08/10/2009 - 20:26

Vươn lên từ gian khó!

Ngày hai lượt, anh Hiền đặt lọp bắt cá, kiếm tiền lo cho cuộc sống
gia đình.

Đôi mắt bị mù lòa, nhưng anh Nguyễn Văn Hiền (ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) vẫn sống lạc quan, yêu đời. Là lao động chính trong gia đình, anh không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống bằng chính nghị lực và đôi bàn tay khéo léo của mình...

* ĐÔI TAY KHÉO LÉO

Tờ mờ sáng, anh Hiền ngồi trên chiếc chõng tre ở chái bếp cạnh hông nhà, đôi tay thoăn thoắt vót từng nan tre. Nhiều năm nay, bà con ở ấp Tân Thạnh (xã Tân Phú, huyện Long Mỹ) đã trở nên quen thuộc với hình ảnh này. Nhưng với người lần đầu tận mắt chứng kiến, chúng tôi thật cảm kích, khâm phục, trước ý chí và nỗ lực vượt khó của anh...

“Vốn bản tính hiền lành, chịu thương, chịu khó trong lao động nên anh Hiền luôn được bà con chòm xóm quý mến. Anh làm được rất nhiều công việc, từ những việc vặt trong nhà đến những việc đòi hỏi cần phải có sự tỉ mỉ, khéo tay” - Anh Nguyễn Văn Danh, ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, nhận xét như thế. Quả thật, tuy đôi mắt không còn, nhưng trời phú cho anh Hiền đôi bàn tay thật khéo léo. Hơn 20 năm, anh sống chủ yếu bằng nghề đan lọp, vót câu. Những sản phẩm do anh làm ra được người dân tìm đến mua ngày một nhiều. Anh Trần Văn Út, nhà ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ, cho biết: “Lọp và câu do anh Hiền làm ra rất đẹp, sắc sảo hơn so với các tiểu thương bày bán ở ngoài chợ. Năm nào cũng vậy, tôi và bạn bè thường đến đây để mua vài trăm câu và mấy cái lọp, để mưu sinh trong mùa nước nổi”.

Một ngày mới, anh Hiền thức dậy từ rất sớm và bắt tay vào việc vót câu hay vót nan làm lọp từ 3 đến 4 giờ sáng. Đến 7 giờ, anh nghỉ tay, ăn cơm sáng. Sau đó, anh cặm cụi làm đến trưa, rồi đến chiều tối. Cứ thế, anh làm miệt mài từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng kia. Trong quá trình làm, anh tự rút kinh nghiệm khắc phục nhược điểm, để sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn. Anh Hiền cho biết: “Đan lọp bao gồm các công đoạn như: cắt nan, chẻ nan, vót nan, vót vành, vót hom, bóp hom và sau cùng là ráp gân. Khoảng 2 ngày thì tôi mới làm xong được một cái lọp (đường kính hom 0,4m; chiều dài 0,9-1m) và vót được khoảng 100 câu. Tất bật trong nhiều ngày qua, tôi mới hoàn tất được 5 cái lọp và 500 câu, để kịp giao cho ông Hai Rôn, nhà ở kinh Hà Bửu, xã Long Phú, huyện Long Mỹ. Khâu quan trọng nhất trong quá trình đan lọp là bóp hom và bện dây. Nếu bóp hom và bện dây đều tay, thì lọp trông đẹp mắt, cá sẽ chạy nhiều”.

Nguyên liệu để vót câu và làm lọp chủ yếu được làm bằng tre. Nghe ở đâu có bán tre là anh Hiền thường lân la tìm đến mua. Giá 15.000 đồng/cây, giá cả xong xuôi, anh tự tay đốn tre; sau đó, cưa ra thành từng khúc, rồi mang về nhà ngâm dưới mé kinh phía trước nhà. Mua tre như vậy thì làm sao anh phân biệt được đâu là tre già và đâu là tre non? Nghe chúng tôi hỏi, anh cười nhẹ nhàng: “Dễ ợt, đâu có gì khó lắm! Hễ nếu là cây tre già thì da sần sù; còn da bóng, nhẵn hơn thì đó là tre non. Để lọp và câu được sử dụng lâu, tôi thường sử dụng tre loại già, ngâm nước một thời gian, rồi mới vớt lên sử dụng”. Vào trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 10 âm lịch, lọp và câu do anh Hiền làm ra bán chạy nhất. Khách hàng từ nhiều nơi, không chỉ người dân ở địa phương mà cả ở vùng lân cận như xã Long Phú; Long Trị (huyện Long Mỹ)... thường xuyên tìm đến mua. Theo tính toán sau khi trừ đi chi phí, anh Hiền kiếm lời được khoảng 30.000 đồng/ngày. Tuy số tiền không nhiều, nhưng cũng đủ giúp gia đình anh trang trải những chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày.

* VƯỢT LÊN MẶC CẢM

Căn nhà nhỏ nằm cặp con kinh giữa cánh đồng lộng gió, đó là nơi trú ngụ của gia đình anh Hiền sau những thăng trầm trong cuộc sống. Cuộc đời anh là cả quá trình nỗ lực vượt khó, xua đi những mặc cảm, tự ti về số phận hẩm hiu của riêng mình...

Sinh ra và lớn lên ở một xã vùng sâu, vốn còn nhiều khó khăn của huyện Long Mỹ, anh Hiền là con thứ tư trong gia đình có đến tám anh, chị em. Khi mới sinh ra, cơ thể anh lành lặn và cũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng nghịch cảnh trớ trêu đã ập đến, khi anh lên bốn tuổi. Trong một cơn bạo bệnh, anh bị nóng sốt và toàn thân nổi những đốm đen. Thấy vậy, cha mẹ đưa anh đến một thầy lang trong xóm chạy chữa thuốc thang. Sau lần đó, tính mạng anh được cứu sống, nhưng mắt trái bị hư, không còn nhìn thấy nữa. Càng bất hạnh hơn, năm anh lên chín tuổi, mắt phải của anh cũng hư luôn, sau lần chơi đùa tinh nghịch của người anh ruột. Từ đó, anh hụt hẫng và luôn mặc cảm, tự ti khi đối diện với người xung quanh. Từ sáng đến chiều tối, anh cứ ngồi lầm lì ở một góc trong nhà. Và, biệt danh Hiền “mù” đã ra đời từ đó. Thương con, cha anh đã cầm cố 2 công đất ruộng được 2 lượng vàng đưa anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy chạy chữa. Nhưng các bác sĩ ở đây đã lắc đầu, bảo không cách gì cứu vãn nữa.

Nhớ lại khoảng thời gian đã qua, anh Hiền bùi ngùi kể: “Ban đầu, tôi lần mò từng bước đi, tập quen từng lối đi, ngõ ngách trong nhà, rồi đến các vật dụng, mọi thứ xung quanh bằng cảm giác của mười đầu ngón tay”. Khi trưởng thành, đôi tay này đã giúp anh rất nhiều, từ những công việc giản đơn đến những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, anh đều làm được, không thua kém gì những người sáng mắt. Nhìn đôi bàn tay anh chai sần, với nhiều vết sẹo, chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào về sự quyết tâm vươn lên của anh trong cuộc sống, để hòa nhập cộng đồng. Anh Hiền kể: “Ban đầu, tay tôi bị đứt do dao hay nan tre đâm. Cái lọp đầu tiên tôi làm từ 4 đến 5 ngày mới xong. Bóp hom không êm, vót vành không đẹp, bện dây không đều... nên cá chạy không nhiều. Trong quá trình lao động, tôi dần rút kinh nghiệm, dần dà chiếc lọp mới hoàn chỉnh như ngày nay”. Không những thế, anh Hiền còn là tay sát cá nhất nhì ở địa phương. Những tháng lọp và câu bán chậm, anh thường đi giậm cá (giậm dấu chân dưới lòng kinh để bắt cá) hay đi dỡ chà mướn cho bà con trong xóm. Mỗi đống chà như thế, anh được trả tiền công từ 70.000 đến 80.000 đồng.

Vốn bản tính hiền lành, chất phác và siêng năng trong lao động, anh Hiền được chị Lê Thị Danh, ở cùng xóm, đem lòng thương mến. Thế rồi, hai người kết thành vợ chồng và có được 2 người con (một gái năm nay 22 tuổi, đang đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, dành dụm tiền mỗi tháng gởi về cho gia đình khoảng 800.000 đồng và 1 cậu con trai năm nay học lớp 10). Những lúc rảnh rỗi, cậu con trai thường đỡ đần một số công việc nặng nhọc tiếp cha. Còn chị Danh thì tần tảo sớm hôm cùng chồng vun đắp cho tổ ấm bé nhỏ.

Những lúc rảnh rỗi, anh còn tham gia công tác ở địa phương, là Chủ tịch Hội người mù của xã trong nhiều năm liền. Năm 2003, anh được Hội Người mù tỉnh Cần Thơ (cũ) cất tặng căn nhà tình thương, thay cho căn nhà lá lụp xụp, siêu vẹo, cũ nát. Anh Hiền tâm sự: “Tham gia sinh hoạt vào Hội Người mù, tôi thấy mình tự tin hơn, không còn mặc cảm, tự ti như ngày trước. Mong muốn của tôi là được chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể hỗ trợ cho vay vốn, để tôi mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”. Ông Võ Thanh Hùng, Bí thư Chi bộ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, cho biết: “Anh Hiền luôn tự phấn đấu vươn lên, chứ không ỉ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Sản phẩm do anh làm ra rất đẹp mắt, tinh tế, đặc biệt là dễ bắt cá, giá bán phải chăng nên được người dân ưa chuộng, tìm đến mua để làm phương tiện mưu sinh trong mùa nước nổi. Điều đáng quý, anh Hiền rất nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở địa phương, hay giúp đỡ bà con chòm xóm trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Tàn nhưng không phế, anh là một gương điển hình vượt khó, không ngừng nỗ lực vươn lên, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết