31/10/2018 - 07:03

Vượt qua mặc cảm, làm lại cuộc đời 

Ở TP Cần Thơ, điểm nổi bật trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa các đối tượng tại địa bàn dân cư là Công an thành phố chỉ đạo Công an quận, huyện chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng các mô hình phục vụ công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng. Hiện nay, Công an cơ sở đã xây dựng được 27 mô hình hiệu quả, giúp các đối tượng có công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, tránh tái phạm.


Ông Phạm Phi Hùng, Trưởng Công an xã Đông Thuận trò chuyện, giáo dục, cảm hóa đối tượng. Ảnh: CHẤN HƯNG

Mô hình “Đội phục vụ nông nghiệp tái hòa nhập cộng đồng” được thực hiện tại 2 xã Trường Xuân B và Đông Bình (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đã phát huy tác dụng tích cực. Anh N.H.L., ở xã Đông Bình, một trong những thành viên của Đội, cho biết: “Tôi tham gia vào Đội phục vụ nông nghiệp tái hòa nhập cộng đồng được 2 năm. Đến mùa vụ, chúng tôi thường thực hiện các dịch vụ về nông nghiệp, như: làm đất, gieo sạ, rải phân, xịt thuốc… Nhờ vậy, tôi có công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình”. Theo bà Nguyễn Thị E, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, mô hình “Đội phục vụ nông nghiệp tái hòa nhập cộng đồng” ra đời đã tập hợp được các đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Khi các hộ dân, các cơ sở kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn có nhu cầu sử dụng lao động, công an xã trực tiếp giới thiệu các đối tượng này làm việc để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, không tái phạm...

Để công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại địa bàn đạt kết quả tốt hơn, ông Phạm Phi Hùng, Trưởng Công an xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ mặc cảm kỳ thị, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định đời sống. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức dạy nghề, tạo điều kiện cho vay vốn, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc, nhằm kịp thời quản lý, giáo dục, giúp đỡ và phòng ngừa không để đối tượng tái phạm tội, vi phạm pháp luật...”. 

Còn tại xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ), Công an xã đã triển khai, thực hiện mô hình “Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống với người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn”. Từ năm 2015 đến nay, công an xã phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ 4 đối tượng vay vốn, với mức từ 7 đến 20 triệu đồng/đối tượng. Nhờ vậy, các đối tượng đã có công ăn việc làm ổn định, tiến bộ, không tái phạm. Anh Lê Thành Hưng, xã Trung Thạnh, cho biết: “Được địa phương hỗ trợ vay vốn, tôi có điều kiện phát triển kinh tế và quyết tâm hoàn lương, không tái phạm”.

Mô hình “Quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú” được thực hiện tại tất cả 13 phường của quận Ninh Kiều. 10 năm qua, nhiều đối tượng đã được tham gia đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, ổn định đời sống và đã có 225 đối tượng tiến bộ, không tái phạm...

Trong quá trình quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, lực lượng Công an các cấp của TP Cần Thơ đã làm tốt công tác kết hợp giữa giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật với giáo dục về lao động, nhằm động viên, khuyến khích các đối tượng tham gia lao động, có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, phối hợp gia đình, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp cùng tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tái hòa nhập cộng đồng... Qua đó, giúp lực lượng Công an chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm của đối tượng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương…

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cần Thơ