28/10/2015 - 20:53

Xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo các chuyên gia thế giới, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu gây ra. Khu vực ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ là 1 trong 3 vùng đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Do vậy, việc xây dựng năng lực thích ứng và khả năng chống chịu với BĐKH của từng địa phương; đặc biệt, chống ngập lụt là vấn đề cấp thiết.

Thách thức đô thị

ĐBSCL có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; đặc biệt là phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế sẵn có, ĐBSCL phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, thời gian qua, ĐBSCL đã và đang chịu tác động của BĐKH với nhiều loại thiên tai, như: mưa, lũ hằng năm biến động thất thường; hiện tượng sạt lở đất; triều cường kèm theo bão, lốc xoáy xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên. Hầu hết các thành phố trong vùng đều bị ngập lụt do lũ, triều cường và mưa đang diễn ra với cường độ gia tăng, trên diện rộng. Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp; hiện tượng xâm nhập mặn dọc theo các tỉnh ven biển và các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công là thách thức lớn mà ĐBSCL gánh chịu.

Ngập úng ở trung tâm TP Cần Thơ sau cơn mưa kéo dài. (Ảnh chụp tại đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều).

Cùng với sự phát triển dân cư và kinh tế, để khắc phục những bất lợi từ điều kiện tự nhiên, các giải pháp hạ tầng đã và đang được các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện một cách toàn diện. Hàng loạt công trình thủy lợi ra đời, như: đê bao, bờ bao, các kênh vận chuyển... là động lực và đòn bẩy quan trọng cho vùng ĐBSCL có cơ hội và điều kiện phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, việc phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng đang ngày một khó khăn trước điều kiện tự nhiên và thiên tai. Cụ thể: hệ thống đê điều kiên cố bảo vệ các cánh đồng làm mất đi các khu trữ nước, gây ra tác động tiêu cực đến công tác phòng chống lũ lụt ở hạ lưu; gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa dẫn đến nhu cầu phòng chống lũ lụt cao hơn và sử dụng tài nguyên nước nhiều hơn; tác động của BĐKH và nước biển dâng đến vấn đề quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL... Theo đánh giá của các chuyên gia, dưới tác động của BĐKH và nước biển dâng, ngập lụt và xâm nhập mặn sẽ là 2 tác động lớn nhất, chi phối các tác động khác đến vùng ĐBSCL. Theo kịch bản đề ra, tương ứng với lũ thượng lưu tăng 15% đến năm 2050, kết quả mô phỏng thủy lực cho thấy, mực nước lũ tùy từng vùng có thể tăng 30-40cm. Do mực nước biển dâng, mực nước trong đồng bằng có thể tăng 12-17cm. Như vậy, đến năm 2050, mực nước ở ĐBSCL có thể tăng từ 50-60cm. Chính vì vậy, đòi hỏi các địa phương có những chiến lược, giải pháp quy hoạch xây dựng thích ứng với BĐKH.

Chống ngập- cần giải pháp đồng bộ

Những năm qua, tình trạng ngập lụt là nỗi ám ảnh thường trực của nhiều địa phương gây xáo trộn sinh hoạt, ảnh hưởng đến mua bán, kinh doanh của người dân. Công tác chống ngập là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay của các địa phương. Trong khuôn khổ Hội thảo Quốc gia về quy hoạch đô thị chống ngập thích ứng với BĐKH nhận được nhiều chia sẻ của các đô thị lớn trong vấn đề chống ngập, thích ứng BĐKH.

Từ thực tế các hoạt động chống ngập của TP Hồ Chí Minh thực hiện những năm qua, ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý Tài nguyên Nước và BĐKH, Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Các quy hoạch kiểm soát ngập hiện nay vẫn chủ yếu đưa vào công trình cứng, như: đê bao, cống thoát nước, trạm bơm... Các giải pháp này dù rất cần thiết nhưng đều có giới hạn, trong khi các yếu tố bất định trong điều kiện BĐKH là vô hạn. Để giảm thiểu rủi ro cần bổ sung tính mềm dẻo cho hệ thống chống ngập. Chiến lược tích hợp đảm bảo các yếu tố: sẵn sàng trước biến cố, thích nghi theo thời gian với các yếu tố bất định và bảo vệ căn bản (hạn chế nguy cơ) là cần thiết để giảm thiểu rủi ro ngập lụt. Đồng thời, việc lựa chọn hình thức và phương án hành động phải đảm bảo nhận được sự đồng thuận tối đa và năng lực thực hiện đầy đủ. Một vấn đề quan trọng đó là cần thay đổi tư duy nhận thức của lãnh đạo, nhà khoa học và cộng đồng là giữ lại nước, dành cho nước một không gian trong đô thị thay vì thoát nước đi. Có như vậy, sẽ tránh được tình trạng rượt đuổi với ngập lụt. Theo ông Hồ Long Phi, chống ngập là cần thiết nhưng chỉ nên được xem là một trong những phương cách để giảm nhẹ thiệt hại chứ không phải là mục tiêu tối hậu. Quan điểm hiện đại trên thế giới nhìn nhận vai trò quan trọng của giải pháp mềm và phi công trình. Trong đó, quy hoạch không gian đô thị để thích nghi tốt hơn với nước là một trong những biện pháp hữu hiệu để hướng đến một chiến lược kiểm soát ngập bền vững trong điều kiện BĐKH.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Văn Giải Phóng, Phụ trách Kỹ thuật – Tổ chức ISET Việt Nam, cho rằng: Việc giảm thiểu các vật cản trong khu vực thoát lũ, đồng thời quản lý hành lang thoát lũ và cải thiện tiêu thoát nước là biện pháp bền vững duy nhất nhằm giảm thiểu mối hiểm họa gắn liền với ngập lụt cả trong hiện tại lẫn tương lai lâu dài dưới những tác động của BĐKH. Trong điều chỉnh quy hoạch, hạn chế xây dựng, song song với cải thiện thoát nước sẽ giảm thiểu và phân chia nguy cơ lũ lụt một cách đồng đều hơn. Hỗ trợ các đô thị ở Việt Nam giảm nhẹ rủi ro ngập lụt, thời gian qua, ISET thực hiện Dự án nghiên cứu ngập lụt đô thị tại Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Cần Thơ. Qua quá trình thực hiện Dự án tại các địa phương, ông Trần Văn Giải Phóng chia sẻ: Hầu hết sự chú ý trong quản lý thiên tai tại Đà Nẵng và các thành phố khác ở Việt Nam đều tập trung vào phản ứng khẩn cấp và khắc phục hậu quả hơn là việc giảm rủi ro thiên tai. Vấn đề này chưa được lồng ghép có hiệu quả vào việc lập quy hoạch và phát triển đô thị. Kết quả, một số dự án đô thị vẫn được triển khai ngay tại các khu vực có nguy cơ rủi ro. Do vậy, cần có một khuôn khổ pháp lý và chính sách toàn diện hơn, năng lực chuyên môn cao hơn để quản lý rủi ro thiên tai là cần thiết. Cụ thể là cơ chế ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư nhiều hơn trong việc giảm rủi ro thiên tai.

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều công trình thoát nước, cải tạo môi trường của Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ. Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ, cho biết: Quy hoạch và tận dụng các công trình lưu trữ nước cũng như tiêu thoát nước từ các công trình đang đưa vào sử dụng của Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ, như: hồ Xáng Thổi, kênh Xáng Thổi, rạch Tham Tướng, rạch Mít Nài... đạt hiệu quả rất tốt. Trong việc gắn kết phát triển đô thị với vai trò "không gian xanh", hồ Xáng Thổi, rạch Tham Tướng là ví dụ dụ thể. Đối với BĐKH, tận dụng các kênh, rạch hiện có để cải tạo, nâng cấp sẽ góp phần rất lớn trong việc thoát nước. Để phát huy hiệu quả các kênh, rạch này cần chú trọng công tác quản lý xây dựng tại địa phương, tránh tình trạng người dân xây dựng lấn chiếm, tái lấn chiếm gây ô nhiễm, ngập nghẹt kênh, rạch...

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết