnh dạn chuyển sang phát triển mô hình trồng kiểng bonsai, hoa trang trí cho thu nhập cao.

* Đam mê cây kiểng nghệ thuật

Những ngày này, vườn bonsai của anh Trần Hiếu Nhân, khu vực Phước Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt rất đông khách đến tham quan và giao dịch. Những gốc mai chiếu thủy, vạn niên tùng... qua đôi bàn tay chăm chút  của người thợ tài hoa càng trở nên sống động với nhiều kiểu dáng đẹp và lạ mắt. Điều ít ai ngờ rằng, vườn bonsai của anh rộng chưa đến 200m2 nhưng có giá trị ước tính lên tới vài tỉ đồng. Chính niềm đam mê cây kiểng nghệ thuật đã giúp anh tạo nên điều kỳ diệu ấy.

Góc mai chiếu thủy dáng trực được khách hàng đến trả trên 400 triệu đồng nhưng anh Trần Hiếu Nhân chưa bán. Góc mai chiếu thủy dáng trực được khách hàng đến trả trên 400 triệu đồng nhưng anh Trần Hiếu Nhân chưa bán. 

 Anh Nhân sinh ra trong một gia đình ở vùng quê Lấp Vò, Đồng Tháp. Từ thuở nhỏ, anh có sở thích trồng mai vàng, tập tành ghép và tạo các dáng thế cho cây. Khi trở thành sinh viên ngành Sư phạm Toán (Trường Đại học An Giang), anh Nhân vẫn tranh thủ làm thêm, thậm chí làm thí công cho các vườn kiểng ở Long Xuyên để học hỏi, bổ sung kiến thức, nuôi dưỡng niềm đam mê với cây kiểng. Sau 3 năm kiên trì vừa học, vừa làm anh Nhân nhận ra niềm khát khao mãnh liệt và quyết định theo đuổi nghề làm đẹp cho đời. Vốn đã có kiến thức cơ bản và sự đam mê, anh Nhân nhận sửa kiểng thuê cho nhiều nhà vườn ở Long Xuyên và Cần Thơ với mức thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Khi có số vốn kha khá, anh Nhân “săn” mua những cây kiểng có giá trị về chăm sóc và tạo dáng.

Năm 2008, sau khi lập gia đình, anh Nhân phát triển mô hình trồng kiểng bonsai tại cù lao Tân Lộc. Có bao nhiêu tiền, anh đều dồn hết vào việc mua cây kiểng. Theo anh Nhân, lúc đầu, mỗi cây phôi mua về đều có một dáng cơ bản nhưng chưa rõ nét nên nghệ nhân cần uốn sửa để đưa vào thế kiểng nghệ thuật. Tạo dáng, uốn sửa cây là cả quá trình lâu dài, đòi hỏi nghệ nhân phải có lòng đam mê, sự kiên trì và bình quân phải mất từ 2 - 3 năm đối với cây bonsai nhỏ và từ 5 - 10 năm đối với cây lớn. Điều góp phần tạo nên sự thành công là anh Nhân luôn có cái nhìn, tư duy sáng tạo trong tạo hình để thổi hồn vào tác phẩm. Tại vườn cây cảnh bonsai của anh Nhân nhiều cây mai chiếu thủy có tuổi đời từ 20 đến trên 50 năm, da vẻ sần sùi, cổ kính và dáng thế đẹp mắt. Đây chính là điểm thu hút người yêu nghệ thuật cây cảnh bonsai tìm đến mua, thậm chí đặt tiền cọc trước đối với tác phẩm ưng ý. Những năm gần đây, nhiều tuyệt tác của anh được trưng bày trong các hội thi cây cảnh luôn làm say lòng người thưởng lãm và đạt giải cao. Cụ thể, năm 2011 anh Nhân đạt Giải Vàng bộ môn tiểu cảnh trung với tác phẩm “Ký ức thời gian” và năm 2012, anh tiếp tục đạt Giải Vàng bộ môn tiểu cảnh nhỏ với tác phẩm “Cỗ giản tồn sinh” trong hội thi sinh vật cảnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Vĩnh Long…

Đến nay anh Nhân có hơn 200 tác phẩm bonsai chủ yếu là mai chiếu thủy, vạn niên tùng, linh sam, sam núi… với dáng thế “độc, lạ” trị giá trên 2 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến nay, anh Nhân đã bán được hơn 10 tác phẩm bonsai mai chiếu thủy, vạn niên tùng, khế... với số tiền 2,6 tỉ đồng.

* Trồng hoa công nghệ cao

Khu vườn nhỏ của ông Lâm Quang Hồng, khu vực Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy gần như phủ kín sắc màu của hơn 3.000 chậu hoa cúc đồng tiền, hoa cát tường…mơn mởn lá xanh, sum suê búp nụ. Ông Hồng chia sẻ, hơn 20 năm trồng hoa phục vụ thị trường Tết là ngần ấy thời gian ông thấp thỏm canh thời tiết để xử lý cho hoa nở “đúng thời điểm”. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, nhờ ứng dụng mô hình trồng hoa trong nhà kín nên hoa Tết đạt chất lượng cao hơn.

Ông Lâm Quang Hồng đầu tư hệ thống nhà kín để trồng hoa treo chậu, đáp ứng nhu cầu khách hàng.Ông Lâm Quang Hồng đầu tư hệ thống nhà kín để trồng hoa treo chậu, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Kể về qui trình trồng hoa Tết đạt chất lượng, ông Hồng cho biết, cán bộ Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ luôn tận tình hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ quy trình trồng hoa của người dân địa phương. Trên cơ sở đó, cán bộ Hội đưa ra hướng xử lý, giúp người dân tích lũy kinh nghiệm, tự làm chủ phương pháp trồng hoa có kỹ thuật cao. “Dù năm nay mưa nhiều, tiết trời giá lạnh, nhưng hơn 3.000 chậu hoa cúc đồng tiền, hoa cát tường, hồng, lan… của tôi vẫn phát triển tốt, không sâu bệnh . Với số lượng hoa này, ước tính gia đình tôi sẽ đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng”- ông Hồng phấn khởi cho biết.

Theo bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó Trưởng ban Thông tin phổ biến kiến thức và hội viên - Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật thành phố, những năm gần đây, đa phần các hộ trồng hoa trên địa bàn thành phố nhập cây giống từ các địa phương. Do vậy, các hộ trồng hoa thường gặp phải một số khó khăn, như: khí hậu chưa thích nghi, chất lượng cây giống bị ảnh hưởng do quá trình vận chuyển, tốn thời gian, chi phí… “Chúng tôi đã từng bước nghiên cứu, chuyển giao các phương pháp, kỹ thuật trồng hoa. Từ đó, nhiều giống hoa như: dạ yến thảo, cúc và kiểng lá màu được người dân trồng thành công nhiều ở làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ. Bên cạnh đó, Hội còn bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho bà con an tâm sản xuất” - bà Lê Thị Thúy Kiều nói.

Tham quan Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, chúng tôi hòa cùng niềm vui chung của bà con. Cả làng hoa như thảm lụa đầy sắc màu uốn lượn, trải dài tít tắp. Chăm chút từng chậu hoa, bà Đặng Thị Phượng, khu vực Bình An, phường Long Hòa, phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, tôi trồng khoảng 8.000 chậu hoa cúc, vạn thọ, mai dạ thảo và hoa treo chậu. Nếu thời tiết thuận lợi, tôi sẽ thu về lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng”. Với hơn 20 năm trồng hoa, bà Phượng vẫn chịu khó đi tham quan các vườn hoa nhiều tỉnh, thành lân cận để trao đổi và tích lũy kinh nghiệm. Một mặt, bà tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng hoa kiểng do các ngành chuyên môn tổ chức. Với những cách làm trên, vườn hoa của bà Phượng đạt hiệu quả rất cao, hoa hạn chế được sâu bệnh tấn công và trổ đúng vào dịp Tết.

Bà Đặng Thị Phượng chăm chút cho những chậu hoa cúc để nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Bà Đặng Thị Phượng chăm chút cho những chậu hoa cúc để nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. 

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: “Hội Nông dân thành phố phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nhân giống hoa cây kiểng mới, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện của thành phố và thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hội sẽ tăng cường hợp tác với các nghệ nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh hoa kiểng trong và ngoài thành phố để chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa kiểng, tạo dáng bonsai… cho các hộ tham gia sản xuất hoa, kiểng. Những nỗ lực này nhằm giúp các hộ trồng hoa kiểng nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị”.

Chia sẻ bài viết