11/11/2019 - 15:32

Vun bồi tình yêu biển, đảo quê hương 

Tuy là địa phương không có biển nhưng thông qua các mô hình cột mốc chủ quyền các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa; “Bản đồ chủ quyền Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” hay việc kết nghĩa giữa các ngành, đoàn thể với các đơn vị Hải quân Nhân dân, Cảnh sát biển Việt Nam... đã góp phần tuyên truyền và tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tình yêu biển, đảo quê hương của các tầng lớp nhân dân ở TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố còn tổ chức hoạt động hỗ trợ vật chất để góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Học sinh tham gia chương trình “Em học làm chiến sĩ Hải quân” do Quận đoàn Thốt Nốt và Lữ đoàn 962 Quân khu 9 tổ chức.

Hằng năm, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) cử đoàn cán bộ, sinh viên đến giao lưu, trao đổi học thuật với cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động để sinh viên trực tiếp tham gia cùng chiến sĩ trong các hoạt động thường ngày của các anh. Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu thể thao, tặng quà, tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, cách sử dụng máy vi tính... Nhà trường còn mời báo cáo viên từ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đến báo cáo các chuyên đề về biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thực hiện băng rôn tuyên truyền Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới hằng năm; tuyên truyền trong các hội thi, hội diễn… Những hoạt động này góp phần tăng cường mối quan hệ, đoàn kết giữa nhà trường với các đơn vị kết nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết giữa cán bộ, sinh viên với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đảo xa.

Không chỉ vậy, Trường ĐHCT còn tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ, chiếu phim, các loại hình nghệ thuật phục vụ các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo tại trường; thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham gia viết thư thăm hỏi, biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các vùng biên giới, hải đảo; đóng góp xây dựng tượng đài liệt sĩ, mua trang thiết bị sinh hoạt, làm việc tặng các đơn vị bộ đội đóng nơi biên giới, hải đảo; tham gia chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Trung ương Đoàn phát động… Qua đó, giáo dục lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm cho sinh viên đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời hiện đại.

Theo đồng chí Võ Văn Phú, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Thốt Nốt, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã chủ động tham mưu Thường trực Quận ủy chỉ đạo sâu sát công tác tuyên truyền biển, đảo, nhất là trong các đoàn thể, các trường học. Qua đó, Quận Thốt Nốt đã xây dựng được nhiều mô hình hay trong tuyên truyền, như: mô hình “Bản đồ chủ quyền Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” ở 31 trường học; lớp trải nghiệm “Em học làm chiến sĩ Hải quân”; mô hình “Thi tìm hiểu kiến thức về biển, đảo tại các mô hình cột mốc chủ quyền” đặt ở các trường… Trong đó, nổi bật có mô hình “Cột mốc chủ quyền - nhà giàn DK” được các Đoàn trường, Liên đội thực hiện từ năm 2011. Đến nay, quận đã có 20 công trình, với tổng trị giá trên 500 triệu đồng.

Các mô hình tuyên truyền ở quận Thốt Nốt giúp học sinh có thêm kiến thức về chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, mô hình “Cột mốc chủ quyền di động” có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, được các quận, huyện trên địa bàn thành phố và một số tỉnh ở ĐBSCL học tập, nhân rộng. Đồng chí Võ Văn Phú cho biết: “Các mô hình được triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực, nhận được sự đồng thuận cao và thu hút sự quan tâm, tham gia của đoàn viên thanh niên, học sinh, phụ huynh và sự quan tâm của toàn xã hội hướng về biển, đảo được nâng lên rõ nét, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và quan tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam trên địa bàn TP Cần Thơ” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Nhà máy X55 Quân chủng Hải quân và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp tổ chức vào đầu tháng 11-2019, đồng chí Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, nhận xét: Về vị trí địa lý TP Cần Thơ không giáp biển. Mặc dù vậy, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã đặc biệt quan tâm, tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú: tổ chức hội thi, triển lãm, trưng bày; thi tìm hiểu, tọa đàm về biển, đảo; tuyên truyền trên báo, đài địa phương… Các hoạt động đã định hướng tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân thành phố về quan điểm nhất quán của Việt Nam, khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên cơ sở pháp lý là bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế. Qua đó, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng thời gian qua, vào những thời điểm phức tạp, nhạy cảm diễn ra trên biển, đảo thì những nội dung tuyên truyền, nhất là những nội dung chính thống tuyên truyền, định hướng dư luận trong nhân dân, chưa được cung cấp kịp thời. Trong khi đó, các thông tin trên Internet, mạng xã hội tràn lan, khó kiểm soát. Hình thức tuyên truyền có đa dạng nhưng chưa có nhiều mô hình đột phá, gắn sát, thấm sâu vào từng đối tượng nhân dân. Một số cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa theo kịp, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền biển, đảo trong tình hình mới, nhất là trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay...

Tại hội thảo, Đại tá Nguyễn  Hữu Thạc, Chính ủy Nhà máy X55 Quân chủng Hải Quân, đã đề xuất các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về ý nghĩa, tầm quan trọng của biển, đảo đối với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền rộng khắp đến từng đối tượng nhân dân. Bên cạnh đó, nghiên cứu đổi mới, vận dụng phù hợp giữa nội dung, hình thức và đối tượng tuyên truyền, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất. Phát huy vai trò, hiệu quả của báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền biển, đảo, như: tăng cường lượng tin, bài về những tấm gương người tốt, việc tốt trong các lĩnh vực có liên quan tới biển, đảo; kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân đưa thông tin không đúng sự thật, sai lệch về chủ trương, chính sách, lập trường của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề biển, đảo... Đồng thời, cần huy động sự tham gia của các lực lượng, nhất là đội ngũ phóng viên báo, đài, văn nghệ sĩ, giáo viên, giảng viên trong công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Bài, ảnh: Phạm Trung

 

Chia sẻ bài viết