Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO
Ánh trăng nhạt dần rồi khuất hẳn trong mây, gió từ đồng thốc về xé toạc những tàu chuối, bên chái bếp mùi khói vương vất. Chừng đã khuya, mắt Lụa ríu lại, bàn tay băm bèo mỏi dần nhưng chị cố gượng quấy cho xong nồi cám đương sôi bùng bục trên bếp.
Nhà Lụa ở cuối làng, ngôi nhà nhỏ ven cánh đồng quanh năm bốn mùa gió lùa, con ngõ dẫn vào nhà xa tít, âm u. Vuông sân sau nhà mẹ phơi vài nong lúa, hai bên đất trũng xuống, quanh năm nước tù đọng. Mẹ chị kể, ngày trước nơi đây là hố bom, ông bà nội không phải người làng này, chiến tranh loạn lạc nên phiêu dạt về đây, dựng tạm căn nhà rồi không rời đi nữa. Mẹ về làm dâu năm trước, năm sau chị ra đời, rồi lần lượt đến ba đứa em. Bố cả đời bươn bả với nghề đóng than tổ ong, mẹ quanh năm bám mảnh ruộng cũng không đủ nuôi đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn. Học hết cấp hai, chị ở nhà phụ mẹ việc đồng bãi, ưu tiên việc học cho ba đứa em. Thoắt cái đứa nào cũng ra trường rồi yên bề gia thất, chị cũng đã tròm trèm bốn mươi. Cái tuổi ở quê chẳng đàn ông nào nhòm ngó, chị có đi đâu về khuya mẹ cũng chẳng còn lo. Mỗi người một phận, chị nghĩ vậy, lầm lũi sống như đã được an bài.
Gió lại thốc vào chái bếp, tấm liếp chắn rung bần bật, bầy gà trong chuồng nháo nhác, sau hè tiếng tre kẽo kẹt. Nồi cám đã chín, mớ bèo cũng băm xong, chị dừng tay quệt mồ hôi chảy thành dòng trên trán, dợm đứng lên tắt đèn đi nằm. Có tiếng chân chạy lắp xắp bên mé nước, chị nhìn ra, qua ô cửa chắn song nhỏ như cái tổ tò vò chị thoáng thấy bóng người vừa vụt qua, lưng chị lạnh toát. Chị rùng mình, nhón tay khép tấm liếp. Tấm liếp nặng trịch như có ai níu lại, bất chợt một người đàn ông lách vào, chị chưa kịp hét lên đã bị bàn tay hộ pháp bịt miệng: “Ðừng kêu lên, cho tôi ngồi nhờ tí, tôi đi ngay!”. Giọng người đàn ông khào khào. Chị run bần bật, mắt nhắm nghiền.
Bàn tay người đàn ông từ từ buông ra, chị hé mắt nhìn. Dưới ánh đèn vàng vọt, ông ngồi bất động, đầu hơi cúi xuống nhưng chị cũng nhìn thấy trên trán ông vết thương đang chảy máu ròng ròng, loang xuống cổ. Chị khẽ “ối” một tiếng khe khẽ. Lúc này người đàn ông mới ngẩng lên, ra hiệu cho chị im lặng rồi thì thào: “Tôi xin cô... Tôi gây thù với người ta vì tranh giành ở bến chợ... Xin cô làm phúc!”. Ông nhìn chị, đôi mắt vừa dữ tợn vừa van xin. Chị thở ra nhè nhẹ. Ðịnh thần lại, chị đi ra khép tấm liếp rồi rón rén lên nhà. Trong buồng cha ngáy như sấm rền, tiếng mẹ cũng thở đều đều. Chị khẽ khàng khép luôn cánh cửa nhà trên.
Người đàn ông nhìn chị với đôi mắt biết ơn, ông cúi xuống thì thào: “Tôi ngồi một lúc nữa thôi, họ đi, tôi sẽ đi ngay, khỏi phiền cô”. Ðốm lửa vừa lóe lên bên bếp, chị nhìn rõ hơn vết thương trên trán ông, có lẽ ông bị một vật rất nặng đập vào nên vết thương sâu hoắm. Chị run rẩy lại gần ông nhẹ nhàng lau vệt máu đang quánh lại bằng chiếc khăn ướt rồi nhè nhẹ vào buồng tìm túi bông băng. Vừa lau vết thương chị vừa thì thào: “Ông chịu khó tí nữa thôi!”. Dưới ánh sáng tù mù, gương mặt chị cúi xuống, những sợi tóc mai lơ thơ bết lại, hơi thở nồng nồng ấm sực. Người đàn ông chợt nghe lòng dịu lại “Tôi tên Phùng, còn cô?” - ông hỏi khẽ. “Tôi tên Lụa” - chị đáp khẽ khàng.
Ngoài vườn tiếng gà lục cục động ổ, trên mái nhà lũ chuột lại rinh rích đuổi nhau, chị yên lặng nhìn thanh củi bên bếp lép bép cháy. Chợt chị nghe bàn tay ấm sực, những ngón tay thô ráp đang lần tìm tay chị. Một thoáng bất ngờ, chị run rẩy để yên bàn tay mình nằm gọn trong tay ông. Cuối làng tiếng chó bỗng tru lên, ánh lửa bên bếp lúc mờ lúc tỏ. Người đàn ông lại thì thào “Có lẽ họ đi rồi!” - ông đứng lên: “Tôi đội ơn Lụa nhiều lắm!”. Chị yên lặng cúi đầu. “Tôi chỉ mong ông từ nay ngừng tranh đoạt để nguy hiểm như thế này nữa, có được không?” - chị ngập ngừng.
|
Người đàn ông chăm chú nhìn chị, ông nhận ra trên gương mặt đen sạm kia là vẻ nhu mì và ánh mắt ấm áp, thiết tha. Bao nhiêu năm ngang ngược, bỗng chốc trái tim ông như tan ra trước người đàn bà hiền lành và tốt bụng này. Ông cúi đầu yên lặng. Chị dắt ông theo lối tắt ở ngõ sau để tránh người, những giọt sương đọng trên lá rơi xuống tí tách, thấm vào áo chị. “Cảm ơn Lụa!” - ra đến vuông sân sau nhà ông dừng lại bảo: “Lụa vào đi kẻo lạnh”. Chị khẽ “Vâng” nhưng vẫn đứng yên. Bất chợt ông kéo chị lại gần, hơi thở nóng rực phả lên cổ chị. Chị ngây người. Không nhớ bao lâu rồi mới lại có một người ôm chị vào lòng, kể từ ngày Nhâm đi xa, từ đó chị đợi chờ, tuổi xuân trôi qua lúc nào chẳng hay, người làng cũng thôi hỏi chị chuyện chồng con. Bên đống rạ chưa khô, vòng tay người đàn ông siết chặt chị. Người phụ nữ ngỡ như khô héo bao ngày bỗng xao xuyến trước một kẻ cùng đường, những khát khao trong chị trỗi dậy. Cuối làng tiếng chó lại sủa ran, người đàn ông tách khỏi chị: “Lụa vào mau, tôi đi đây, tôi sẽ trở lại tìm Lụa!”. Bóng người đàn ông khuất hẳn chị còn đứng trông theo.
Buồng bên tiếng mẹ vẫn thở đều đều, giường bên người chị vẫn còn đông cứng, áo chị còn phảng phất mùi ấm áp nồng nàn… thao thức canh thâu.
Ngoài vườn tiếng gà gáy sáng, chị trở dậy trộn bèo băm vào nồi cám. Bên hiên bố đã dậy đang lui cui sửa lại đồ nghề, mẹ đã ra đồng. Nồi cơm trên bếp vừa chín tới, chị xới ra cặp lồng, mang ra đồng cho mẹ, rồi cùng gặt lúa. Ra đến ngõ chị quay lại nhìn vuông sân sau nhà, những cọng rơm còn vương vãi. Chị đỏ bừng mặt, vội quay đi khép lại tà áo. Giữa vườn cây âm u vũng nước còn đọng, chị nhón chân đi qua, chợt dừng lại soi vào, đêm qua chân người đàn ông đã dẫm lên vũng nước này, nghĩ đến đó chị lại bần thần.
Quần quật ngoài đồng đến trưa chị trở về. Mặt trời đứng bóng, cái nắng hanh hao rót xuống cánh đồng cháy khô, dưới tán cây ven đường vài con trâu nằm trốn nắng, thủng thẳng nhai cỏ. Ðường làng heo hút vắng, xao xác tiếng gà gáy trưa, chốc chốc vài ngọn gió lơ thơ thổi qua. Trong căn nhỏ bên đường tiếng võng kẽo kẹt, tiếng ru hời cất lên tạo nên một thanh âm buồn. Bất giác chị thầm nghĩ, lẽ nào một ngày chị cũng sẽ có gia đình nhỏ của mình và cất tiếng ru con? Ý nghĩ thoáng qua khiến chị lại đỏ mặt, lầm lũi đi...
Ðêm. Tiếng ếch nhái trong ao ồm ộp. Chị ngồi băm bèo, chốc chốc lại dừng tay đăm đắm nhìn ra. Chị đợi bóng một người trở lại, chị thẩn tha với ý nghĩ mong manh về một đứa con bé bỏng trong nôi và một người đàn ông mỗi chiều từ ngoài đồng trở về giục chị dọn cơm. Nỗi vui thật bé mọn, chỉ cần có ai để chị được chăm sóc, yêu thương, được lo lắng khi người ta về trễ bữa. Trên mảnh vườn cằn cỗi mỗi ngày chị vẫn cặm cụi cày xới, tỉa thêm luống rau. Bên ngoài dáng vẻ lầm lũi, an phận, lòng chị giờ đã nhen nhóm về một hạnh phúc gia đình.
Mẹ dạo này cứ thắc mắc, bà thầm thì với bố: “Chả biết sao con Lụa cứ thẫn thờ nhìn ra sau hè, hay có tuổi rồi nó dở người hả ông?”. Bố quay lại nhìn mẹ cười: “Nó muốn chồng đấy thôi, y như bà hồi xưa muốn tôi chứ khác gì!”. Mẹ lườm bố thật dài.
Ðêm. Trăng chiếu qua mái lá, trong chái bếp ám khói, chị chậm rãi băm bèo, chốc chốc lại ngóng qua ô cửa chấn song. Cho đến khi mắt ríu lại, chị quệt bàn tay vào vạt áo đứng lên. Sau hè có bước chân thật khẽ. “Lụa ơi!” - tiếng gọi thì thầm. Chị lao ra sân.
Người đàn ông vòng tay siết chặt chị vào lòng, tiếng anh thì thào: “Dạo này tôi đóng gạch cho ông chủ ở lò gạch làng bên, công việc tuy nặng nhưng vui, đủ để lo cho mẹ và cho… vợ”. Người đàn ông ôm chị chặt hơn: “Ngày mai tôi sẽ về nói mẹ sang nhà, mẹ lúc nào cũng bảo ước được nhìn thấy mặt con dâu, có chết cũng cam”. Chị ngước nhìn người đàn ông, dưới trăng gương mặt sẫm lại, đôi mắt lấp lánh vui… Xa xa tiếng gà đã gáy sang canh.
Giàn mướp bên hiên đang mùa sai quả. Sáng thức dậy chị ra sân, bên những cánh hoa đàn ong lại kéo về hút mật, trên cành xoan trước ngõ những lộc non cũng đã đâm chồi. Vuông sân sau nhà, những cọng rơm còn vương vãi cứ ánh lên, vàng ruộm dưới ánh mặt trời...