27/08/2010 - 20:48

Vì sao Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Ô Môn đìu hiu?

Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Ô Môn
vắng lặng.

Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Ô Môn - tọa lạc ven quốc lộ 91, cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ quận Ô Môn - được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2008 nhân dịp Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, đến nay chỉ có hoạt động đáng kể nhất là tổ chức... hội chợ và các cuộc thi lân sư rồng dịp xuân về. Còn phần nhiều thời gian khu trung tâm rộng hơn 9,5 ha được xây dựng với tổng kinh phí hơn 60 tỉ đồng này vắng lặng và những bãi cỏ cao quá đầu người, sân bãi ngổn ngang cát đá...

Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Ô Môn được quy hoạch với tổng diện tích hơn 19 ha, với nhiều công trình phục vụ sự nghiệp văn hóa - thể thao như nhà biểu diễn, thư viện, sân khấu ngoài trời 3.000 khán giả, nhà hành chính và tổ chức triển lãm, nhà hóa trang chờ diễn, không gian triển lãm ngoài trời, khu sân bãi thể thao, nhà hàng - nhà nghỉ, khu tái định cư, khu dự trữ phát triển... Để kịp phục vụ Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ năm 2008, Trung tâm được hoàn thành giai đoạn 1 trên diện tích hơn 9,5 ha gồm các công trình chính là nhà hành chính - tổ chức triển lãm, nhà hóa trang chờ biểu diễn, hệ thống đường nội bộ. Kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, các cụm công trình và giải phóng mặt bằng lên đến hơn 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” phục vụ lễ hội, Trung tâm rơi vào cảnh vắng lặng, đìu hiu.

Trước hết, Trung tâm này nằm khá xa khu dân cư, cách trung tâm quận khoảng 3 km, bên đường quốc lộ 91 ngay khúc quanh thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, khiến đa số người dân ngán ngại khi đến đây. Nguyên nhân thứ hai cũng là lý do quan trọng nhất là Trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ. Công trình Nhà hành chính và triển lãm mà ngành văn hóa Ô Môn đang quản lý được xây dựng để đáp ứng yêu cầu tổ chức triển lãm trong lễ hội năm 2008, bốn mặt chủ yếu là kính. Cho nên, khi được trang bị thiết bị, phương tiện kỹ thuật, đạo cụ..., những người quản lý luôn lo nơm nớp về tình hình an ninh. Mặt khác, những công trình xây dựng nhỏ hẹp, khó triển khai các sinh hoạt văn hóa cần có sân khấu, âm thanh, ánh sáng và không gian đủ rộng cho hàng ngàn người. Đến nay, Trung tâm chưa có nhà biểu diễn, nhà hoạt động nghiệp vụ, sân bãi thể thao chưa hoàn chỉnh, thiếu hệ thống rào để đảm bảo an ninh và an toàn... nên khi có biểu diễn hay các giải đấu phong trào, Trung tâm phải mượn cơ sở vật chất của Nhà Văn hóa cũ - hiện nay đã được quy hoạch làm Nhà Thiếu nhi. Tại khu trung tâm 60 tỉ đồng này giờ chỉ có các CLB và đội nhóm nhỏ hoạt động cầm chừng. Ông Phan Việt Ấn, nguyên Giám đốc Trung tâm - hiện là Phó phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch quận Ô Môn, cho biết: “Tại Trung tâm có CLB Sáng tác ca khúc hoạt động thường xuyên. Nhưng mỗi kỳ tổ chức giới thiệu tác phẩm mới, chúng tôi vẫn phải dời về Nhà Văn hóa cũ” (!).

Thư viện và Nhà Truyền thống quận Ô Môn tại Trung tâm cũng rơi vào tình trạng thưa vắng khách. Thỉnh thoảng, chỉ có học sinh hai trường Lưu Hữu Phước và Lương Định Của gần đó tạt ngang mượn sách vào giờ tan học. Công trình nhà hóa trang chờ biểu diễn của Trung tâm hiện nay đang tạm thời làm trụ sở của Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch quận, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình và Phường đội phường Châu Văn Liêm. “Ngay cả với các cuộc thi lân sư rồng nhân dịp lễ, Tết cũng ít người đến dự xem hơn những năm còn tổ chức ở Nhà Văn hóa cũ” - ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Ô Môn cho rằng việc chọn địa điểm xây dựng trung tâm mới thuận lợi cho sự phát triển tương lai - bởi quỹ đất tại khu trung tâm quận không thể đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của ngành. Điều đáng nói là sau giai đoạn khẩn trương đầu tư để phục vụ Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, đến nay dường như công trình này đã bị bỏ quên. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng tổ chức các hoạt động để tạo sinh khí cho Trung tâm, như làm hai sân bóng chuyền miễn phí, hợp tác với các nhà đầu tư làm sân bóng đá mini... Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp nhất thời. Về lâu dài chúng tôi cần cơ sở vật chất hoàn chỉnh, trước mắt là cần có Nhà biểu diễn, để có thể tổ chức hoạt động”.

Thiết nghĩ, những bất cập của Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Ô Môn sẽ là bài học kinh nghiệm cho công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình văn hóa ở các quận, huyện. Trong khi chờ đợi sự phát triển trong tương lai thì thử hỏi ai không khỏi xót lòng khi một công trình 60 tỉ đồng đìu hiu vắng lặng và tình trạng đó chưa biết tới bao giờ... mới được khắc phục?!

Bài, ảnh: XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết