09/01/2014 - 10:41

“CÁT TRỌC ĐẦU”:

Vạch trần kẻ cơ hội trong chiến tranh

Tiểu thuyết "Cát trọc đầu" (NXB Trẻ - 2013) của tác giả Nguyễn Quang Vinh khác biệt những tác phẩm về chiến tranh bởi nhân vật chính không là người lính chiến đấu vì độc lập tự do, mà là một kẻ hèn nhát, cơ hội, lợi dụng xương máu của đồng đội để tiến thân.
Vạch trần cái xấu để đề cao cái đẹp là tinh thần chủ đạo trong suốt tác phẩm này.

Bối cảnh và không gian của tiểu thuyết trải dài từ vùng đất Quảng Bình đến đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ. Những trang viết về chiến tranh trong "Cát trọc đầu" dữ dội, khốc liệt, sống động, bi thương. Nhưng sự tàn khốc của chiến trường không khiến người đọc sợ hãi bằng bản chất con người và thủ đoạn của nhân vật chính: Nguyễn Hữu Bá.

Bá có cha bị hủi, mẹ ăn xin, nhưng may mắn được làm con nuôi của ông chủ tịch huyện. Dù đã có vợ con nhưng nhờ đẹp trai, dẻo mồm và nhiều tài lẻ, Bá dễ dàng đốn ngã hàng loạt các cô gái, cướp đi sự trong trắng của họ rồi phủi sạch mọi quan hệ. Khi cha nuôi về hưu, không thể dựa vào cha để thăng tiến, Bá nghĩ cách tạo "sự kiện" để gây chú ý. Hắn viết một lá đơn bằng máu với lời lẽ thống thiết xin nhập ngũ, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Máu để viết thư, hắn đi xin của một cô gái. Hắn được báo đài phỏng vấn, được mời đi khắp nơi để phát biểu về gương điển hình dũng cảm. Vậy mà, khi vào chiến trường, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, hắn sợ hãi và hèn nhát đến tột cùng. Nhưng chính trong những lúc nguy cấp nhất, hắn lại gặp may, cộng với sự gian xảo, lươn lẹo, hắn liên tục được biểu dương, thăng chức nhờ chiếm công của đồng đội.

Đối lập với Bá, tác giả dành nhiều trang viết xúc động về những nữ thanh niên xung phong và những người lính chân chính như: Nụ, Xuân, Loan, An, Thắng... Đó là những con người không tiếc sinh mạng bảo vệ đường Trường Sơn để những chuyến xe chở vũ khí, bộ đội đi qua an toàn. Nếu Bá luôn tìm cách để nổi bật, lợi dụng mọi người để được tâng công thì có những người không khoe khoang gia thế của mình để được cống hiến thực sự cho Tổ quốc. Điển hình như Trung đội trưởng An. Dù là con của Tỉnh đội trưởng nhưng anh không cho ai biết mà lặng lẽ chiến đấu như một người lính bình thường. Đặc biệt, tác giả đã rất dụng công khi xây dựng những chi tiết, hình ảnh đối lập giữa Bá và những cô gái chân yếu tay mềm. Người đọc cảm phục nữ tài xế đã anh dũng hy sinh khi liều mình làm mồi nhử, đánh lạc hướng máy bay địch; tiếc thương những nữ thanh niên xung phong lần lượt ra đi bao nhiêu thì càng giận dữ trước sự hèn nhát, đểu cáng của Bá bấy nhiêu. Bởi trong những tình huống đó, Bá trốn chui, trốn nhủi rồi sau đó trắng trợn, trâng tráo cướp công của những người đã hy sinh.

Với sự tương phản được khắc họa đậm nét và xuyên suốt tác phẩm, tác giả đã làm nổi bật được hai hình tượng đối lập: người anh hùng và kẻ cơ hội. Qua đó, lên án những kẻ tráo trở, tham lam như Bá.

"Cát trọc đầu" có kết thúc mở, dự báo về một cuộc chiến khác ở thời hậu chiến giữa thiện và ác…

CÁT ĐẰNG

 

Chia sẻ bài viết