08/07/2020 - 06:02

Xem thị trường nội địa là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, UBND TP Cần Thơ thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; vừa triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dù còn nhiều khó khăn song thành phố luôn thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tái khởi động sản xuất kinh doanh, khôi phục các hoạt động thương mại dịch vụ... Đặc biệt là nỗ lực tạo dựng niềm tin và quyết tâm vượt khó cho các thành phần kinh tế để cùng thành phố hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra năm 2020.

Nhiều thách thức

Khách hàng chọn mua thực phẩm tươi sống tại Siêu thị Big C.

Theo ghi nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố, từ tháng 5-2020, các hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh đã hoạt động trở lại với mức tăng cao so với tháng 3, tháng 4-2020. Điều này cho thấy kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, song vẫn còn sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, chia sẻ: Dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến hầu hết các ngành kinh tế, các mặt của đời sống xã hội và thể hiện qua việc mức tăng GRDP 6 tháng đầu năm của thành phố chỉ tăng 1,43% so cùng kỳ 2019. Đây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm trong 10 năm qua. Các ngành, các lĩnh vực chủ yếu của thành phố đều tăng chậm hoặc sụt giảm so với 6 tháng đầu năm 2019: sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,83%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 3%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 5,1%; du lịch giảm lượt khách đến lên tới 69,7%; khách lưu trú giảm 69,9%, doanh thu giảm 62,1%, vận chuyển hàng hóa giảm 15,63%; vận chuyển hành khách giảm 8,36% so với cùng kỳ 2019.

Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C) quản lý, điều hành chợ Tân An, chợ Hưng Lợi và chợ Cổ Cần Thơ. Công ty có Xí nghiệp I và Xí nghiệp II chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống gồm các mặt hàng thịt heo, trứng gia cầm, thủy sản các loại. Ngoài ra còn có Trung tâm bách hóa kinh doanh các mặt hàng thực phẩm công nghệ và hàng bách hóa khác. Theo ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty C.T.C, trong 5 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ bằng 34% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, sản lượng thực phẩm tươi sống bán ra tại các cửa hàng và lượng cung cấp cho các siêu thị, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể… đều bị giảm sút với tổng doanh thu ngành hàng thực phẩm giảm trên 30%; ngành hàng bách hóa cung cấp nhu yếu phẩm… lượng tiêu thụ lẻ giảm 50%. Khách hàng đến chợ truyền thống để ăn uống, mua những sản phẩm không phải là tối cần thiết như quần áo, bách hóa giảm khoảng 70%. Tương tự, tại chợ Cổ Cần Thơ lượng khách hàng ngày giảm chỉ còn khoảng 30%.

Bước sang tháng 5 và tháng 6, tình hình tiêu thụ nội địa, xuất khẩu hàng nông, thủy sản của các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ đã có khởi sắc nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ 2019. Các loại hình dịch vụ tuy hoạt động trở lại nhưng thu hút số lượng người tham gia còn rất hạn chế, việc thu hút khách du lịch và tổ chức sự kiện còn khó khăn. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thì việc kích cầu tiêu dùng được xem là nhiệm vụ cấp bách hiện nay nhằm giải quyết bài toán đầu ra, gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hướng về thị trường nội địa

 Nhu cầu tiêu dùng của xã hội giảm sút rõ rệt sau dịch là nhận định chung của các doanh nghiệp và đặt ra không ít băn khoăn về đầu ra sản phẩm. Do đó, việc thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng cũng là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Theo ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty C.T.C, hiện nay, doanh nghiệp kỳ vọng các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch sớm phục hồi trở lại để góp phần kích cầu thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Đặc biệt, nền kinh tế tiêu dùng hiện nay hướng về nội địa là chính nên doanh nghiệp cũng mong Chính phủ và chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa và khôi phục nhanh sau dịch.

Thị trường nội địa được xem là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Do đó, rất cần các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bán lẻ. Theo ông Viên Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Cần Thơ, doanh nghiệp cần điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh, hành vi của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Hội Doanh nhân trẻ TP Cần Thơ đang thành lập Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại và đầu tư doanh nhân trẻ với mục đích liên kết các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hội viên. Các hoạt động chính của Câu lạc bộ bao gồm: khảo sát thị trường, kết nối doanh nghiệp, tổ chức hội thảo, hội chợ… cập nhật thông tin liên quan đến thị trường, chính sách, các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, qua đánh giá sơ lược tình hình kinh tế - xã hội của thành phố 6 tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp đều sụt giảm doanh thu, lợi nhuận do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc tái khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục lại thị trường sau dịch. Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành triển khai nhanh chóng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, tiếp cận thông tin thị trường, nhất là thị trường nội địa. Hơn 97% doanh nghiệp của thành phố là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên điểm yếu vẫn là vốn ít, nguồn lực hạn chế, thiếu thông tin thị trường. Do đó, thành phố mong muốn doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng chất sản phẩm, dịch vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để giải quyết bài toán đầu ra. Bởi có năng động đổi mới, doanh nghiệp mới thích ứng kịp với những tình huống bất khả kháng cũng như sẵn sàng tâm thế nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết