06/10/2015 - 21:14

Đồng bằng sông Cửu Long

Ứng dụng nhiều hơn công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa

Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại trên lúa, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời giúp nông dân giảm chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận và nâng cao đời sống người dân nông thôn…

 TP Cần Thơ đã nhân rộng mô hình “công nghệ sinh thái” trồng hoa trên bờ ruộng để phòng trừ dịch hại trên lúa.

Vụ đông xuân 2005-2006, rầy nâu tái bùng phát gây hại lúa trên diện rộng, tập trung ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhưng do bộc phát vào cuối vụ và đã phòng trừ kịp thời nên không gây thiệt hại đáng kể đến năng suất và sản lượng lúa. Các giải pháp kỹ thuật tổng hợp tập trung đối phó với rầy nâu di trú được khuyến cáo áp dụng trong giai đoạn này gồm: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), giống chống chịu rầy nâu, phun thuốc trừ rầy, tiêu hủy ruộng bị nhiễm nặng… Đến cuối năm 2006, Bộ NN&PTNT ban hành sổ tay hướng dẫn phòng trừ rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa. Bắt đầu từ vụ đông xuân 2006-2007, giải pháp "xuống giống tập trung và né rầy trong từng khu vực, từng cánh đồng" được bắt đầu khuyến cáo áp dụng trên diện rộng và được áp dụng liên tục cho đến nay. Tuy nhiên, đến vụ hè thu 2011, dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tái bộc phát gây nhiễm trên 13.500 ha ở giai đoạn lúa trổ, chín. Nguyên nhân do hơn 200.000 ha được gieo sạ rất sớm trong tháng 2 và 3, trùng với đỉnh cao rầy di trú do thu hoạch lúa đông xuân 2010-2011 ở vùng ĐBSCL. Do vậy, rầy nâu luôn luôn là mối đe dọa tiềm ẩn, chúng có khả năng truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ngay lập tức khi không gieo sạ "đồng loạt và né rầy". Công nghệ sinh thái: tạo nguồn thiên địch tại chỗ bằng biện pháp trồng hoa có mật và phấn hoa ngay trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch đến, nguồn thiên địch càng phong phú và dồi dào thì mật số của rầy nâu sẽ giảm xuống, hạn chế một cách thấp nhất bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Đây cũng chính là xây dựng lại hệ sinh thái đồng ruộng. Để triển khai rộng rãi chương trình công nghệ sinh thái đến các quốc gia sản xuất lúa trên thế giới, từ nhiều năm trước các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) nghiên cứu, thống kê tương đối đầy đủ về hệ sinh thái ruộng lúa và mối tương quan giữa các đối tượng trong hệ sinh thái… Từ tháng 11-2009, Trung tâm Bảo vệ thực vật Phía Nam, được sự hỗ trợ của IRRI đã triển khai mô hình "Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh vi-rút trên lúa" với kết quả tốt và hiện nay đang được triển khai trên nhiều tỉnh, thành. Đây sẽ là hướng đi quan trọng cho việc sản xuất lúa ổn định, bền vững ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh - chuyên gia nông nghiệp, cho rằng: Ý tưởng công nghệ sinh thái để khống chế dịch hại trên cây lúa, nhất là đối tượng rầy nâu. Việc canh tác 2-3 vụ lúa mỗi năm kéo theo sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều, môi trường bị ảnh hưởng gây mất cân bằng sinh thái. Từ mất cân bằng sinh thái nên đã ra đời IPM (FAO phát động từ năm 1992) để duy trì đa dạng sinh học. Vai trò của thiên địch giúp kiềm giữ sự bộc phát của dịch hại, trong đó có rầy nâu di trú từ vụ này sang vụ khác. Thiết kế, vận hành, quản lý, điều chỉnh hay sửa đổi hệ sinh thái cho phù hợp để duy trì đa dạng sinh học đưa đến cân bằng sinh thái; đối với rầy nâu làm cho không có lỗ hổng để rầy bộc phát thành dịch. Áp dụng công nghệ sinh thái cần tập huấn kỹ thuật đến nông dân, chọn loại cỏ dễ trồng trên bờ ruộng, có hoa quanh năm, nhiều mật và phấn hoa…

Thời gian qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa hàng hóa. TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại trên lúa tại TP Cần Thơ" từ năm 2013 đến 2015, tại 3 huyện là: Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, qua 3 vụ lúa (hè thu 2013, đông xuân 2013-2014 và hè thu 2014) triển khai thực hiện đã hình thành được nhóm 18 nông dân để chuyển giao quy trình ứng dụng công nghệ sinh thái, đồng thời tập huấn đầu vụ được 18 cuộc tại 3 huyện với 540 nông dân tham gia. Tại các mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu suốt vụ lúa, hoặc giảm số lần phun/vụ. Hiệu quả kinh tế đã mang lại qua 3 vụ thực hiện mô hình công nghệ sinh thái (trồng hoa), giúp giảm chi phí sản xuất từ 382-505 đồng/kg và góp phần tăng thêm lợi nhuận cho nông dân từ hơn 2,3-4,1 triệu đồng/vụ/ha (tùy theo vụ lúa), Ngoài ra, còn mang lại hiệu quả về mặt môi trường và xã hội như: góp phần cải thiện môi trường sống tại các mô hình địa phương và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, người sản xuất và môi trường sản xuất; nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng…

Tại tỉnh An Giang, mô hình "cộng đồng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa bằng công nghệ sinh thái" là một tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trên lĩnh vực bảo vệ thực vật được ứng dụng rộng rãi trên nền tảng các chương trình đã triển khai trên cây lúa trước đây như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và gieo sạ theo lịch đồng loạt né rầy… giúp giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận cao, nâng chất lượng nông sản và thân thiện với môi trường, rất cần thiết cho việc tổ chức trồng lúa theo hướng GAP. Từ năm 2010, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang đã phối hợp với IRRI triển khai ứng dụng công nghệ sinh thái nhằm giảm số lần phun thuốc trừ sâu rầy mà vẫn quản lý tốt dịch hại trên ruộng lúa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn được môi trường tự nhiên cho các loài thiên địch sinh sống, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Mô hình "công nghệ sinh thái" trồng hoa trên bờ ruộng thu hút thiên địch phòng trừ dịch hại trên ruộng lúa lần đầu tiên xây dựng tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành trong vụ hè thu 2010, diện tích 30 ha với 15 nhóm nông dân tham gia. Sau đó, công nghệ sinh thái đã nhân rộng ra trên địa bàn tỉnh, tính đến nay toàn tỉnh An Giang đã thực hiện được 151 mô hình với diện tích 2.288 ha, 3.058 lượt hộ nông dân tham gia thực hiện và được tập huấn mô hình...

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, trong những năm qua, việc ứng dụng mô hình công nghệ sinh thái trong trồng lúa, tổ chức thu gom và tiêu hủy bao bì và vỏ chai thuốc đã qua sử dụng chỉ tập trung ở một số nơi như: cánh đồng mẫu lớn và mô hình công nghệ sinh thái do Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện. Đến năm 2015, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh kết hợp Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Trung tâm Bảo vệ thực vật Phía Nam tiếp tục thực hiện chương trình bảo vệ môi trường, mô hình "công nghệ sinh thái" ở huyện Long Hồ, Vũng Liêm và Bình Minh. Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai thực hiện mô hình "công nghệ sinh thái" với diện tích tăng dần qua từng năm, nếu như năm 2011 là 10 ha thì đến năm 2015 đã là 275 ha. Kết quả cho thấy cánh đồng áp dụng mô hình "công nghệ sinh thái" nông dân giảm được 1-1,26 lần phun thuốc trừ sâu, tăng năng suất và chất lượng lúa, góp phần tăng thu nhập của nông dân từ 3-6,4 triệu đồng/ha/vụ, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng ruộng.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết