09/04/2019 - 20:57

Vận động chuyển đổi cây trồng ở Thới Hưng 

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, vận động, tổ chức thực hiện. Phong trào đi vào đời sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng...

Cán bộ xã Thới Hưng (bên trái) thăm hỏi tình hình sản xuất của người dân. Ảnh: THANH THY

Cán bộ xã Thới Hưng (bên trái) thăm hỏi tình hình sản xuất của người dân. Ảnh: THANH THY

Tham quan mô hình trồng màu ở ấp 2, xã Thới Hưng, mới thấy được hiệu quả công tác vận động quần chúng của cán bộ xã, ấp. Đang chăm sóc những luống khổ qua xanh tốt, anh Nguyễn Văn Nhanh, người dân ấp 2, kể: "Nhờ các cán bộ xã, ấp vận động chuyển đổi sản xuất mà cuộc sống bà con ngày càng khấm khá hơn. Gia đình tôi có 25 công đất ruộng, trước đây trồng lúa, hiệu quả không cao. Từ khi tôi đã chuyển sang trồng bí đao, khổ qua, bầu, mướp… thu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tôi đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và để phần đất này cho cha và người anh sản xuất. Với số vốn tích lũy được, tôi thuê 11 công đất để trồng màu. Năm 2018, sau khi trừ các chi phí (thuê đất, đầu tư màng phủ, dây làm giàn, phân bón...) hơn 200 triệu đồng, tôi thu lời hơn 165 triệu đồng...". Anh Nhanh khoe rằng ấp đang chuẩn bị ra mắt Tổ hợp tác trồng màu dưới chân ruộng, có 9 thành viên tham gia, với tổng diện tích đất sản xuất khoảng 90 công. Anh Nhanh phấn khởi nói: "Đây cũng là điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất tập thể, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăm sóc cây trồng, xử lý bệnh… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình".

Tham quan vườn xoài sai oằn trái của gia đình anh Đào Hoàng Tín, ở ấp 8, càng thấy rõ hiệu quả của việc vận động nhân dân chuyển đổi mô hình sản xuất, cùng sự phấn khởi của bà con ở xã Thới Hưng. Theo anh Tín, gia đình anh có 1,5ha đất ruộng, trước đây trồng lúa nhưng hiệu quả thấp, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Anh mướn 200 gốc xoài lá của người dân trong xóm chăm sóc để kiếm thêm thu nhập. Anh Tín kể: "Trong những lần tham gia các lớp tập huấn, các cuộc họp, nghe các cán bộ xã vận động tích cực lao động, chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái sẽ nâng cao thu nhập, tôi quyết định đầu tư lên liếp trồng 600 gốc xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan. Năm 2017, cây bắt đầu cho trái chiếng, huê lợi khoảng 120 triệu đồng. Năm 2018, xoài cho năng suất cao nên gia đình tôi lời khoảng 250 triệu đồng". Không riêng anh Tín, các thành viên khác trong Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Hưng cũng có cuộc sống khấm khá hơn trước đây. Ông Phan Văn Tây, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Hưng, cho biết: "Hợp tác xã có 19 thành viên, sản xuất với diện tích 39ha. Trong đó, có 31ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên thị trường tiêu thụ ổn định và được các thương lái chở lên bán ở các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh".

Chúng tôi trở lại tham quan vườn nhãn Idol của gia đình ông Lê Văn Suốt, ở ấp 5. Vườn nhãn này cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng mỗi năm. Theo ông Suốt, trước đây, với 13ha đất, ông trồng lúa và đào ao nuôi cá tra nhưng giá lúa, cá không ổn định, cuộc sống ngày càng khó khăn. Ông đã mạnh dạn đầu tư chuyển dần diện tích trồng 8ha nhãn Idol. Thấy cây nhãn phát triển xanh tốt nên ông quyết định chuyển hết diện tích đất còn lại trồng nhãn. Năm 2017, những cây nhãn trồng đợt đầu tiên cho trái chiếng, thu huê lợi 500 triệu đồng. Năm 2018, gia đình ông thu huê lợi 1,7 tỉ đồng từ vườn nhãn. Năm nay, còn khoảng 1 tháng nữa ông sẽ thu hoạch 10,5ha nhãn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ông Suốt chia sẻ: "Nghe các cán bộ tuyên truyền vận động và qua những lần tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, tôi mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất mới, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn. Khi tham gia vào Hợp tác xã cây ăn trái Thái Thanh, tôi được các thành viên truyền kinh nghiệm trong xử lý ra hoa, bệnh trên cây ăn trái và sử dụng phân, thuốc hợp lý nên đạt được năng suất cao. Năm nay, Hợp tác xã được Hội Nông dân thành phố hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân làm các thành viên rất phấn khởi, có điều kiện đầu tư cho những vụ mùa tiếp theo...".

Theo đồng chí Trần Đặng Hữu Ngọc, Trưởng Khối vận xã Thới Hưng, năm 2018, hệ thống chính trị xã tham gia thực hiện nhiều mô hình "Dân vận khéo" hiệu quả thiết thực. Bên cạnh những mô hình phát triển kinh tế, các đoàn thể cũng tăng cường vận động thực hiện các mô hình "Dân vận khéo" như: Mặt trận xã phối hợp vận động dân đóng góp tiền và các đơn vị đóng góp ngày công lắp đèn chiếu sáng công cộng với tổng trị giá 27 triệu đồng; vận động trồng hoa tạo cảnh quan tuyến đường B6; vận động cất 16 căn nhà cho các hộ trên địa bàn xã còn khó khăn về nhà ở; duy trì bếp ăn tình thương; vận động bà con tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, sử dụng điện tiết kiệm…  Qua đó, cho thấy công tác vận động quần chúng của hệ thống chính trị xã Thới Hưng ngày càng đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực đời sống nhân dân, thúc đẩy địa phương ngày càng phát triển.

THANH THY

Chia sẻ bài viết