(TTXVN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 5-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri. Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi lại những ý kiến của cử tri về phiên thảo luận tại Quốc hội.
* Làm rõ hơn, đầy đủ hơn các vấn đề liên quan đến Chế độ chính trị
Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản đồng tình về bố cục, câu chữ, nội dung điều chỉnh của Dự thảo, nhất là đã làm rõ được vai trò và bản chất của Nhà nước trong sửa đổi lần này. Đồng thời nêu ý kiến, Lời nói đầu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần viết ngắn gọn hơn và đề nghị sửa như sau: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, nhân dân Việt Nam giàu lòng yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết một lòng, kiên cường, cần cù trong lao động, sáng tạo, anh dũng trong đấu tranh để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên nền văn hiến Việt Nam. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và văn minh nhân loại, nhân dân Việt Nam thông qua đại diện của mình là Quốc hội, ban hành "Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Các cơ quan của Quốc hội, của Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân, các tổ chức, tổ chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, công dân Việt Nam và mọi người có nghĩa vụ trung thành với Hiến pháp, bảo vệ Hiến pháp, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, xây dựng mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật, xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc, quyền và lợi ích hợp của công dân, của các tổ chức, phải xử lý nghiêm minh theo Hiến pháp, pháp luật. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân mới có quyền lập Hiến, sửa đổi Hiến pháp.
* Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ
Cử tri Hà Văn Thương, dân tộc Thái, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa có ý kiến về vấn đề quy chế dân chủ, hình thức dân chủ trực tiếp, nguyên tắc tập trung dân chủ, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo cử tri Hà Văn Thương, quy chế dân chủ xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là quy chế để chính quyền, tổ chức điều chỉnh hành vi của những người tham gia, người dân cũng nhận rõ được trách nhiệm phát huy vai trò của mình trong việc tham gia đóng góp ý kiến của mình để giải quyết công việc cộng đồng.
Ông Thương cho rằng, quy chế dân chủ phát huy vai trò rõ ràng nhất tại thôn, bản, khu dân cư, ở đó trưởng thôn, bản, tổ trưởng khu dân cư đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý mọi mặt vấn đề xã hội, có trách nhiệm tiếp thu ý kiến người dân và phản ánh trung thực lên các cấp chính quyền, từ đó xây dựng, đề ra mục tiêu chung của thôn, bản, khu dân cư. Quy chế dân chủ có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của mỗi người dân. Việc áp dụng hình thức dân chủ trực tiếp hay dân chủ gián tiếp tùy thuộc vào đặc điểm địa hình, phân bố dân cư hoặc tính chất của mỗi vấn đề thông qua tại hội nghị dân chủ, nơi nào phát huy tốt quy chế dân chủ thì giải quyết vấn đề sẽ dễ dàng hơn.
Đối với nguyên tắc tập trung dân chủ, ông Thương cho rằng, nếu không có sự tập trung sẽ không phát huy được quyền hạn của người được giao quyền, nhưng nếu không phát huy quy chế dân chủ thì có thể sẽ dẫn đến quyết định mang tính chất cá nhân hoặc cực đoan. Do vậy, trong từng vấn đề cụ thể phải phát huy được tinh thần tập trung dân chủ. Tinh thần này được cho là nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng phải biết kết hợp hài hòa. Cần nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát huy dân chủ, đặc biệt là dân chủ trực tiếp. Do trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, người dân có điều kiện tiếp cận với thông tin đa dạng, nhiều chiều, nếu biết phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ giải quyết thấu đáo được mọi vấn đề.
* Góp ý về khái niệm "dân tộc thiểu số", "vùng đặc biệt khó khăn"
Thống nhất với ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cử tri Tạ Quang Tòng, Trưởng Văn phòng Luật sư THT (Đắk Lắk) góp thêm một số ý kiến về các vấn đề liên quan đến khái niệm "dân tộc thiểu số", "vùng đặc biệt khó khăn".
Theo cử tri Tạ Quang Tòng, dân tộc thiểu số là một khái niệm khoa học được sử dụng phổ biến hiện nay trên toàn thế giới, có ý nghĩa biểu thị tương quan về dân số trong một quốc gia đa dân tộc. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng dân tộc, khái niệm "dân tộc thiểu số" không mang ý nghĩa phân biệt địa vị, trình độ phát triển của các dân tộc. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, nước ta là một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc thành viên cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số. Như vậy, khái niệm "dân tộc thiểu số" dùng để chỉ những dân tộc có dân số ít, chiếm tỷ lệ thấp trong tương quan so sánh về lượng dân số trong một quốc gia đa dân tộc chứ thuật ngữ này không đồng nghĩa với dân tộc chậm phát triển, dân tộc lạc hậu. Còn khái niệm "vùng đặc biệt khó khăn" để chỉ những địa bàn khó khăn về điều kiện tự nhiên, hạn chế đến khả năng giao lưu, cơ sở hạ tầng, nhất là điện, đường, trường, trạm, các dịch vụ khác còn thiếu, yếu.
Cử tri Tạ Quang Tòng cho biết, Đắk Lắk là một trong những địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Với 47 dân tộc, Đắk Lắk hiện có gần 1,8 triệu dân; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số trên 320.000 người, còn lại là đồng bào Kinh. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn từng bước nâng cao đời sống, không còn tình trạng đói cơm, nhạt muối như trước, nhiều người dân tộc thiểu số đã trở thành giáo sư, tiến sĩ trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Đặc biệt, Chính phủ đã có nhiều chương trình, quyết định, thực hiện an sinh xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm đầu tư phát triển sản xuất để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, từng bước rút dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Theo cử tri Nguyễn Đăng Quang, Ban Tuyên giáo Thành ủy Pleiku (Gia Lai), cách trình bày trong Dự thảo Hiến pháp là phù hợp và nên thống nhất chung một tên gọi "dân tộc thiểu số". Cử tri Nguyễn Đăng Quang cho rằng, khái niệm "vùng đặc biệt khó khăn" thực ra cũng là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa... hay nói cách khác, đều là vùng có đông dân tộc thiểu số sinh sống. Do vậy, nên gọi là "vùng dân tộc thiểu số" thay cho khái niệm "vùng đặc biệt khó khăn".
* Cần quy định rõ cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền con người
Luật sư Hoàng Huy Được (Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, để xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đòi hỏi Hiến pháp cần quy định một cách rõ ràng về quyền con người và cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền con người, trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm cho việc thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp cần quy định một cách rõ ràng trong trường hợp nào thì những quyền nào của con người bị giới hạn, nếu không sẽ rất dễ bị lạm dụng và quyền con người rất dễ bị xâm phạm.
Việc hiến định quyền con người là một điều quan trọng, nhưng cơ chế bảo đảm thực thi quyền con người cũng là điều quan trọng không kém. Bởi nếu không quy định rõ, quyền con người rất dễ bị lạm dụng để hạn chế và các quyền con người cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi. Vì vậy, theo Luật sư Hoàng Huy Được , trong Hiến pháp cũng cần qui định cụ thể việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, nghĩa vụ trách nhiệm của cơ quan công quyền trong việc bảo đảm quyền con người và quyền công dân
* Nhiều điểm mới phù hợp, tiến bộ hơn
Theo cử tri Lê Văn Minh, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Sở Thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã có những tiếp thu khá đầy đủ ý kiến đóng góp của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý
để hoàn thiện hơn cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. So với bản dự thảo được đưa ra lần đầu lấy ý kiến của nhân dân, thì bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều điểm mới, phù hợp hơn và tiến bộ hơn.
Về thành phần kinh tế trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Lê Văn Minh cho rằng như vậy là hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Chúng ta phải luôn khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Xác định rõ vai trò của nhà nước sẽ giúp nền kinh tế đi đúng hướng, đúng mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Bên cạnh đó, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế sẽ giúp động viên, cổ vũ doanh nhân, doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Đó chính là điều quan trọng giúp huy động được tổng lực để phát triển kinh tế.
Về vấn đề chính quyền địa phương, theo ông Lê Văn Minh, Hiến pháp quy định cụ thể từng cấp như trong Dự thảo sẽ giúp ổn định và thống nhất trong quản lý hành chính cũng như quản lý ngân sách. Mặc dù hiện nay chúng ta đã thí điểm mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một số cấp và đã đạt được những mặt tích cực, nhưng đó chỉ là thí điểm, cần đánh giá kỹ trước khi thực hiện. Do đó, Hiếp pháp vẫn cần thiết quy định cụ thể chính quyền từng cấp, khẳng định vai trò của Hội đồng nhân dân ở địa phương để thực hiện đúng chức năng của mình. Một điểm đáng chú ý là bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập" sẽ tạo cơ chế mở, thuận lợi cho các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh có thể tổ chức theo mô hình Chính quyền đô thị được thuận lợi về sau.
* Theo thông cáo số 12, ngày 5-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội.
Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi). Trong ngày làm việc, đã có 43 đại biểu Quốc hội của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc phiên họp. Thứ tư, ngày 6-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); buổi chiều, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về các dự án: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Phiên họp buổi sáng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.