22/04/2016 - 09:20

XÂY DỰNG “TAM NÔNG” BỀN VỮNG

Vĩnh Thạnh là huyện vùng ven của thành phố, đa số người dân sống bằng nghề nông, trong đó, cây lúa là cây trồng chủ lực. Do đó, quá trình hội nhập đã đặt ra cho địa phương nhiều vấn đề để làm sao xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn bền vững, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Nông nghiệp đổi mới…

Đến thăm hợp tác xã (HTX) Khiết Tâm (xã Thạnh Lợi) vào một ngày đầu tháng 4, chúng tôi thấy các nhân công đang lắp đặt máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX, năm 2014, Ngân hàng Thế giới hỗ trợ HTX Khiết Tâm chiếc máy này và nhà kho, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm… trị giá 5 tỉ đồng. Từ khi máy san phẳng mặt ruộng được đưa vào sử dụng, xã viên đã bớt thời gian bơm nước, đồng ruộng ít cỏ dại… nên chi phí sản xuất lúa cũng giảm theo. Các xã viên sử dụng các dịch vụ của HTX, như: sửa chữa máy móc, mua lúa giống, sấy lúa… đều rẻ hơn bên ngoài từ 5 - 10%. "Tôi và các xã viên cũng được trang bị nhiều kiến thức về sản xuất lúa từ các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên biết thời gian sâu bệnh phát triển, cách phòng trừ… Hiện nay, 2ha đất trồng lúa giống của tôi cho thu nhập khoảng 84 triệu đồng, tăng khoảng 16 triệu đồng/năm so với trước đây" - ông Đoàn Đức Thắng, ở ấp D2, cho biết.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu (bên trái), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, kiểm tra tình hình sản xuất lúa ở huyện Vĩnh Thạnh.

HTX Khiết Tâm có 40 xã viên, với tổng diện tích sản xuất lúa 340ha; trong đó, có 300ha trồng giống Jasmine, 40ha sản xuất lúa giống do một công ty bao tiêu. Hiện tại, HTX được 2 công ty bao tiêu sản phẩm nên giá lúa khá ổn định. Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp chất lượng hạt lúa được nâng lên. Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, trước khi tham gia HTX nông dân mỗi người bán lúa một giá, dẫn đến rối loạn thị trường hoặc bị tư thương ép giá. Tuy nhiên, từ khi vào tổ hợp tác (THT) và giờ là HTX, giá lúa bán luôn bằng nhau, chất lượng hạt lúa nâng cao. "Trước đây, 20kg lúa chỉ cho 12kg gạo, nhưng nay là 14 kg gạo. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục sản xuất lúa giống để bán cho THT ở các xã lân cận" - ông Huấn cho biết.

Theo ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, quá trình hội nhập quốc tế đã tạo ra những cơ hội, thuận lợi cho ngành nông nghiệp địa phương. Mặc dù vậy, đó cũng là thử thách vì yêu cầu, đòi hỏi cao hơn từ các nước đối với hàng hóa nông nghiệp. Những năm qua, UBND xã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất lúa cho từng vùng, có hợp đồng với doanh nghiệp để đầu tư và tiêu thụ lúa hàng hóa. Hiện nay, xã Thạnh Lợi có 3.807ha đất sản xuất lúa, xây dựng được 2 HTX, 15 THT sản xuất, 4/4 ấp có sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn… "Hiện nay, địa phương thực hiện cơ giới hóa đạt 85% các khâu trong sản xuất, như: làm đất, đắp bờ, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, vận chuyển. Nông dân có trình độ sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tốt đã làm giảm chi phí sản xuất, thu nhập đạt được cao" - ông Bùi Quang Nam nói.

Thời gian qua, dù thị trường, thời tiết, thủy văn có những diễn biến bất thường, nhưng ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh vẫn phát triển khá ổn định trên 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Nổi bật là liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn. Huyện Vĩnh Thạnh có 53 cánh đồng lớn với diện tích 9.205ha, trong đó, diện tích lúa được doanh nghiệp bao tiêu khoảng 5.000ha. Khi tham gia mô hình cánh đồng lớn, thu nhập của người dân tăng so với trước đây từ 2-4 triệu đồng/ha. Hiện nay, toàn huyện có 243 máy gặt đập liên hợp, 423 lò sấy… đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản xuất lúa, tăng thu nhập cho nông dân.

Xây dựng "tam nông" bền vững

Theo ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn của huyện đã có nhiều thay đổi, khởi sắc, đặc biệt là trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, huyện Vĩnh Thạnh có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Thạnh Thắng, Vĩnh Trinh và Thạnh Lợi. Đến cuối năm 2016, huyện phấn đấu có thêm 3 xã nông thôn mới nữa là Thạnh An, Thạnh Tiến và Thạnh Quới. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã thực hiện trên 112km mặt cứng đường giao thông nông thôn; nâng nền hạ và trải cát núi trên 91km đường, xây dựng 74 cây cầu bê tông với tổng kinh phí hơn 319 tỉ đồng. Song song đó, huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư nạo vét kênh kết hợp gia cố đê bao 156 công trình với khối lượng thực hiện trên 5 triệu m3, kinh phí 222,2 tỉ đồng nhằm phục vụ tưới tiêu cho 49.845ha. Hệ thống đê bao, thủy lợi trên địa bàn huyện tương đối hoàn chỉnh đã đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu, đảm bảo cho nhân dân sản xuất 3 vụ lúa/năm. "Nông thôn đổi mới đã từng bước nâng cao đời sống người dân, đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất. Nông dân ngày càng chủ động việc tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa, tổ chức lại sản xuất… Từ đó đảm bảo an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong quá trình hội nhập" - ông Phan Văn Năm nói.

Mặc dù vậy, tình hình sản xuất nông nghiệp ở huyện vẫn còn nhiều khó khăn; trong đó có yếu tố thời tiết, thủy văn diễn biến thất thường; doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế; nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát huy tốt lợi thế kinh tế hợp tác; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chưa đồng bộ nên sản phẩm thiếu sức cạnh tranh... Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết thêm: "Một số nông dân vẫn chưa thấy được hiệu quả của kinh tế hợp tác trong sản xuất, trình độ quản lý của các HTX và THT còn hạn chế… đang gây khó khăn cho việc phát triển ngành nông nghiệp bền vững, đảm bảo chất lượng xuất khẩu gạo". Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, cho biết hiện tại khó khăn ở HTX là xã viên còn thiếu vốn để phát triển sản xuất. Nông dân không có vốn nên mua thiếu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… với giá cao. Sau đó, xã viên bán lúa sớm để trả nợ nên giá thấp, lúa chưa đạt chất lượng. Vì không có vốn nhiều nên một số xã viên khi vào mùa vụ phải vay bên ngoài với lãi suất cao, có khi đến 17%.

Theo ông Bùi Quang Nam, muốn ngành nông nghiệp vững vàng trong hội nhập quốc tế, nông dân phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tổ chức sản xuất theo một quy trình để nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan tâm hơn nữa đối với các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân nhằm giảm chi phí trung gian, giúp thu nhập của nông dân ổn định hơn... Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng: để phát triển nông nghiệp bền vững, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tăng cường thông tin về kinh tế thị trường để nâng cao nhận thức của người dân về xu thế phát triển và hội nhập. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong liên kết, hợp tác sản xuất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động, quản lý điều hành các Ban quản lý cánh đồng lớn, THT, Ban Giám đốc HTX, nhằm phát huy hiệu quả của kinh tế hợp tác, góp phần nâng cao giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân…

Bài, ảnh: Phạm Trung

Chia sẻ bài viết