28/11/2011 - 15:52

Vượt lên chính mình

Ký * MIÊN HẠ

Trở về sau cuộc chiến, đôi vợ chồng chỉ có một cánh tay. Ông bị thương trong chiến tranh, còn bà thì bị tai nạn lao động. Cuộc sống khó khăn càng chồng chất khó khăn nhưng không dìm được ý chí phấn đấu vượt qua số phận của người chiến binh năm xưa. Họ vui vẻ đón nhận mọi thứ đến với đời mình để xây dựng một mái ấm mà nơi đó con cháu đề huề, gia đình sung túc. Người ngoài nhìn vào, ai nấy đều nể phục đôi vợ chồng khiếm khuyết về thể xác nhưng ý chí hết sức mạnh mẽ này.

Suốt 40 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng và bà Nguyễn Thị Sải, ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) vẫn kiên trì lao động, sản xuất, phấn đấu làm giàu trên mảnh đất là chiếc nôi của phong trào Đồng Khởi này. Nhắc lại quãng thời gian đầy khó khăn, gian khổ, ông rất tự hào và nguyện vẫn chọn con đường này, nếu thời gian có quay trở lại.

* HẠNH PHÚC ĐƠN SƠ

Vợ chồng ông Hai Hoàng luôn là tấm gương vượt khó tiêu biểu, được người dân địa phương quí mến, nể phục. Ảnh: T.N. 

Đến xã Phước Hiệp, hỏi nhà người thương binh cụt cả hai tay tên Hai Hoàng thì nghe người dân địa phương buột miệng: “Ông Hai vượt khó chớ ai!”. Căn nhà gỗ đơn sơ ngày nào đã được thay bằng ngôi nhà tường khang trang. Ở nhà, ông Hai Hoàng mặc áo tay ngắn, dễ nhận ra hai cánh tay bị cụt gần đến khuỷu. Dù mắt phải bị mù nhưng ông đi lại rất nhanh nhẹn. Và hai cánh tay cụt ấy thao tác rất nhanh khi mở nắp bình thủy lấy nước pha trà, rót vào tách mời tôi. Càng bất ngờ hơn khi nhìn ông viết thành thạo những dòng chữ thẳng tắp bằng hai khuỷu tay. Rồi hái dừa, bắt cá..., chuyện gì ông cũng làm được.

Cuộc sống vốn không dễ dàng với người lành lặn thì với người tật nguyền như ông khó khăn càng nhiều. Thế nhưng chưa một lần trong đời ông than vãn, đầu hàng số phận. Việc gì người khác làm được thì mình cũng làm được. Người ta làm ngày một, ngày hai xong việc thì mình ba, bốn ngày cũng xong. Nghĩ thế nên ông luôn cố gắng. Sau năm 1975, ông được cấp khoảng nửa công đất ở trung tâm thị xã Bến Tre nhưng vợ chồng ông từ chối vì không quen nếp sống đô thị. Thế là đôi vợ chồng tật nguyền ấy lại dắt díu nhau về nơi chất chứa bao kỷ niệm của một thời kháng chiến. Tại đây, ông được cấp ba công đất vườn để mưu sinh. Bà con địa phương lo lắng, bởi hai vợ chồng với chỉ một cánh tay nguyên vẹn làm cách nào để canh tác ba công đất, kiếm đủ tiền nuôi các con nhỏ ăn học. Ông Hai Hoàng không có thời gian nghĩ ngợi, bắt tay ngay vào việc lên liếp trồng mía. Cột dây vào leng, dùng chân đạp lấy đất rồi dùng 2 cánh tay cụt đẩy bật lên, ông đưa đất vào liếp thẳng tắp. Vợ ông, với một cánh tay nguyên vẹn, phụ chồng làm những việc nhẹ hơn. Ba công đất trồng mía cuối cùng đã lên liếp xong, cho những giồng mía tươi tốt. Bà Sải có nghề nấu đường mía từ thời con gái nên hai vợ chồng kiếm sống bằng nghề trồng mía-nấu đường để nuôi những đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Chắt chiu, dành dụm, vợ chồng ông Hai Hoàng dần mua thêm đất đai để làm của cho con. Căn nhà trị giá khoảng 400 triệu đồng theo thời giá hiện nay cũng được làm nên từ sức lao động của đôi vợ chồng tật nguyền và ý chí kiên cường của người cựu chiến binh Hai Hoàng. Tiết kiệm được đồng nào thì vợ chồng ông để dành mua sắt, gạch, xi măng cho bà con trong xóm mượn. Suốt hơn mười năm trời tích cóp như thế, cuối cùng vợ chồng ông có đủ vật tư để cất ngôi nhà tường khang trang. Hai người con lớn ra riêng, ông Hai Hoàng chia mỗi người hai công đất. Phần còn lại, ông để dành cho người con út đang ở cùng gia đình. Ông tận dụng mặt bằng xung quanh nhà nuôi thêm vài con dê, vài con heo, thả bầy gà và trồng thêm bầu, mướp... dùng cho bữa ăn gia đình. Hiện nay, các con ông Hai Hoàng đều có công ăn, việc làm ổn định. Hai trong số ba người con của ông là đảng viên, công tác tại địa phương.

* NẾU THỜI GIAN CÓ QUAY LẠI...

Vậy là sau gần 40 năm cuộc chiến đi qua, vợ chồng ông Hai Hoàng có thể an dưỡng tuổi già khi con cháu đã ổn định cuộc sống. Thế nhưng, người cựu chiến binh năm xưa vẫn đầy bầu nhiệt huyết, dù đã vào tuổi hưu. Ông bảo, nếu thời gian có quay lại, ông vẫn nguyện theo con đường đã chọn, làm người chiến sĩ xông pha trên mặt trận, xứng danh là người con Đồng Khởi.

Bên tách trà của thời bình, câu chuyện của người chiến binh năm xưa vẫn hừng hực lửa, vẫn cháy bỏng như thuở mười tám, đôi mươi. Lớn lên trong chiếc nôi của phong trào Đồng Khởi, người thanh niên Nguyễn Văn Hoàng đã nhanh chóng giác ngộ lý tưởng cách mạng. Mười hai tuổi, chưa hiểu nhiều về cách mạng nhưng cậu bé Hoàng đã thấy căm giận sự tàn ác của giặc với những trận mưa bom, đạn pháo tàn phá xóm làng, giết chết bao trẻ thơ, người già vô tội. Cậu năn nỉ gia đình cho đi làm giao liên. Mười lăm tuổi, cậu bé Hoàng quyết định thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Năm 1973, ở tuổi 22, cậu bé giao liên ngày nào trở thành Đại đội phó của Trung đoàn Đồng Khởi. Ngày 28-1-1973, Hai Hoàng cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tham gia trận chiến An Hóa - An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), tấn công vào Trung đoàn 10, thuộc Sư đoàn 7 của địch. Hôm đó, đoàn tàu địch bắn phá liên tục trên sông Tiền, Hai Hoàng nã trái B-41 làm bốc cháy một phần tàu địch, định bắn thêm trái thứ hai thì bất ngờ một loạt đạn từ đoàn tàu địch bắn xả vào đất liền, Hai Hoàng bị trúng đạn, mê man...

Tỉnh dậy, Hai Hoàng biết đồng đội đã đưa ông xuống hầm trú ẩn và lúc này ông cũng hay tin mình bị cắt bỏ một phần của cánh tay, một con mắt bị mù vĩnh viễn. Ngay sau đó, Hai Hoàng lại được thông báo phải cắt bỏ cánh tay còn lại để đảm bảo an toàn mạng sống. Kể lại chuyện này, Hai Hoàng nói: “Khi lực lượng quân y báo phải cắt bỏ cánh tay, tôi không hề suy nghĩ lâu. Bởi lẽ trong chiến tranh, sinh tử là chuyện thường tình. May mà mình còn sống. Mà còn sống là còn được cống hiến cho sự nghiệp cách mạng...”. Bưng tách trà nóng bằng hai cánh tay cụt, đưa lên miệng uống, ông tiếp tục kể với tôi nhiều kỷ niệm trong chiến tranh. Dù trải qua biết bao đau đớn vì những lần phẫu thuật và vết thương vẫn nhức buốt hàng chục năm nay nhưng ông không hề bi lụy vì phải sống cảnh tàn phế ở tuổi 22, cũng không hề hối tiếc vì nhiều điều mong muốn thời trai trẻ chưa thực hiện được,...

Vợ ông là con của một bà mẹ nuôi quân. Hai người cảm mến với nhau trong chiến tranh. Bà chẳng may bị tai nạn khi ép mía lấy nước nấu đường. Chỉ bị ép nát những ngón tay nhưng cánh tay ấy phải cắt bỏ đến gần khuỷu. Ông Hai Hoàng với tỷ lệ thương tật 96%, xuất ngũ về địa phương và kết hôn với người phụ nữ tật nguyền mà ông yêu mến. Khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dù là thương binh hạng nặng nhưng ông vẫn hăng hái chia sẻ việc công. Các công tác đảng, đoàn thể ở địa phương, ông đều kinh qua, dù đó là thời gian khó khăn nhất về kinh tế. Năm 1977, ông Hoàng vinh dự tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc tại Hà Nội. Vợ ông tuy chỉ còn một cánh tay nhưng vẫn tích cực với công tác phụ nữ. Ngoài công việc địa phương, vợ chồng ông cần cù lao động, sản xuất, cải thiện cuộc sống. Không chỉ đảm đương việc trồng lúa, làm rẫy; ông còn dành thời gian chăn nuôi, trồng trọt, kéo lưới, bắt tôm, cá trên sông để lo bữa ăn cho gia đình...

***

Điều thành công nhất của mỗi con người là vượt lên chính mình. Với một người bình thường việc phấn đấu vượt khó chẳng dễ dàng gì thì với một người khiếm khuyết nhiều bộ phận trên cơ thể, điều này càng khó gấp nhiều lần. Thế nhưng, vợ chồng ông Hai Hoàng đã khiến nhiều người nể phục, trở thành tấm gương vượt khó tiêu biểu trên mảnh đất quê hương Đồng Khởi. Người cựu chiến binh ấy luôn sống lạc quan, yêu đời và quan tâm giúp đỡ người khác. Ông xứng đáng với những gì được nhận: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Kỷ niệm chương Cựu chiến binh, Huy hiệu 30 năm và 40 năm tuổi Đảng cùng nhiều bằng khen, giấy khen và sự trân trọng, quí mến mà người dân địa phương dành cho...

Chia sẻ bài viết