13/03/2009 - 09:05

"Vua" cầu treo Sáu Quí và niềm đam mê sáng tạo

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng công trình cầu treo dây văng Phú Vĩnh (dài 110m) với tầm vóc quốc gia vào ngày 25-1-2008, “vua” cầu treo Sáu Quí được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cấp “Chứng nhận điển hình sáng tạo Việt Nam” về thành tích xây dựng cầu treo nông thôn cho ĐBSCL.

Ông Phạm Ngọc Quí (người thứ 2 từ trái sang) và đội thi công nhận bằng khen của UBND tỉnh An Giang.  

Sáu Quí (Phạm Ngọc Quí) đã được nhiều người biết qua những sáng kiến độc đáo thay thế các cây cầu khỉ vắt vẻo ở vùng nông thôn bằng các công trình cầu treo dây văng kiên cố, trông giống cầu treo Mỹ Thuận. Sáu Quí cho biết: công trình cầu treo đầu tiên của anh được thực hiện vào năm 1995. Cầu được làm bằng gỗ, bắc qua kênh số 13 ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú (An Giang) ngay nơi nhà anh ở để thay thế cây cầu khỉ. Từ đó đến nay, chưa đầy 14 năm nhưng anh đã hoàn thành đến 135 công trình cầu treo. Trong số này, cây cầu có tải trọng lớn nhất lên tới 20 tấn (dài 27m, rộng 3,5m) xây dựng ở ngã Ba Hòn, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, do Công ty nuôi trồng thủy sản Toàn Cầu bỏ tiền đầu tư. Cây cầu có quy mô về chiều dài là cầu Phú Vĩnh (dài 110m, tải trọng 3 tấn, độ cao thông thuyền 7m) bắc qua kênh Rạch Giá - Long Xuyên, nối đôi bờ xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, Kiên Giang với thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, An Giang. Mới đây, Sáu Quí vừa khánh thành cầu Thoại Hà 2 và Thoại Hà 3 cùng có chiều dài 70m, rộng 3m, tải trọng 3 tấn vào ngày 3-2-2009.

Năm 2001, quốc lộ 91 mở rộng, thấy ngành điện di dời bỏ các trụ điện bê tông cũ nên anh đề nghị UBND huyện Châu Phú xin các trụ điện này để làm cầu nông thôn, dùng thay trụ gỗ. Anh tính toán: Trụ điện tuy cũ nhưng rất chắc chắn, vừa đẹp mà không tốn tiền mua. Nhờ đó, trong 40 cây cầu treo xây dựng ở huyện Châu Phú đa số sử dụng trụ điện cũ làm chân cầu, tiết kiệm được khoản tiền khá lớn cho chính quyền và nhân dân địa phương. Phát huy hiệu quả của các công trình cầu treo bằng trụ điện cũ, các công trình mới sau này có quy mô lớn hơn, anh sử dụng trụ bê tông ly tâm mới, như cầu Phú Vĩnh. Kỹ thuật xây cầu cũng được cải tiến so với trước đây, bốn chân trụ cầu sử dụng hết 64 trụ bê tông (mỗi chân 16 trụ, dài 12m). Khi đóng các trụ bê tông xuống lòng sông, cắt bỏ phần ngọn 3m, đổ đà nước để liên kết hai chân trụ cầu lại. Từ đà nước, đổ hai chân trụ tháp chịu lực tải bằng bê tông cốt thép (cao 5,5m). Trên đầu trụ tháp, sử dụng bốn tấm thép loại 8 ly ghép lại thành tháp mắc dây treo (cao 16m). Phần ngọn trụ bê-tông cắt bỏ, dùng đóng cọc móng cầu nên tiết kiệm được 15 triệu đồng.

 Cầu Phú Vĩnh được coi là chiếc cầu nông thôn đẹp nhất vùng ĐBSCL.

Sáu Quí cho hay: Kỹ thuật thiết kế sàn cầu Phú Vĩnh là sáng tạo mới của anh. Sàn cầu được lắp ghép bằng các tấm thép 6 ly, phủ lên lớp nhựa đường để chống trượt, gỉ sét và bào mòn. Dầm cầu, khung lan can, trụ tháp... cũng được chống gỉ bằng sơn chống sét rồi phủ lên lớp nhựa đường để chống thấm nước. Định kỳ 6 tháng, dùng nhớt cũ quét lên bề mặt, nhựa đường sẽ sống lại, cách bảo quản này ít tốn công nhưng rẻ tiền. Theo anh, nếu bảo quản đúng cách, cầu có tuổi thọ sử dụng 30 năm. Cầu Phú Vĩnh có chiều dài 110m sử dụng loại cáp treo 22 ly, khoảng cách giữa các dây treo 2,9m nên chịu lực được phương tiện có tải trọng đến 5 tấn. Kỹ thuật lắp ráp cầu Phú Vĩnh được làm theo mẫu cầu sắt cơ khí, chịu lực chính nhờ khung lan can. Khi xây dựng cầu Thoại Hà 2 và Thoại Hà 3, anh cải tiến mới, tải chịu lực của sàn đạo bằng dầm dọc biên U300, vừa rẻ tiền nhưng tải trọng lên được 2 tấn. Lan can cầu cũng được thiết kế vừa bền vừa đẹp mắt.

Niềm đam mê với những cây cầu treo khiến Sáu Quí không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ thuật. Dự lễ khánh thành xong cầu Thoại Hà 2 và cầu Thoại Hà 3, anh liền đón xe đò đi Bến Tre tham quan cầu Rạch Miễu. Mục đích của anh là nghiên cứu mô hình tháp treo cáp chữ A, ưu điểm chịu lực cao, dễ thi công và tiết kiệm vật liệu. Tuy nhiên theo anh, do mô hình trụ tháp cao, nên chỉ phù hợp với những cây cầu vượt sông dài trên 100m.

Năm nay, Sáu Quí đã bước sang tuổi 50, anh nói mình ít học nên làm việc gì cũng phải nghiên cứu thật kỹ cho chắc chắn. Khi hoàn thành mỗi công trình, anh không lấy làm tự mãn mà đặt ra cho mình các chỉ tiêu mới, phải cải tiến kỹ thuật sao cho công trình ngày càng hoàn hảo và hiện đại hơn, vừa đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ, vừa sử dụng an toàn. Điều anh quan tâm nhất là tiết kiệm tối đa trong xây dựng, dù công trình lớn hay nhỏ. Bởi mỗi tấc sắt, viên đá, nắm hồ vữa... đều là tiền của nhân dân đóng góp. Vì vậy, các công trình tầm vóc như cầu Phú Vĩnh, cầu Thoại Hà 2 và Thoại Hà 3 do anh xây dựng kinh phí chỉ bằng 2/3 so với dự toán thiết kế ban đầu.

Hơn mười năm trước, Sáu Quí chuyên đi xây cầu thiện nguyện, đội công nhân của anh làm việc không ăn lương, khi nào rảnh việc nhà là tham gia xây cầu, nên tính chuyên nghiệp không cao. Vài năm gần đây, anh bắt đầu nhận khoán thi công với giá hữu nghị 18% giá trị công trình để lấy tiền trả lương cho anh em công nhân nuôi vợ con. Bù lại, các công trình do anh xây dựng tiết kiệm đến 1/3 kinh phí, gấp đôi số tiền trả công thợ. Đội thi công của anh hiện có 15 thợ giỏi nghề, do con trai lớn của anh (Phạm Hoài Ngọc, 26 tuổi) chỉ huy. Còn Phạm Thanh Ngà- con trai kế, đang học năm thứ hai Đại học Cầu đường tại Vĩnh Long, sẽ tiếp nối anh thực hiện khát vọng xây nên những cây cầu hiện đại, vững chắc cho nông thôn vùng ĐBSCL, xóa dần cầu khỉ.

Bài, ảnh: VŨ HÀ

Chia sẻ bài viết