28/05/2016 - 09:10

Ứng phó với biến đổi khí hậu và tình hình nước biển xâm nhập mặn ở ĐBSCL

 TP Cần Thơ được chọn tham gia "Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu"

(CT)- Sáng 27-5, Trường Cao đẳng Cần Thơ tổ chức Tọa đàm khoa học "Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và tình hình nước biển xâm nhập mặn ở ĐBSCL".

Các ảnh hưởng BĐKH, như: sự nóng lên của trái đất, hạn hán, những đợt nắng nóng kéo dài, triều cường, xâm nhập mặn, lũ lụt… đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, phát triển thủy hải sản và du lịch; tài nguyên đa dạng sinh học và hệ sinh thái; giao thông và cơ sở hạ tầng; nước sạch và vệ sinh môi trường… Đặc biệt, mùa khô năm 2015-2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và việc trữ nước ở các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong được xem là lý do chính cho tình hình khô hạn, nước biển xâm nhập mặn nghiêm trọng mang tính lịch sử ở ĐBSCL. Hàng trăm ngàn héc-ta đất trồng lúa, trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản... ở ĐBSCL bị thiệt hại. Hàng trăm ngàn hộ dân vùng ĐBSCL, đặc biệt là vùng ven biển, thiếu nước ngọt trong sinh hoạt. Những tác động và thiệt hại khôn lường của hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2015-2016 đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo: phải có giải pháp công trình và phi công trình để ĐBSCL ứng phó và thích ứng với hạn, mặn và BĐKH; đặc biệt phải có giải pháp chủ động nguồn nước. Tại tọa đàm, các diễn giả đến từ Viện nghiên cứu BĐKH (Trường Đại học Cần Thơ), Văn phòng Công tác BĐKH Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bến Tre và Trường Cao đẳng Cần Thơ đã đề xuất nhiều giải pháp như: nạo vét hệ thống kinh mương, xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, xây dựng công trình dòng sông khi có lũ; cải tạo và làm mới hệ thống đê bao, bờ bao, đê biển dựa vào mạng đường bộ hiện có để chống lũ và ngăn mặn; tăng cường hệ thống quan trắc cảnh báo sớm thiên tai và thời tiết bất thường... Ngoài ra, các ngành hữu quan cần tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp thích ứng và chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, BĐKH; nâng cao năng lực, tăng cường cảnh báo; tăng cường các hồ chứa nước tự nhiên của đồng bằng; giải pháp "ngoại giao nước trong vấn đề xuyên biên giới"...

 Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác BĐKH Cần Thơ, cho biết: Quỹ Rockefeller (là một quỹ phi lợi nhuận hiện có trụ sở tại Mỹ) vừa có thông báo chọn TP Cần Thơ tham gia "Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu" do Quỹ này khởi xướng. Đây là đợt xét thứ 3 của Quỹ Rockefeller và TP Cần Thơ là 1 trong 37 thành phố trên thế giới được chọn trong tổng số 325 thành phố tham gia nộp hồ sơ xét duyệt. Hiện đã có 80 quốc gia trên thế giới tham gia "Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu" và TP Đà Nẵng là một trong những địa phương tham gia đầu tiên.

Theo ông Kỷ Quang Vinh, mục tiêu của "Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu" là hỗ trợ các thành phố áp dụng và kết hợp khái niệm về khả năng chống chịu trong quy hoạch, phát triển và xây dựng cộng đồng để có sự chuẩn bị tốt hơn và có thể nhanh chóng phục hồi từ các cú sốc, căng thẳng và thiên tai trong thế kỷ 21. Chương trình là một cách tiếp cận toàn diện, nhiều mặt, nhiều vấn đề và hướng đến xây dựng một cộng đồng có đủ sức khỏe trong bối cảnh đồng thời chịu tác động bởi nhu cầu phát triển, sự đô thị hóa và toàn cầu hóa. Tham gia Chương trình, Quỹ Rockefeller sẽ hỗ trợ cho thành phố xây dựng chiến lược chống chịu mang tính dài hạn, đặc trưng của thành phố và cả vùng ĐBSCL.

H.TRIỀU

Chia sẻ bài viết