30/03/2011 - 10:06

XU HƯỚNG CHỌN NGÀNH NĂM 2011

Vẫn còn bên trọng, bên khinh

Dù đã có sự cân nhắc khá kỹ về năng lực, điều kiện kinh tế để quyết định chọn ngành học, bậc học phù hợp, thế nhưng trên thực tế nhiều thí sinh đứng trước ngưỡng cửa đại học vẫn còn xu hướng chọn những ngành học theo cảm tính... Cũng vì thế, việc tuyển sinh ở một số ngành còn gặp khó khăn...

Các ngành kinh tế, du lịch... “lên ngôi”

Những năm gần đây, các khối ngành kinh tế, du lịch, công nghệ thông tin luôn đứng “top” đầu. Theo thống kê của Trường Đại học Cần Thơ, 2 năm gần đây, các khối ngành kinh tế, du lịch luôn có điểm chuẩn từ 16 điểm trở lên. Tỷ lệ chọi hằng năm của các ngành này cũng khá cao. Cụ thể như: Năm 2009, ngành Quản trị kinh doanh có tỷ lệ chọi là 1-22, ngành Kế toán là 1-18 và ngành Du lịch có tỷ lệ 1-18. Riêng năm 2010, ngành Quản trị kinh doanh có tỷ lệ chọi là 1-22, ngành Kế toán là 1-16 và ngành Du lịch 1-21... Theo ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Cần Thơ, qua những đợt tư vấn mùa thi năm 2011, phần lớn thí sinh, phụ huynh quan tâm tìm hiểu và có nhu cầu giải đáp về các khối ngành kinh tế, du lịch... Tương tự, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ những năm gần đây nhiều nhất cũng rơi vào các ngành như: Kế toán, Tài chính ngân hàng. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, nhận định: “Xu hướng chọn ngành của thí sinh cũng phân hóa khá rõ theo những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu tuyển dụng cao, như: khối ngành kinh tế, công nghệ chế biến thủy sản...”.

Cần có nhiều chính sách khuyến khích những ngành, nghề khó tuyển. Trong ảnh: Sinh viên ngành Chăn nuôi Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ trong giờ thực hành. Ảnh: B. NG 

Nguyễn Thị Tiên, ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, chọn thi vào khối ngành kinh tế, dù Tiên chưa xác định mình sẽ học chuyên ngành nào. Tiên nói: “Em chỉ nghe các bạn nói học kinh tế dễ kiếm việc làm, thu nhập khá. Trong khi đó, học ngành Du lịch lại được đi đây, đi đó nên em còn phân vân giữa hai ngành này”. Tuy vậy, trò chuyện với chúng tôi, Tiên lại tâm sự: “Thực tế, em chưa hiểu hết công việc của cả hai ngành. Nhưng thấy các bạn chọn, nên em chọn theo”. Còn em Huỳnh Hồng Anh, học sinh Trường THPT Cái Bè, lại xác định ngay từ đầu là phải học ngành Ngân hàng. Vì theo Hồng Anh, học ngành này, ra trường có thể làm việc trong phòng máy lạnh, ít vất vả, lương cao... Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, cho biết: “Hằng năm, trường đều tổ chức tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh nhưng phần lớn các em đều quan tâm đến khối ngành kinh tế. Do vậy, hầu như các ngành thuộc khối kinh tế đều thừa thí sinh...”.

“Lao đao” tuyển khối ngành nông nghiệp, kỹ thuật cơ khí

Hằng năm, các trường đại học, cao đẳng luôn bị “quá tải” với số hồ sơ đăng ký dự thi vào các khối ngành: kinh tế, du lịch... thì ở các khối ngành: nông nghiệp, kỹ thuật cơ khí phải “chật vật” lắm mới tuyển đủ chỉ tiêu. Theo thống kê của Trường Đại học An Giang, năm 2010, thí sinh trúng tuyển vào các ngành Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi, Trồng trọt, Phát triển nông thôn chỉ ở mức bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (khối A: 13 điểm, khối B: 14 điểm) và trường phải tuyển đến nguyện vọng 2. Nhưng theo Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng trường, hằng năm, các ngành nông nghiệp ở trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Tuyển sinh khó khăn ở khối ngành nông nghiệp cũng là tình trạng chung ở các trường đại học ĐBSCL và cả nước. Trong khi đó, các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp... là những ngành trọng điểm trong quá trình phát triển kinh tế. Tại Trường Đại học Cần Thơ- trường đại học lớn nhất vùng ĐBSCL, dù một số ngành ở khối nông nghiệp tuyển sinh không khó nhưng cũng tuyển đến nguyện vọng 2 mới đủ chỉ tiêu.

Một trong khối ngành tuyển sinh “cực khó” là khối ngành kỹ thuật cơ khí, hàn, tiện... Đơn cử như, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ đầu tư khá nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị... để phục vụ khối ngành kỹ thuật (Cơ khí, Hàn. Cắt gọt kim loại...), vì đây là những ngành mũi nhọn phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trường không dám tuyển nhiều chỉ tiêu vì chi phí đầu tư cao, số lượng thí sinh đăng ký học các ngành nghề này ngày càng ít... Tương tự, trong kỳ tuyển sinh hằng năm của Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ đều tuyển khó ở khối ngành này. Chỉ riêng năm 2009, trường dành chỉ tiêu 60 sinh viên cho ngành Hàn nhưng chỉ có hơn 10 học sinh đăng ký vào học... Theo cán bộ làm công tác tuyển sinh ở các trường cao đẳng, nguyên nhân chính là vì thí sinh có tâm lý học khối ngành kỹ thuật này vừa khó, ra trường làm việc vất vả, lương không cao.

Tìm cách gỡ khó khăn cho ngành khó tuyển

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP Cần Thơ, nói: “Không có ngành nghề nào mà xã hội không có nhu cầu. Quan trọng là người học có hoạch định được chiến lược cho bản thân trong quá trình học tập và làm việc sau này. Người lao động cần phải chịu khó và “thủy chung” với công việc”. Nhiều người cho rằng khối ngành kinh tế dễ tìm việc nhưng thực tế tuyển dụng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên gần đây cho thấy, các đơn vị sử dụng lao động chỉ có nhu cầu tuyển khoảng 100 kế toán viên, trong khi có khoảng 500 hồ sơ dự tuyển đều là có bằng tốt nghiệp ngành này. Theo ông Vững, quan trọng là các trường đào tạo đảm bảo chất lượng đào tạo, thông qua việc cải tiến chương trình, phương pháp đào tạo... Đồng thời, trường đào tạo nên tổ chức tiếp xúc định kỳ với đơn vị sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung những điểm mới vào chương trình đào tạo sao cho phù hợp.

Về vấn đề thu hút thí sinh “đến” với khối ngành nông nghiệp, theo ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, nên chăng cần có chính sách thu hút sinh viên vào học bằng cách miễn giảm học phí, tạo việc làm sau khi tốt nghiệp... Còn theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, chất lượng đào tạo sẽ quyết định “đầu vào” lẫn “đầu ra” của các trường. Do vậy, các trường cần phải tăng cường đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên theo hướng chuyên sâu. Các cơ quan hữu quan cần thực hiện tốt hơn chính sách “tam nông”, có chính sách khuyến khích cho cán bộ nông nghiệp.

Còn với khối ngành kỹ thuật, song song với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các trường thì cơ quan hữu quan cần tăng cường tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh để thí sinh hiểu hơn về khối ngành này. Đồng thời, các doanh nghiệp sử dụng lao động phải có mức lương phù hợp và trợ cấp độc hại để khuyến khích nhiều người đăng ký học ngành này.

* * *

Các thí sinh đều có một ước mơ chính đáng là được bước vào giảng đường đại học sau 12 năm đèn sách ở bậc THPT. Xu hướng chọn ngành, nghề của thí sinh tập trung vào nhóm ngành kinh tế, du lịch,... khá cao, là điều phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến những bất cập nhất định, bởi nhu cầu sử dụng lao động của xã hội đa dạng, chứ không chỉ là những ngành khối kinh tế. Vì vậy, các địa phương, các trường cần có chính sách để khuyến khích thí sinh học những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu.

B. NGỌC - L. GIANG

Chia sẻ bài viết