Làng Cát nhìn từ trên cao
Dưới chân đỉnh Voi Mẹp - đỉnh núi có hình con voi cúi gục đầu xuống - trên Đường 9, ở Km27, thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, giữa một thung lũng hẹp, bốn bề là núi non, có một ngôi làng nhỏ của người Vân Kiều - có tên gọi Làng Cát. Du khách chỉ có thể xuống làng bằng những loại xe chuyên dụng bởi đường rất dốc và hiểm trở. Đi bộ đến làng cũng là phương án được nhiều người chọn lựa, bởi vừa đi vừa được thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng.
Mất khoảng 15 phút đi xe hoặc non một giờ đi bộ, đến Làng Cát bạn sẽ thấy tan hết mệt nhọc bởi vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình, lãng mạn như trong tranh vẽ. Một dòng suối nhỏ, nước trong vắt chảy quanh co, uốn khúc ven những cây xanh um, cao ngất. Những thửa ruộng vàng mơ màu lúa chín. Những nhà sàn khang trang, xinh xắn núp mình dưới những tán cây. Tiếng chim chìa vôi hót líu lo trên khóm trúc. Hoa pơ-lang tím đung đưa trước gió. Nắng vàng lốm đốm dưới bóng cây kơ-nia. Những cô gái Vân Kiều bên ruộng lúa cười thơ ngây, hồn nhiên. Tiếng gà gáy cuối thôn, bầy bò nhởn nhơ gặm cỏ bên triền núi xanh mơ…
Khi hoàng hôn buông xuống núi rừng Trường Sơn, ánh mặt trời vàng nhạt phủ trùm lên rừng cây rồi dần tắt lịm, muôn vàn âm thanh của núi rừng cũng bắt đầu trỗi dậy. Tiếng rừng cây lao xao trong gió núi, tiếng chim bay về tổ rộn ràng giữa không gian hoang sơ… Đêm đến, ngồi quanh bếp lửa nhà sàn ấm áp, nghe các bậc cao niên của làng kể chuyện đường rừng, chuyện “đi Sim”, bên ngoài sương mờ lãng đãng giăng giăng trên ngàn cây ngọn cỏ… Chủ nhà sẽ bày ra một mâm thịt gà núi nướng, cá suối nướng, chấm muối ớt ăn kèm cùng măng chua, nhấm nháp vài cốc rượu đặc sản Làng Cát được ủ bằng men lá rừng rất độc đáo. Một đêm ở Làng Cát, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, sẽ cho bạn nhiều cảm xúc khó quên.
* * *
Nếu bạn đến Làng Cát vào dịp Tết hay mùa thu hoạch rẫy, thì sẽ được nghe nhiều về một sinh hoạt văn hóa truyền thống và lãng mạn của người Vân Kiều. Đó là tục “đi Sim”.
Người Vân Kiều ở vùng núi Trường Sơn (phía Tây Quảng Trị) có quan niệm về tình yêu và hôn nhân rất hiện đại. Nam nữ trước khi đi đến kết hôn phải trải qua thời gian tìm hiểu, mà giai đoạn quyết định chính là “đi Sim”. Luật tục Vân Kiều cho phép trai gái khi yêu nhau được hẹn hò, tâm sự tìm hiểu. Mùa trăng sáng là lúc thanh niên nam nữ Vân Kiều háo hức, mong đợi. Qua những đêm trăng, họ hẹn hò nhau để rồi kết đôi nên duyên vợ chồng. Những lần hò hẹn, những đôi trai gái người Vân Kiều thường hát những khúc hát trữ tình giao duyên, bày tỏ tình yêu, lời hứa thủy chung và những mơ ước về hạnh phúc lứa đôi. “Đi Sim” cũng có những luật lệ bất thành văn: các chàng trai không được ép buộc các cô gái, không được tranh giành, sinh sự với nhau. Đúng nghĩa của tục lệ này, trai gái chỉ được trao đổi, tâm sự bằng lời ca tiếng hát, nếu bị phát hiện có quan hệ vượt rào, sẽ bị làng bản xử phạt: một con trâu, bảy con gà, bảy chai rượu, một thúng gạo nếp.
Sau khi cặp đôi xác định tâm đầu ý hợp, họ sẽ về báo với bậc sinh thành. Hai bên gia đình thường sẽ không ngăn cản và đám cưới sẽ được tiến hành trên tình yêu tự nguyện, trong sáng của đôi trai gái.
Giã từ Làng Cát, du khách ngược Đường 9 lên Lao Bảo để đi chơi chợ vùng biên và nếu có cảm hứng, du khách có thể quá bộ qua cửa khẩu, nhìn sang đất Lào xanh xanh, trùng điệp. Có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu này với giá cả rất phải chăng, thỏa lòng những tín đồ mua sắm.
Đặng Hoàng Thám