03/08/2008 - 07:01

Vượt nghèo khó nuôi con thành đạt

Chị Trần Thị My và con gái Xuân Ngọc.

Bà con ở ấp Phú An, xã Phú Quý, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn thường khen ngợi gia đình anh Nguyễn Văn Nghiệm và chị Trần Thị My: Nhà nghèo nhưng vợ chồng biết khéo léo vượt khó nuôi con thành đạt. Năm 2008, gia đình anh Nghiệm chị My được nêu gương gia đình hiếu học điển hình trong toàn xã.

Năm 1979, anh Nguyễn Văn Nghiệm và chị Trần Thị My cưới nhau với hai bàn tay trắng. Lúc đó, anh Nghiệm còn là công nhân của Xưởng cơ khí Ấp Bắc. Năm sau, mẹ anh cho hai vợ chồng ra riêng với 3,5 công ruộng hương hỏa ở giữa đồng. Không có nhà ở, anh chị đành thế chấp bớt một công ruộng để đổi lấy cái nền nhà liền xóm, cất lên một căn chòi lá đủ kê một cái giường và che mưa che nắng.

Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, đến năm 1981 chị My sinh con trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Duy Anh. Sau đó, các con Nguyễn Hoàng Thọ, Nguyễn Thị Xuân Ngọc, Nguyễn Thị Trúc Phương lần lượt chào đời. Tiếng trẻ thơ làm tổ ấm của vợ chồng anh chị thêm ấm cúng và mái lá vốn đã chật chội giờ càng thêm chật chội, liền theo đó là cảnh chạy gạo ăn từng bữa... Hai công rưỡi ruộng không đủ nuôi 6 miệng ăn. Anh Nghiệm suốt ngày đầu tắt mặt tối ngoài đồng, còn chị My vừa quán xuyến gia đình, nuôi heo, vừa chăm lo dạy dỗ bốn đứa trẻ học hành. Nhờ sự quan tâm chu đáo của cha mẹ mà Duy Anh, Hoàng Thọ, Xuân Ngọc, Trúc Phương đều là những đứa trẻ ngoan và là học sinh giỏi nhiều năm liền ở các cấp lớp.

Năm 2001, Duy Anh thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ (ngành Ngữ Văn). Chị My kể: Con vào đại học mừng lắm, nhưng mình lại khóc vì không có tiền cho con đi học. Cả nhà rơi vào khủng hoảng, đang chạy gạo ăn từng ngày, nhà dột nát không có tiền cất lại thì tiền đâu đóng học phí cho con. Tính nát nước, cuối cùng anh Nghiệm quyết định: “Tiền đâu học đại học, ở nhà làm ruộng ăn con!”. Giữa lúc đó, may sao có những người hàng xóm tốt bụng như cô Tư Châu, chị Hai Ngộ, chị Loan... cảm thương hoàn cảnh gia đình nghèo có con học giỏi đã giúp đỡ động viên cả về vật chất lẫn tinh thần: “Con người ta mong đậu đại học không được, đằng này đậu rồi sao lại bỏ. Ráng vay mượn cho con ăn học, mai sau tụi nó thành tài trả lại mấy hồi”...

Lúc đó, cô Tư Châu trích quỹ tiền lương hưu ít ỏi của mình 500.000 đồng cho vợ chồng anh Nghiệm chị My mượn không lấy lời. Phần còn lại, chị My đi vay mượn bên ngoài. Với người khác thì chịu lãi “6 phân” (6%) còn chị My thì được chủ nợ ưu đãi chỉ trả lãi 3 phân. Cứ vậy, tháng nào chị cũng đi vay 400.000 đồng gửi cho con. Đến mùa lúa trả dứt nợ, sau đó lại vay tiếp. Lúc đó, Thọ đang học lớp 11 đã tình nguyện nghỉ học đi làm mướn nuôi anh. Còn anh Nghiệm cũng phải bung ra đi bán xăng mướn ròng rã gần hai năm, đến khi ngã bệnh mới chịu về nhà. Bà nội các cháu thấy con trai mình cực khổ như vậy, xót ruột bảo: “Con tao hồi nhỏ tới lớn không đi ở đợ, giờ phải đi ở đợ nuôi con!”. Hai vợ chồng anh Nghiệm chị My chỉ biết làm thinh...

Năm 2003, Xuân Ngọc thi đậu vào Đại học Luật Cần Thơ. Năm 2005, Trúc Phương trúng tuyển Đại học Kế toán. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Cảnh khổ kể sao cho hết. Duy Anh, Xuân Ngọc ở Cần Thơ ngoài giờ đi học, phải đi dạy kèm, làm thuê kiếm thêm tiền phụ cha mẹ. Anh chị Nghiệm ở nhà cũng làm việc cật lực, có bao nhiêu tiền đều gửi hết cho các con.

Kể sao hết tấm lòng của những người làm cha mẹ dốc hết tâm trí, sức lực để nuôi con ăn học thành tài. Cũng kể sao hết những tình thương của bà con hàng xóm dành cho những gia đình hiếu học! Giờ đây, bao khó khăn đã qua. Duy Anh đã có gia đình và đang làm việc ở Đài Phát thanh -Truyền hình TP Cần Thơ. Hoàng Thọ học nghề lái xe, thu nhập ổn định và đã có gia đình. Xuân Ngọc đang công tác ở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tiền Giang và chuẩn bị học tiếp Cao học. Trúc Phương đang là sinh viên năm thứ ba.

Bây giờ, nhà cửa được xây dựng khang trang, vợ chồng anh Nghiệm ngày ngày cặm cụi ngoài đồng và luôn dạy bảo các con không bao giờ quên ơn những người hàng xóm tốt bụng, phải sống sao cho xứng đáng với sự thương yêu của mọi người.

Bài, ảnh: HOÀNG THI

Chia sẻ bài viết