15/08/2008 - 09:40

Thu hút đầu tư nước ngoài ở ĐBSCL

Vẫn chưa bứt phá, vì sao?

7 tháng đầu năm 2008, 9/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút 57 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với tổng vốn gần 2,8 tỉ USD, tăng hơn 10% so với cả năm 2007. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đứng trên bình diện chung của cả nước, thu hút ĐTNN ở ĐBSCL vẫn còn thấp so với tiềm năng sẵn có. Vì vậy, các tỉnh, thành phố ĐBSCL cần liên kết, tạo sức mạnh tổng lực của vùng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, trong đó có ĐTNN để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới...

Thu hút gần 2,8 tỉ USD, nhưng...

Theo Cục ĐTNN- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 7 - 2008, cả nước có 167 dự án ĐTNN được cấp phép với tổng số vốn đăng ký 13,5 tỉ USD, nâng tổng số dự án cấp mới 7 tháng đầu năm 2008 của cả nước lên 654 dự án với tổng số vốn đăng ký 44,5 tỉ USD. So với cùng kỳ năm trước số dự án giảm 23,2% nhưng tổng số vốn đăng ký tăng 446,4%. Nếu tính cả 788,6 triệu USD vốn đăng ký bổ sung của 188 lượt dự án được cấp phép trong các năm trước, tổng vốn ĐTNN đạt 45,3 tỉ USD. Con số này cao gấp 2 lần tổng vốn thu hút ĐTNN của năm 2007.

Riêng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, 7 tháng đầu năm 2008, thu hút được 57 dự án ĐTNN với tổng vốn gần 2,8 tỉ USD. Trong đó, có 2 địa phương được xếp vào tốp 10/42 địa phương đứng đầu có dự án ĐTNN được cấp phép mới. Đó là tỉnh Kiên Giang với dự án đầu tư vào Phú Quốc có nguồn vốn gần 1,65 tỉ USD trong lĩnh vực dịch vụ phức hợp (nghỉ dưỡng, sân gofl, căn hộ). Kế đến là Long An, ngoài lợi thế của là cửa ngõ của ĐBSCL, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở cạnh TP Hồ Chí Minh... địa phương này có nhiều nỗ lực thu hút ĐTNN như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư... chính vì thế, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2008, Long An thu hút 44 dự án ĐTNN với số vốn đăng ký gần 580 triệu USD. Dù không thuộc vào tốp dẫn đầu, nhưng nhờ vào dự án nhà máy lọc dầu trên 500 triệu USD đã đưa kết quả thu hút ĐTNN ở TP Cần Thơ cũng đạt 539,2 triệu USD...

Với việc thu hút gần 1,65 tỉ USD trong lĩnh vực dịch vụ phức hợp (nghỉ dưỡng sân gofl, căn hộ) vào Phú Quốc, Kiên Giang là tỉnh đứng đầu các tỉnh - thành phố ĐBSCL về thu hút ĐTNN trong 7 tháng đầu năm 2008. (Trong ảnh: Một góc đảo Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: THÀNH NHÂN 

Tuy nhiên, theo nhận định của Cục ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL vẫn chưa tìm được cuộc bứt phá mới trong thu hút ĐTNN. Điều này thể hiện tỷ lệ tổng vốn ĐTNN của toàn vùng ĐBSCL trong 7 tháng đầu năm 2008 chỉ chiếm 6,3% so với tổng vốn đăng ký các dự án ĐTNN của cả nước; vốn ĐTNN không đồng đều giữa các địa phương, chỉ tập trung vào một số địa phương có lợi thế như TP Cần Thơ, Long An, Kiên Giang... Đặc biệt, như tỉnh Bạc Liêu có 13 năm không thu hút được dự án ĐTNN nào; các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau có 9 năm không có dự án ĐTNN được cấp phép đầu tư.

Trong 7 tháng đầu năm 2008 này, phần lớn các dự án thu hút ĐTNN vẫn “vườn không, nhà trống”. Trong đó, tỉnh Cà Mau dù cải thiện được tình hình nhưng chỉ thu hút được 1 dự án đầu tư với số vốn 125.000 USD... Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó cục trưởng Cục ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Yếu tố bất lợi trong việc thu hút nguồn vốn ĐTNN vào ĐBSCL nhiều năm nay chưa nhiều là môi trường kinh tế, pháp lý chưa minh bạch, cơ sở hạ tầng kinh tế còn thấp kém, nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu... Hiện các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có nhiều nỗ lực để ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhưng mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, các địa phương trong vùng lại na ná về lợi thế, tiềm năng... nên chưa tạo được sức mạnh tổng lực trong thu hút đầu tư, trong đó có ĐTNN!

Khắc phục tình trạng này, từ năm 2006 đến nay, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL bước đầu đã ngồi lại với nhau thông qua các diễn đàn xúc tiến đầu tư ĐBSCL, ký kết hợp tác phát triển kinh tế- xã hội... Tại các buổi tọa đàm, hội thảo, nhiều yếu kém, hạn chế... đã được các chuyên gia kinh tế phân tích, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL nhìn ra và công nhận. Song, sau các sự kiện này, mọi chuyện lại đâu vào đấy, những tồn tại, yếu kém của ĐBSCL tiếp tục vận hành cùng sự phát triển chung của cả nước...

Liên kết, tạo sức mạnh vùng

Theo Cục ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2006-2010 nhu cầu vốn đầu tư cho toàn vùng ĐBSCL khoảng 450.000 tỉ đồng, tương đương 26 tỉ USD. Nguồn vốn này cần phải được huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau: ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong nước, vốn ĐTNN... theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó cục trưởng Cục ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do xuất phát điểm kinh tế ở mức thấp so với cả nước, tích lũy nội bộ chưa cao nên huy động nguồn vốn từ bên ngoài càng trở nên cấp thiết. Để làm được việc này, theo các nhà ĐTNN, ĐBSCL cần phải có “tiếng nói chung” để phát triển sức mạnh tổng lực, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Mặt khác, ĐBSCL cần tập trung cho việc quy hoạch xây dựng các cụm, khu công nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đón đầu và khai thác cơ hội mang lại từ hội nhập. Cần hoàn chỉnh công tác quy hoạch gắn kết với toàn vùng, trong đó khai thác lợi thế từ dự án khí điện đạm Cà Mau. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần tìm những lợi thế đặc biệt để phát triển các khu công nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, vùng ĐBSCL không thể dựa vào các lợi thế về giá thuê đất, lao động rẻ, tài nguyên dồi dào... Vì những lợi thế này chỉ có thể tồn tại nhất thời và trong xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, những ưu thế này dễ dàng dịch chuyển từ vùng này sang vùng khác, lãnh thổ này sang lãnh thổ khác... Điều quan trọng là phải tìm hiệu quả đặc trưng của từng nhà đầu tư, từng quốc gia, xem họ cần gì và được gì khi đầu tư vào địa phương. Bên cạnh đó, ĐBSCL cần nghiên cứu áp dụng hình thức khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp có nhiều doanh nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu địa phương. Việc thu hút nguồn vốn ĐTNN vào các khu công nghiệp sẽ mang lại cho nông nghiệp công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý hiện đại, là đầu vào để tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản của vùng ĐBSCL.

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết