27/04/2020 - 11:31

Vĩnh Thạnh ứng phó khô hạn để sản xuất hiệu quả vụ lúa hè thu 

Huyện Vĩnh Thạnh là một trong những địa phương sản xuất lương thực đặc biệt quan trọng của TP Cần Thơ, góp phần nâng cao sản lượng lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng thị trường xuất khẩu thời gian qua... Tuy nhiên, để sản xuất vụ lúa hè thu 2020 đạt hiệu quả trong mùa khô hạn, nông dân rất cần sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn…

Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh và ngành Nông nghiệp thăm đồng, đánh giá cao mô hình sản xuất lúa theo kỹ thuật tiên tiến tại xã Thạnh Quới. 

Trong những ngày nắng nóng, oi bức, khô hạn, đi trên con lộ nhựa thẳng tắp, nối liền các xã Thạnh Thắng, Thạnh An, Thạnh Tiến, Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh), chúng tôi thấy những cánh đồng lúa hè thu mênh mông, xanh mượt chạy dài theo con lộ. Mặc dù trong những ngày qua, thời tiết không thuận lợi, khô hạn, nắng nóng, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, ở xã Thạnh An vẫn cặm cụi chăm sóc lúa, bơm tát nước vào đồng. Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: "Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, cải tạo lại đất, gia đình tôi tiếp tục gieo sạ lúa hè thu 2020, với diện tích trên 20 công đất. Nhờ tuân thủ lịch thời vụ, áp dụng kỹ thuật canh tác "1 phải, 5 giảm" nên lúa phát triển tốt. Đặc biệt, mùa này ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương tăng cường nạo vét kênh, rạch nội đồng nên nguồn nước được dự trữ, đảm bảo phục vụ sản xuất lúa hè thu này".

Hầu hết nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh bắt tay vào vụ sản xuất lúa hè thu 2020. Năm nay, huyện xuống giống lúa hè thu được 24.854,80ha/24.500ha, đạt 101,45% so với kế hoạch, cơ cấu giống chủ yếu là OM5451, OM18, OM4218. Hiện lúa phát triển tốt và đang trong giai đoạn đẻ nhánh tích cực đến đòng, trỗ. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, để có một vụ hè thu thắng lợi toàn diện, tránh tình trạng thiếu nước, dịch bệnh, sâu hại phá hoại, ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ bà con ứng dụng các biện pháp sản xuất: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải 5 giảm", quản lý dịch bệnh tổng hợp trên đồng lúa... Nhờ các biện pháp này, chi phí sản xuất của nông dân được giảm xuống, tiết kiệm nước trong sản xuất, hạn chế tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ theo nguyên tắc tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng cánh đồng, từng khu đê bao, vì đây là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, muỗi hành…

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Vụ hè thu 2020, chúng tôi khuyến cáo bà con sử dụng giống lúa phù họp điều kiện sản xuất của địa phương, được thị trường chấp nhận, doanh nghiệp có nhu cầu bao tiêu. Các giống lúa mà địa phương chọn gieo trồng: OM5451, OM4218 và một số giống khác phù hợp được doanh nghiệp đặt hàng. Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đất lúa sản xuất kém hiệu quả, có khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất trong vụ hè thu; tăng cường trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày sử dụng ít nước, nhằm ứng phó khô hạn…".

Các trạm bơm điện tại huyện Vĩnh Thạnh hoạt động tốt, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất lúa hè thu.

Sau khi lúa đông xuân 2018-2019 thu hoạch, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh tập trung hướng dẫn nông dân trang sửa, trục, trạc tạo mặt ruộng bằng phẳng; nạo vét mương, rãnh tưới tiêu đủ sâu, đủ rộng để việc tưới, tiêu hay giữ nước phục vụ sản xuất được thuận lợi; xử lý tốt dịch bệnh trên nền ruộng trước, trong và sau khi xuống giống; phát huy tốt hiệu quả hoạt động của các trạm bơm điện...

 Giải pháp mà huyện Vĩnh Thạnh tập trung thực hiện, nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao trong vụ lúa hè thu 2020 là: khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng thân thiện môi trường, hạn chế sâu bệnh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Vĩnh Thạnh tăng cường công tác thủy lợi, nhằm đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Thạnh có 11/11 đơn vị ra quân thực hiện công tác thủy lợi mùa khô, với khối lượng thực hiện 57.223m3, đạt trên 104% so với kế hoạch năm, kinh phí thực hiện trên 976 triệu đồng, do nhân dân đóng góp. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, Vĩnh Thạnh chuẩn bị triển khai đầu tư nạo vét, sửa bờ tại các tuyến kênh và đầu tư các trạm bơm điện, cống hở với kinh phí thực hiện trên 17,1 tỉ đồng. Để ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn xuất hiện vào cuối năm 2019, những tháng đầu năm 2020, trước đó (những tháng đầu năm 2019) huyện Vĩnh Thạnh đã thực hiện nạo vét 14 tuyến kênh, với khối lượng thực hiện 222.196m3, kinh phí thực hiện 10,844 tỉ đồng; xây dựng 7 cống hở, trạm bơm điện với kinh phí thực hiện 14,509 tỉ đồng… Các công trình trên góp phần hạn chế thiếu nước, phòng tránh khô hạn cho các vụ mùa sản xuất trong năm 2020 và thời gian tới tại huyện Vĩnh Thạnh.

Từ nay đến cuối vụ hè thu 2020, Vĩnh Thạnh tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hại lúa các cấp, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên trong thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò lực lượng khuyến nông, kỹ thuật viên bảo vệ thực vật cơ sở. Tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình khô hạn, dịch hại trên đồng ruộng và thông tin kịp thời về tình hình trên để bà con nông dân phòng tránh, đảm bảo vụ lúa hè thu sản xuất đạt hiệu quả cao… Ông Phan Văn Năm cho biết thêm: "Vụ hè thu này, huyện tổ chức sản xuất theo hướng lúa hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn, an toàn thực phẩm trên nền tảng tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với thị trường thông qua doanh nghiệp. Đặc biệt, địa phương theo dõi chặt chẽ tiến độ thi công các công trình thủy lợi đã triển khai thực hiện và đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình còn chậm tiến độ nhằm hoàn thành sớm để phục vụ sản xuất, góp phần sản xuất thắng lợi vụ lúa hè thu 2020".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết