Hằng năm, cứ đến những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước và nhất là sinh nhật Bác Hồ, hàng ngàn người dân lại đổ về hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) để thắp hương tại Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh hòn. Giữa đảo xa, mỗi người như thấy xích lại gần nhau hơn nhờ tình yêu bao la của vị Cha già kính yêu của dân tộc. Đền thờ cũng là minh chứng cho tấm lòng của người dân Đất Mũi đối với Bác Hồ.
Hòn Đá Bạc cách trung tâm TP Cà Mau khoảng hơn 50km đường sông. Đây là một cụm hòn nằm nhô cao khoảng 50m so với mặt nước biển, gồm 3 hòn nằm liền nhau là hòn Trọi, hòn Ông Ngộ và hòn Đá Bạc với tổng diện tích khoảng 6,5ha. Ngoài hòn Trọi có diện tích không đáng kể, hai hòn còn lại được hình thành nhờ những tảng đá xếp chồng lên nhau. Giữa cái nắng, cái gió của biển khơi với lô nhô đá nhưng cây cối vẫn phủ xanh. Những gốc bàng, bồ đề
hàng trăm năm tuổi tạo không gian trong lành và nuôi dưỡng hệ động vật phong phú nơi đây.
Từ phía đất liền nhìn ra hòn, Đền thờ Bác Hồ nổi bật với mái đền cong vút, mái ngói đỏ tươi cao ngất trên đỉnh. Đền thờ được Bộ Công an và UBND tỉnh Cà Mau đầu tư xây dựng, khánh thành vào tháng 9-2010, diện tích khoảng 230m2, được xây dựng bê tông, cốt thép, theo kiến trúc đình miếu truyền thống Nam bộ. Với kiến trúc đơn giản, vững chãi, đền thờ Bác Hồ mang vẻ tôn nghiêm, thành kính. Đặc biệt, tượng Bác Hồ bằng đồng nguyên khối cao đến 3,4m và nặng 2,4 tấn, đặc tả dáng Bác đứng chỉ tay về phía trước trong bộ trang phục giản dị, đôi dép cao su sờn quai và nụ cười hiền hậu, gần gũi.
 |
Tượng Bác Hồ trong Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh hòn Đá Bạc với dáng vẻ hiền hậu, giản dị. |
Hằng năm, hòn Đá Bạc đều đón khoảng vài trăm ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch. Ai đến đây cũng đều ghé viếng Đền thờ Bác Hồ và thắp nén hương tưởng nhớ đến Người. Trong lần tôi đến thăm hòn Đá Bạc vào dịp Tết Nguyên đán 2014, khuôn viên nhỏ của Đền thờ Bác chật kín người. Bà Trịnh Thị Ba dẫn cháu ngoại từ tỉnh Đồng Nai vào hòn Đá Bạc du lịch, xúc động: “Tôi không ngờ giữa đảo xa mà cũng có Đền thờ Bác Hồ trang nghiêm như thế này. Được thắp nén hương cho Người thật hạnh phúc!”.
Thiếu úy Lý Phương Lam, thuyết minh viên Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Hòn Đá Bạc, giới thiệu với tôi rằng, Đền thờ Bác Hồ là công trình nằm trong quần thể khu Di tích, cùng với Tượng Đài Chiến thắng CM 12, Tượng Đài Công an nhân dân, được khánh thành vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Thiếu úy Lam cũng cho biết thêm, ngoài bà con địa phương, nhiều đoàn công tác của các cơ quan, đoàn thể các địa phương: Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp
và Việt kiều cũng thường về viếng Đền thờ Bác.
Việc xây dựng Đền thờ Bác Hồ giữa khơi xa không chỉ thể hiện tấm lòng người Cà Mau với Hồ Chủ tịch mà còn có ý nghĩa cùng Bác đồng hành trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ bình yên của Tổ quốc. Bởi chính nơi đây đã ghi dấu chiến công của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong Kế hoạch phản gián CM12, phá vỡ âm mưu chống phá Nhà nước của tổ chức gián điệp, phản động mang tên gọi “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu từ năm 1982 đến 1984. Chiến thắng CM12 đã tô điểm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta; khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng với nhân dân bài học “đại đoàn kết” mà Bác Hồ đã để lại.
Đã thành thông lệ suốt 4 năm qua, gần đến ngày 19-5, bà con khắp nơi và các cơ quan trong và ngoài tỉnh Cà Mau lại tất bật chuẩn bị gạo thơm, nếp dẻo chế biến những đặc sản quê nhà mang ra hòn dâng Bác như tấm lòng thảo thơm của đồng bào miền Nam. Hằng tuần, luôn có một nhóm học sinh của Trường Tiểu học Đá Bạc đến viếng và làm vệ sinh ở Khu Di tích quốc gia và Đền thờ Bác Hồ. Đó cũng là cách để người Cà Mau truyền lửa truyền thống cho thế hệ tương lai của đất nước.
 |
Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh hòn Đá Bạc. |
Từ một địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, hòn Đá Bạc nay đã “thay da đổi thịt” trở thành một trong những khu du lịch thu hút bên bờ biển Tây, đón biết bao lượt khách đến chiêm ngưỡng, thư giãn. Hòn Đá Bạc giờ đã có hệ thống nhà hàng, khách sạn, điện nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Đến hòn Đá Bạc, du khách ngắm hoàng hôn trên biển, những đoàn tàu của ngư dân hối hả cặp bờ để cảm nhận vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam.
* * *
Chiều hòn Đá Bạc, tôi ngồi nghe cô Thiếu úy trẻ Phương Lam kể những câu chuyện về tình cảm của người dân mọi miền dành cho Bác Hồ qua việc viếng Đền thờ, ngước nhìn tượng Bác uy nghiêm tay chỉ thẳng về phía biển, lòng chợt nghĩ rằng: Bác Hồ sẽ luôn đồng hành trong mỗi bước đi của dân tộc, nhất là trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.
Bài, ảnh: ĐĂNG DUY