21/11/2015 - 16:13

Xây dựng lòng tin giữa chính quyền và doanh nghiệp

Chính quyền thành phố muốn được lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp (DN) về những thuận lợi, khó khăn cũng như những đề xuất, kiến nghị giúp môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tốt hơn. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam tại buổi tọa đàm "Gặp gỡ giữa chính quyền với DN trên địa bàn thành phố" mới đây. Cuộc đối thoại khá cởi mở, DN đã chia sẻ về những thuận lợi, hạn chế khi đầu tư kinh doanh tại Cần Thơ và kỳ vọng sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

DN chia sẻ cùng chính quyền

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: kinh tế của thành phố mặc dù có tăng nhưng vẫn còn chậm, sức tiêu thụ của thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi; năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao so với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức phải vượt qua, hoạt động của DN đã góp phần tích cực vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội (tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo…). "Chính quyền thành phố luôn quan tâm và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN trên địa bàn hoạt động có hiệu quả. Chú trọng công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách công khai, minh bạch… nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đáp ứng tốt nhu cầu DN. Năm 2015, Cần Thơ đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư và công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo lòng tin cho DN và người dân"- ông Trương Quang Hoài Nam mở đầu tọa đàm với DN.

Ký kết hợp tác giữa Nông trường Sông Hậu và Hiệp hội xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản. Ảnh: CTV

 

Nhìn nhận về môi trường đầu tư, kinh doanh của TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng các vướng mắc của DN cũng được lãnh đạo thành phố và các sở, ngành chức năng quan tâm, có những vấn đề được giải quyết thỏa đáng, cũng có vấn đề chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Song cảm nhận về môi trường kinh doanh của thành phố đang tốt dần lên qua lăng kính của DN. Theo ông Motoyuki Nakarura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri- Việt, Khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc II (DN 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất găng tay bóng chày), thành lập và hoạt động hơn 8 năm, chính quyền thành phố, hải quan, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp… luôn sẵn lòng hỗ trợ, tạo điều kiện rất tốt cho DN hoạt động. Cần Thơ có lao động trẻ và năng động nên công ty tuyển dụng lao động dễ dàng. Hiện đội ngũ quản lý của công ty đa phần tốt nghiệp từ Đại học Cần Thơ. Lợi thế của Cần Thơ là chi phí trả cho lao động ở Cần Thơ thấp hơn TP HCM, đây là cơ sở để cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của Cần Thơ so với TP HCM. Còn ông Lê Văn Đồng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vườn trái Cửu Long (KCN Trà Nóc I), cho biết DN hoạt động tại TP Cần Thơ 15 năm trên lĩnh vực chế biến nước ép, trái cây cung ứng vào hệ thống khách sạn 5 sao ở Việt Nam và đang xuất khẩu sang một số nước lân cận. Khoảng 2 năm nay, DN làm thủ tục hành chính ở các sở, ngành đã tốt hơn trước, thủ tục của DN được giải quyết nhanh chóng hơn.

Bên cạnh mặt tích cực, nhiều DN cũng nêu lên điểm hạn chế của thành phố, như: cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của thành phố chưa đồng bộ, trong KCN hệ thống đèn đường, thoát nước, xử lý nước thải… chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của DN. Các thủ tục về thuế, hải quan,… còn rườm rà, cán bộ hướng dẫn chưa thống nhất nên khó cho DN. Để thành phố có bước phát triển mới và mạnh hơn, DN chờ đợi sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan công quyền và sự năng động của lãnh đạo thành phố.

DN kỳ vọng nhiều hơn

Ông Motoyuki Nakarura, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri- Việt, cho biết: "Cần Thơ có sân bay quốc tế, nhưng chúng tôi muốn bay về Nhật, hoặc đi các nước khác đều phải lên TP HCM. Chúng tôi cần nguyên phụ liệu cho sản xuất thì không có DN nào tại Cần Thơ làm hàng phụ trợ nên tất cả đều phải mua ở TP HCM, hoặc nhập khẩu"- ông Motoyuki Nakarura nói. Hiện có hơn 10 DN Nhật Bản đến làm việc với Tri- Việt để tìm hiểu thêm về sản xuất kinh doanh của Tri- Việt tại Cần Thơ. Theo ông Motoyuki Nakarura, Tri- Việt đã thông tin về chính sách đầu tư của thành phố để mời gọi DN cùng hợp tác, đầu tư vào thành phố. Các DN Nhật này đều thấy tiềm năng của Cần Thơ, nhưng họ băn khoăn và muốn trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh với các sở, ngành chức năng thành phố để hiểu thêm thì chưa được đáp ứng đầy đủ. Do đó, thành phố cần nâng chất lượng đào tạo cho cán bộ bộ phận "một cửa" của các sở, ngành để có thể làm tốt hơn công tác hướng dẫn, tiếp nhận thông tin từ các DN.

Cùng ý kiến với lãnh đạo Công ty TNHH Quốc tế Tri- Việt, ông Lê Văn Đồng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vườn trái Cửu Long, cho biết: "Một số đoạn đường trong KCN đã xuống cấp; bị ngập nặng khi có mưa và triều cường. Mặt khác, là DN 100% vốn Pháp, hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, công ty không được phép mua nguyên liệu chế biến trực tiếp mà phải thông qua bên thứ ba. Trong khi DN rất cần nguồn nguyên liệu tại chỗ, chất lượng đảm bảo để đáp ứng yêu cầu chế biến xuất khẩu thì vướng quy định". Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Công thương thành phố cho biết theo Thông tư 08/2013/TT-BCT của Bộ Công thương, thương nhân nước ngoài không được phép tổ chức mạng lưới thu gom nông sản trực tiếp trong dân để chế biến, nhằm hạn chế tình trạng thao túng, làm giá của DN ngoại trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều DN nước ngoài làm ăn chân chính bị thiệt thòi, nên Bộ đang nghiên cứu điều chỉnh để khuyến khích DN ngoại đầu tư vào nông nghiệp. Còn đại diện Sở NN&PTNT thành phố cho biết, sở đang rà soát các quy hoạch ngành nông nghiệp để quy hoạch lại các vùng sản xuất nông sản tập trung, đáp ứng tốt yêu cầu của DN về hàng hóa số lượng lớn, chất lượng đồng đều.

Với những đặt hàng của DN, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ngành chức năng rà soát lại tất cả các lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát các dự án hạ tầng giao thông để tham mưu cho thành phố lập dự án đầu tư, xin chủ trương đầu tư từ Trung ương. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp để có thể giải đáp nhanh chóng các thắc mắc của nhà đầu tư. Ông Lê Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, thời gian tới, hoạt động đầu tư của thành phố sẽ có nhiều khởi sắc khi có nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư khu du lịch resort, khách sạn 5 sao, Nhà máy nhiệt điện, nhà máy xử lý nước thải,… Năm 2015, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ đạt kế hoạch đề ra. Tính đến cuối tháng 10-2015, thành phố có 66 dự án FDI, vốn đăng ký 954,6 triệu USD, vốn thực hiện 346,5 triệu USD, chiếm 36% tổng vốn đăng ký. Tới đây, thành phố sẽ chú trọng xúc tiến vào một số đối tác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đầu tư vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch, hạ tầng giao thông, công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến nông sản, thủy sản… UBND thành phố đã ban hành Quy chế phối hợp hoạt động của mô hình "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục đầu tư các dự án ngoài KCN trên địa bàn. Nhà đầu tư chỉ cần đến bộ phận này để nộp hồ sơ và nhận kết quả tại đây, qua đó, giảm chi phí thời gian trong quá trình làm thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng tại thành phố.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết