06/01/2018 - 09:29

Ủy quyền đòi nợ thuê 

Gần đây, trên địa bàn TP Cần Thơ, hoạt động đòi nợ thuê diễn ra ngày càng phổ biến. Đây là lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, khá “nhạy cảm”, được pháp luật cho phép. Theo quy định, chủ nợ sẽ lập hợp đồng ủy quyền cho công ty đòi nợ, để họ thay mặt chủ nợ thực hiện các giải pháp hợp pháp, tiến hành thu hồi khoản nợ của con nợ. Tuy nhiên, thời gian qua, một số công ty thu hồi nợ thuê hoạt động chưa đúng quy định của pháp luật gây mất an ninh trật tự tại địa phương...

Một buổi “tác nghiệp” của nhân viên Công ty đòi nợ thuê. Ảnh: CHẤN HƯNG

Vợ chồng ông Cao Văn C., bà Nguyễn Thị Thu E. (ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền) có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV dịch vụ thu hồi nợ T.T. (ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thực hiện thu hồi số tiền nợ 200 triệu đồng và lãi suất phát sinh đối với ông Đinh Văn T. và bà Phan Thị Th. (ngụ cùng xóm). Thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định, Công ty đã có văn bản thông báo gửi vợ chồng ông T. có giải pháp xử lý số nợ trên trong 3 ngày; nếu không, Công ty sẽ lập hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Cùng thời điểm này, Công ty cũng đã có văn bản thông báo gửi Công an xã, nơi vợ chồng ông T. đăng ký thường trú, về việc Công ty sẽ thực hiện việc thu hồi nợ đối với vợ chồng ông T. theo quy định pháp luật.

Quá thời hạn trên, nhân viên Công ty đến nhà vợ chồng ông T. làm việc, thì phía gia đình ông T. phản ứng gay gắt và cho rằng: “Gia đình không hề thiếu nợ nần gì Công ty; có chăng chỉ thiếu nợ (hụi) của vợ chồng ông C. Do gia đình lâm vào cảnh khó khăn, không khả năng thanh toán, nên xin được trả dần mỗi tháng 500.000 đồng”. 

Ông Lê Thanh Đặng, Phó Trưởng Phòng Pháp lý, Công ty TNHH MTV dịch vụ thu hồi nợ T.T., cho biết: “Công ty thu hồi nợ của vợ chồng ông T. là theo ủy quyền, đúng quy định pháp luật. Các loại nợ mà Công ty đảm nhận thu hồi trong ủy quyền thu nợ gồm: nợ phát sinh từ vay, mượn tài sản nhưng không chịu thanh toán; nợ phát sinh từ vi phạm hợp đồng (bao gồm các loại hợp đồng do hai bên đã ký kết với nhau); nợ phát sinh từ trách nhiệm ngoài hợp đồng (do hai bên quy định). Sau khi tiếp nhận hồ sơ, ký hợp đồng pháp lý, các luật sư, chuyên viên của Công ty sẽ tiến hành các công việc xác minh, không quá 30 ngày kể từ ngày nhận giấy tờ hồ sơ ủy quyền đòi nợ thuê. Nếu hồ sơ hợp lệ, chúng tôi tiến hành tiếp xúc người thiếu nợ bằng cách gửi thư mời hoặc gặp trực tiếp để giải quyết. Trong thời gian này, nếu người thiếu nợ có thiện chí hợp tác trả nợ thì chúng tôi sẽ thu hồi nợ theo phương thức thỏa thuận. Nếu người thiếu nợ tỏ thái độ không thiện chí trả nợ, chúng tôi sẽ tiến hành những thủ tục pháp lý cần thiết kiện người thiếu nợ ra cơ quan pháp luật, nếu chủ nợ có yêu cầu...”.

Như vậy, người cho vay tiền có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để buộc người vay trả lại tiền. Đây là giao dịch vay tài sản không có tài sản bảo đảm, nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền thì những tài sản của người vay (nếu có) sẽ được cơ quan Thi hành án dân sự kê biên, phát mại để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người vay tiền. Nếu tài sản của người phải thi hành án đã được đem bảo đảm để thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác như: đặt cọc, cầm cố, thế chấp… thì cơ quan Thi hành án dân sự sẽ ưu tiên trả các khoản nợ có bảo đảm, khoản tiền còn thừa mới được trả nợ cho những nghĩa vụ không có các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Cách thức hoạt động của doanh nghiệp đòi nợ thuê theo quy định pháp luật là vậy, nhưng thời gian qua, một số công ty thu hồi nợ thuê lại hoạt động không tuân thủ pháp luật. Trong quá trình “tác nghiệp”, họ “hành xử” theo kiểu côn đồ nhằm đe dọa, thu hồi nhanh khoản nợ hoặc không trình báo với lực lượng công an địa phương. Như trường hợp của Trương Thanh Tú và Nguyễn Thế Anh, nhân viên Công ty Cổ phần đòi nợ An Khang (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đến Công ty tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đòi nợ thuê cho doanh nghiệp lọc hóa dầu ở TP Hồ Chí Minh, với số tiền hơn 5,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, người đại diện cho công ty đòi nợ thuê không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bị lực lượng chức năng thành phố mời về làm việc, lập biên bản xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng…

Để hoạt động thu hồi nợ thuê diễn ra lành mạnh, đúng quy định pháp luật, thiết nghĩ, ngoài việc các công ty thu hồi nợ phải nêu cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, thì lực lượng chức năng cũng cần tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm, nhằm tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, tạo niềm tin trong nhân dân. 

Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2007/NĐ-CP (quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ). Các nguyên tắc của việc đòi nợ được quy định rõ tại Điều 4 của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP, như: Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ; chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định pháp luật. Hoạt động dịch vụ đòi nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận. 

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết