Năm 2023, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung nguồn lực, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN). Trong đó có nhiều chỉ tiêu phát triển vượt kế hoạch đề ra.
Mô hình nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao ở huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Ðoàn Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: “Năm 2023, tình hình KT-XH của địa phương đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Tổng số 12/12 chỉ tiêu phát triển thực hiện đều vượt và đạt theo Nghị quyết HÐND huyện đề ra. Kết quả này là nhờ địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết của Thành ủy, UBND thành phố, Huyện ủy, HÐND huyện về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023… Ðặc biệt, huyện Vĩnh Thạnh quan tâm chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch lúa đạt hiệu quả cao. Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch cũng được duy trì tăng so với năm 2022, nhất là địa phương đã phối hợp tổ chức thành công lễ khởi động Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 (Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ) và nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn…”.
Năm 2023, huyện Vĩnh Thạnh tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phục hồi sản xuất, cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,59%, giảm 5,74%; công nghiệp - xây dựng chiếm 34,86%, tăng 3,75% và thương mại - dịch vụ chiếm 27,55%, tăng 1,99%. Trong đó, sản xuất lúa với tổng diện tích 71.990,85ha, đạt 103,55% kế hoạch năm, năng suất trung bình 7,12 tấn/ha, sản lượng 512.123,22 tấn lúa tươi, lợi nhuận thu được 76,94 triệu đồng/ha. So với năm 2022, diện tích lúa tăng 1.562,55ha, năng suất tăng 0,4 tấn/ha, sản lượng tăng 38.873,87 tấn, lợi nhuận tăng 32,68 triệu đồng/ha.
Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trong năm 2023 của huyện cũng tăng cao, được 3.682 tỉ đồng, đạt 131,50% kế hoạch năm, tăng 8,93% so với năm 2022; khu vực thương mại - dịch vụ là 2.910 tỉ đồng, đạt 126,52% kế hoạch năm, tăng 5,82% so với năm 2022. Trong năm, huyện tập trung huy động các nguồn lực, tạo động lực cho phát triển, với tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện được 2.600 tỉ đồng, đạt 154,76% kế hoạch, tăng 112,04% so năm 2022. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, ước tổng giải ngân được 470,609 tỉ đồng, đạt 95,34% kế hoạch năm. Qua đó, nhiều công trình, dự án xây dựng hoàn thành, góp phần phát triển hạ tầng KT-XH tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công chậm được cải thiện; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các công trình trọng điểm; chuyển đổi số được quan tâm triển khai quyết liệt nhưng còn chậm so yêu cầu; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự…
Năm 2024, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục đưa ra 12 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH, QP-AN. Trong đó, địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất; ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi. Áp dụng quy trình, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản hiện đại, gắn với chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa, an toàn và khả năng cạnh tranh cao; nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã hiện có trên địa bàn; củng cố, mở rộng diện tích và tăng hiệu quả sản xuất ở các cánh đồng lớn và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, các tiến bộ khoa học vào sản xuất…
Ðối với hoạt động thương mại - dịch vụ và du lịch, huyện tập trung triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán sắp tới; tham gia các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực địa phương với các đối tác doanh nghiệp. Tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại - dịch vụ, quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, các hình thức gian lận thương mại, xây dựng nếp sống văn minh thương nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ trong kinh doanh. Tiếp tục nâng cấp chợ huyện và các chợ xã - thị trấn. Phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng đa dạng hóa loại hình, sản phẩm và dịch vụ; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội; phấn đấu tạo thương hiệu sản phẩm hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Ðồng thời, hoàn chỉnh quy hoạch và các thủ tục kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống gắn phát triển làng nghề...
Ông Ðoàn Quốc Sử nhấn mạnh: “Năm 2024, huyện Vĩnh Thạnh sẽ tập trung thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với các doanh nghiệp trong cải tiến thiết bị, máy móc, nâng cấp trang thiết bị và chuyển giao công nghệ mới. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp truyền thống của huyện, như: chế biến nông sản, nhất là chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, chế biến thức ăn gia súc và sản xuất hàng tiêu dùng thông thường. Tiếp tục triển khai thực hiện duy trì tổ chức đối thoại, thường xuyên quan tâm thăm hỏi động viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh an tâm đầu tư phát triển, ổn định sản xuất, kinh doanh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn…”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN