08/11/2017 - 16:50

Vi khuẩn đường ruột hỗ trợ chữa ung thư và chống bệnh già 

Những năm gần đây, giới nghiên cứu y học phát hiện rằng ruột đóng vai trò trung tâm trong mọi vấn đề sức khỏe, thậm chí ví nó như “bộ não thứ hai” của cơ thể. Mới đây, các nhà khoa học Mỹ, Pháp và Hà Lan còn phát hiện những vi khuẩn ở sâu trong hệ tiêu hóa có thể hỗ trợ điều trị ung thư và phòng chống nhiều căn bệnh do tuổi già.

Được biết, cơ thể người là nơi trú ngụ của hàng nghìn tỉ vi sinh vật và giới y học tin rằng mối quan hệ giữa chúng và cơ thể vượt xa khả năng phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, quần thể vi khuẩn (hay microbiome) liên quan đến các vấn đề tiêu hóa, phòng chống nhiễm trùng và điều hòa hệ miễn dịch. 

Vi khuẩn đường ruột ngày càng được chứng minh liên quan mật thiết đến sức khỏe.  Ảnh: Getty Image

Trong 2 công trình nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science, các chuyên gia đều tìm thấy mối liên hệ giữa các chủng vi khuẩn đặc trưng và mật độ của quần thể vi khuẩn trong ruột với hiệu quả của các loại thuốc dùng trong liệu pháp miễn dịch – tăng khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại khối u. Tuy phương pháp này không hiệu quả trên mọi bệnh nhân, nhưng trong một số trường hợp nó có thể chữa khỏi bệnh dù ở giai đoạn cuối.

Ở nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Gustave Roussy (Pháp) đã theo dõi 249 bệnh nhân ung thư phổi và thận. Họ nhận thấy việc bệnh nhân uống kháng sinh (để điều trị nhiễm trùng răng) đã tổn hại đến hệ vi khuẩn đường ruột, đồng thời thúc đẩy khối u phát triển trong thời gian điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Đáng chú ý, chủng vi khuẩn Akkermansia muciniphila được ghi nhận hiện diện ở 69% số bệnh nhân đáp ứng với liệu pháp miễn dịch, còn ở bệnh nhân không đáp ứng, tỷ lệ này chỉ khoảng 30%.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas (Mỹ) tiến hành phân tích hệ vi khuẩn đường ruột của 112 bệnh nhân u hắc tố ác tính (melanoma – một dạng ung thư da nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao). Tương tự như nghiên cứu đầu, những người đáp ứng với liệu pháp miễn dịch có hệ vi khuẩn đường ruột đa dạng và phong phú hơn những bệnh nhân không đáp ứng. Đặc biệt, các chuyên gia phát hiện 2 chủng vi khuẩn Faecalibacterium và Clostridialesappeared hiện diện với hàm lượng cao thì có lợi cho bệnh nhân, còn vi khuẩn Bacteroidales xuất hiện nhiều thì không tốt cho họ. Phân tích mẫu mô của bệnh nhân cho thấy khối u của người có nhiều lợi khuẩn trong ruột chứa nhiều tế bào miễn dịch diệt ung thư hơn. Tiếp tục cấy phân từ bệnh nhân có vi khuẩn “tốt” vào cơ thể chuột bị melanoma, nhóm nghiên cứu phát hiện khối u của chúng cũng phát triển chậm hơn so với những con được cấy vi khuẩn “xấu”. 

Tiến sĩ Jenifer Wargo, trưởng nhóm nghiên cứu, suy luận rằng nếu thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột của bệnh nhân theo hướng có lợi, chúng ta có thể giúp họ đáp ứng tốt hơn với liệu pháp miễn dịch. “Hệ vi khuẩn là yếu tố thay đổi cuộc chơi, không chỉ với bệnh ung thư mà còn với sức khỏe tổng thể” – bà Wargo nhận định. Điều này cũng trùng khớp với phát hiện mới từ các chuyên gia tại Trung tâm Y khoa Đại học Groningen (Hà Lan), trong đó khẳng định việc thay đổi chế độ ăn uống theo hướng duy trì hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh có thể giúp phòng ngừa hầu như tất cả các căn bệnh liên quan đến tuổi tác.

Để đi đến kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm chứng mối quan hệ giữa vi khuẩn đường ruột và các bệnh phát sinh khi về già. Họ quan sát tác động của sự thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột ở chuột – vốn có thành phần vi khuẩn ruột giống ở người và thay đổi theo thời gian, bằng cách lấy mẫu vi khuẩn từ chuột già và đưa vào chuột trẻ. Lứa chuột trẻ sau đó đã phát triển chứng viêm mãn tính giống dạng viêm mà chuột già mắc phải. So sánh với nhóm chuột trẻ được cấy vi khuẩn từ nhóm chuột khác cùng lứa, các chuyên gia nhận thấy chỉ những con được cấy vi khuẩn từ chuột già mới phát triển chứng viêm.

Từ những phản ứng miễn dịch khác nhau nói trên, các nhà nghiên cứu cho rằng chính quá trình lão hóa đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng về vi khuẩn trong ruột: nhiều vi khuẩn “xấu” hơn vi khuẩn “tốt”. Điều đó có nghĩa vi khuẩn xấu sẽ khiến thành ruột dễ bị thấm các độc tố, để chúng xâm nhập vào dòng máu và dẫn tới chứng viêm và các bệnh như béo phì, tiểu đường, lo âu và thậm chí ung thư. Trong đó, viêm là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi, liên quan đến các bệnh tim mạch, đột quỵ và mất trí nhớ.

AN NHIÊN (Theo BBC, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết