07/10/2017 - 15:57

Xây dựng đô thị Cần Thơ phát triển xanh và bền vững 

TP Cần Thơ đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị giai đoạn từ nay đến năm 2020. Chương trình này nhằm xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong.

TP Cần Thơ đang hướng đến xây dựng đô thị hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Trong ảnh: Một góc đô thị TP Cần Thơ.

Định hướng phát triển

Tháng 8-2017, UBND TP Cần Thơ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2020. Chương Trình định hướng xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế…

Chương trình cũng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-4-2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025 và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 8-8-2017 về xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị TP Cần Thơ đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

 Mục tiêu của Chương trình phát triển đô thị TP Cần Thơ là nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua xây dựng thành phố thông minh, đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững. Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng, quản lý đô thị và giám sát khu vực hành chính công; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; góp phần thực hiện cam kết của quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng thời, Chương trình cũng xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển từng bước để thực hiện quy hoạch chung thành phố đã duyệt, nâng cấp đô thị, nâng loại đô thị TP Cần Thơ hằng năm đến năm 2020 và từng giai đoạn 5 năm tiếp theo. Xác định khu vực phát triển đô thị để triển khai thực hiện quản lý đầu tư phát triển từng đô thị của thành phố theo đúng quy hoạch chung và kế hoạch được duyệt. Lập danh mục các dự án hạ tầng kỹ thuật khung, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ưu tiên đầu tư theo kế hoạch, lộ trình phát triển đô thị…

Cụ thể đến năm 2020: tỷ lệ đô thị hóa đạt 70 - 75%; hệ thống đô thị đảm bảo chất lượng phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị, bao gồm đô thị lõi (5 quận nội thành) và 4 đô thị loại IV (thị trấn Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Thạnh An) và 1 đô thị loại V (thị trấn Vĩnh Thạnh). Riêng đô thị lõi có các chỉ tiêu cơ bản gồm: diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29m2/người (bình quân toàn thành phố đạt 25,5m2/người); tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 20%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đạt 90%; tiêu chuẩn cấp nước đạt 150 lít/người/ngày đêm; tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 90%. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 90%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn thấp hơn 20%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt của đô thị, khu công nghiệp được thu gom và xử lý đạt 93%; tỷ lệ chiếu sáng đường chính đạt 100%; đất cây xanh đô thị đạt 12m2/người, đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 8m2/người.

Xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư

Về lộ trình và kế hoạch, đối với đô thị lõi giai đoạn năm 2017 - 2020 khắc phục cơ bản các tiêu chí còn thiếu theo tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương theo quy định. Sau năm 2020, xây dựng, phát triển đô thị, hoàn thiện các tiêu chí tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương; lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch khu chức năng đặc thù, chương trình phát triển đô thị và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trong phạm vi đô thị lõi. Đối với các thị trấn thuộc huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh: lập điều chỉnh quy hoạch chung cho 5 đô thị; lập các đề án nâng loại đô thị trong giai đoạn 2017 - 2020: các thị trấn Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Thạnh An, Vĩnh Thạnh mở rộng đạt tiêu chuẩn là đô thị loại IV…

Thành phố cũng xác định danh mục các dự án ưu tiên theo các giai đoạn và nguồn lực thực hiện. Theo đó, sẽ tổ chức thực hiện hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung phù hợp chính sách hiện hành, kịp thời hoàn thành từng giai đoạn theo các quy hoạch và chương trình đã được duyệt (Quy hoạch chung TP Cần Thơ, Quy hoạch quản lý chất thải rắn TP Cần Thơ, Quy hoạch cấp nước TP Cần Thơ, Quy hoạch thoát nước TP Cần Thơ, Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ, Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải thành phố...) nhằm thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và từng đô thị.

UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng TP Cần Thơ phối hợp với các sở ngành chức năng thành phố và các địa phương có liên quan tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện Chương trình. Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố đảm bảo phù hợp với kế hoạch triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU. Tổ chức lập các hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị, thẩm định và trình UBND thành phố quyết định các khu vực phát triển đô thị theo thẩm quyền, công bố khu vực phát triển đô thị và quyết định thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị phù hợp…

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ Huỳnh Văn Sáu cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị TP Cần Thơ, Sở Xây dựng sẽ xây dựng hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị. Qua đó, làm cơ sở cho thành phố định hướng trong đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch và xác định những dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư. Sở Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố và các địa phương để triển khai thực hiện tốt Chương trình phát triển đô thị thành phố trong thời gian tới. 

Danh mục các dự án hạ tầng khung phát triển đô thị TP Cần Thơ theo Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: nhóm dự án hạ tầng khung và công trình đầu mối cấp quốc gia và vùng ĐBSCL, nhóm dự án hạ tầng khung và công trình đầu mối cấp đô thị hơn 91.787 tỉ đồng. Phân bổ nguồn vốn giai đoạn 2017 - 2030: vốn từ ngân sách Trung ương chiếm tỷ lệ 12,56% tổng vốn đầu tư, ngân sách địa phương chiếm 9,26%, vốn của các thành phần kinh tế khác chiếm 53,45%, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác chiếm 24,73%.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết