Tháng 4 âm lịch là thời điểm những tour hành hương miền Tây thu hút du khách. Bên cạnh An Giang, Bạc Liêu thì Sóc Trăng là điểm đến được nhiều người lựa chọn. Nơi đây sở hữu nhiều ngôi chùa có lịch sử lâu đời cùng giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
Chùa Som Rong.
Sóc Trăng có trên 13 điểm chùa thu hút đông đảo khách hành hương, trong đó nổi tiếng là: chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Kh’leang, chùa Som Rong...
Chùa Som Rong (367 Tôn Đức Thắng, khóm 2, phường 5, TP Sóc Trăng) đang thu hút du khách trẻ. Tên đầy đủ của chùa là Bôtum Vong Sa Som Rong, được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống của các ngôi chùa Khmer kết hợp các tông màu nổi bật. Chùa Som Rong có lịch sử lâu đời, được lập từ năm 1785, tên chùa được quen gọi theo cây Som Rong - loại cây dại phổ biến trong vùng. Trước đây, chùa được làm bằng tre lá đơn sơ nhưng theo thời gian được trùng tu, khang trang như hiện tại. Cây Som Rong cũng chỉ còn 2 cây trong khuôn viên chùa.
Tổng thể chùa có diện tích 5ha, trong đó công trình chính là khu chánh điện. Tại đây có nhiều tượng Đức Phật Thích Ca, đặc biệt có hai tượng Phật Thích Ca cổ được chế tác bằng cây vào năm 1785. Khuôn viên chùa có nhiều khu vực, nổi bật là ngôi bảo tháp ở ngay lối đi vào chùa. Ngôi bảo tháp có bốn hướng với bốn lối đi, là đại diện của từ, bi, hỷ, xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và các hoa văn cổ được chạm khắc tinh tế, sắc sảo. Du khách viếng chùa, sau khi chiêm bái Đức Phật, thì ngôi bảo tháp là điểm chụp hình yêu thích bởi kiến trúc và nghệ thuật độc đáo. Thay vì sơn màu vàng truyền thống thì tháp được sơn màu xám trắng, toát lên vẻ hiện đại, cổ kính. Trong khuôn viên chùa có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn ngoài trời, dài 63m, cao 22,5m, đặt trên cao khoảng 28m so với mặt đất. Tất cả tạo nên khung cảnh tĩnh lặng, đẹp thơ mộng, nhất là lúc chiều tà.
Một điểm đến khác mà du khách không thể bỏ qua khi hành hương về Sóc Trăng là chùa Kh’leang (71 đường Mậu Thân, khóm 5, phường 6, TP Sóc Trăng). Đây là ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, được xây vào khoảng năm 1553, cũng là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở ĐBSCL. Chùa Kh’leang gắn liền với truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng. Trong thư tịch cổ tại chùa, Sóc Trăng nếu dịch từ tiếng Khmer có nghĩa là “xứ có kho” - ý nói về vùng đất trù phú. Ngoài ra, chùa Kh’leang là một trong số ít ngôi chùa có sự giao thoa văn hóa Việt, Hoa, Khmer. Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự giao thoa này. Một nét nổi bật nữa của chùa là còn lưu giữ nhiều lá buông có chữ Khmer cổ. Chùa Kh’leang được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là điểm đến thú vị khi du khách muốn tìm hiểu về vùng đất Sóc Trăng.
Nói về độ độc đáo, Bửu Sơn Tự hay còn gọi chùa Đất Sét (286 Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 5, TP Sóc Trăng) là nơi khó có thể bỏ qua. Nơi đây nổi tiếng với gần 2.000 tượng Phật, hiện vật và các linh thú được làm bằng đất sét, trong đó có “Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên” được Tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là 2 hiện vật nhà Phật lớn nhất bằng đất sét có tại Việt Nam. Theo lời kể của các vị cao niên, Bửu Sơn Tự trước đây chỉ là một am nhỏ, xây vào khoảng đầu thế kỷ XIX, có vật liệu rất thuần tự nhiên: tre nứa, tranh… Về sau công trình được mở rộng với diện tích 400m2 và ông Ngô Kim Tòng - trụ trì đời thứ 4 của ngôi chùa, đã sử dụng đất sét để tạo ra các tượng Phật, linh thú, vật thờ trong suốt từ năm 1929 đến 1970. Bửu Sơn Tự sở hữu kiến trúc nghệ thuật có một không hai, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, không chỉ là nơi chiêm bái mà còn là nơi du khách có thể tìm hiểu, chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo từ bàn tay tài hoa của người xưa.
Cách trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 12km, về hướng Bạc Liêu, chùa Sro Loun (chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) là điểm đến độc đáo về kiến trúc. Tên Sro Loun, đọc trại là Sà Lôn, có nguồn gốc từ tên rạch Chro Luong chạy dọc theo đường làng đến chùa. Chùa Sro Loun được xây dựng năm 1815 bằng đất và gỗ, nhưng bị hư hại nặng bởi chiến tranh, chùa được xây lại vào năm 1969. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, chùa thiếu vật liệu nên các vị sư sãi và bà con phật tử đã sử dụng chén, dĩa để ốp lên tường, trần. Từ đó, chùa có tên gọi thứ hai là chùa Chén Kiểu. Với những ai yêu thích khám phá hay check-in thì công trình kiến trúc cổ kính này là điểm đến lý tưởng. Mọi góc trong chùa đều có thể tạo nên khung cảnh đậm chất nghệ thuật để khách hành hương có những bức ảnh đẹp.
Một điểm đến nổi tiếng nữa khi đến Sóc Trăng chính là chùa Mahatup hay còn gọi chùa Dơi (đường Văn Ngọc Chính, phường 3, TP Sóc Trăng). Chùa được xây từ khoảng thế kỷ XVI, đến nay vẫn còn giữ được vẻ đẹp khá nguyên vẹn, đặc biệt khi đến đây du khách sẽ thấy hàng ngàn con dơi khá lớn treo mình trên trên cây trong khuôn viên chùa. Cứ chiều đến dơi lại về sân chùa che kín cả bầu trời. Lúc cao điểm nhất, chùa có thể thu hút đến hơn 1 triệu con dơi về phủ kín ở các tán cây. Điểm kỳ lạ là dơi chỉ về chùa Mahatup trong khi ở Sóc Trăng vẫn có nhiều ngôi chùa rợp bóng cây xanh, thích hợp làm nơi cư trú của dơi. Tuy nhiên dơi chỉ về và ở trong khuôn viên chùa Mahatup. Dơi ở chùa chủ yếu là dơi quạ, loài dơi có trọng lượng từ 1-1,5kg, sải cánh rộng khoảng 1,5m và chúng chỉ ăn trái cây. Mặc dù chùa Mahatup có nhiều vườn cây vú sữa, xoài, măng cụt… nhưng những con dơi này không ăn hoa trái ở chùa, chúng đi kiếm ăn nơi khác và chỉ về đây trú ngụ. Đây là điểm kỳ lạ và thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu, tham quan.
Sóc Trăng là điểm đến thú vị trong hành trình hành hương. Nơi đây không chỉ có những ngôi chùa độc đáo về kiến trúc mà còn có lịch sử lâu đời với những giá trị văn hóa đặc sắc, sẽ giúp du khách có những trải nghiệm thú vị.
Bài, ảnh: ÁI LAM