17/12/2012 - 22:03

Xác định chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020

(CT)- Ngày 17-12-2012, tại TP Cần Thơ, Bộ Công thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020. Hội thảo tập trung phân tích những kết quả đạt được theo lộ trình cam kết WTO của Việt Nam trong 6 năm qua, nêu những tác động của hội nhập kinh tế đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước; các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã và sẽ tham gia…

Theo nhận định của Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), trong 6 năm qua, Việt Nam đã thực hiện cam kết gia nhập WTO nghiêm túc, đúng lộ trình các cam kết đa phương, mở cửa thị trường hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ. Qua đó, GDP tăng, xuất khẩu tăng, hệ thống tài chính phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, khung pháp lý được hoàn thiện, củng cố bộ máy thực thi chính sách. Tuy nhiên, việc tự do hóa thương mại, lộ trình cắt giảm các dòng thuế của hàng ngàn sản phẩm đã và sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp trong nước, cuộc cạnh tranh diễn ra gay gắt hơn; lạm phát cao, nhập siêu lớn, xuất hiện những dấu hiệu tổn thương của hệ thống tài chính- ngân hàng; năng lực cạnh tranh của một số ngành chưa cao, nên chưa tận dụng được các cơ hội do hội nhập đem lại. Khuôn khổ pháp lý được chú trọng điều chỉnh, nhưng sự phối hợp thực hiện giữa các tổ chức, cơ quan chưa đồng bộ. Trong khi đó, FTA mà Việt Nam sẽ tham gia có nhiều vấn đề mới: thách thức của phạm vi tư hóa rộng, các dòng thuế nhập khẩu tiếp tục cắt giảm, phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tự do hóa, mở cửa thị trường dịch vụ…

Do vậy, chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012- 2020 được xác định là thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thúc đẩy chuyển dịch và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh. Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết WTO và các chuẩn mực kinh tế thị trường. Gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, có chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng thương mại điện tử.

Thu Hà

Chia sẻ bài viết