15/07/2016 - 09:13

PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:

Từ được tài trợ chuyển sang hợp tác bình đẳng và đi sâu vào các nghiên cứu

Theo Bảng xếp hạng đại học (ĐH) thế giới của QS University Rankings (Anh Quốc), Việt Nam có 5/7 trường ĐH nằm trong 350 trường ĐH khu vực Châu Á năm 2016; trong đó Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) nằm nhóm 251-300. Đó là thành quả từ nỗ lực của nhà trường, sự đầu tư của Nhà nước cùng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế của ĐHCT trong suốt thời gian qua. Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết:

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của bộ, ngành Trung ương và địa phương, hợp tác quốc tế (HTQT) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH nói chung, Trường ĐHCT nói riêng. 50 năm qua, bên cạnh hoạt động đào tạo, HTQT được xem là thế mạnh truyền thống của Trường ĐHCT. Bóng dáng HTQT thể hiện rõ nét qua các công trình do các tổ chức quốc tế tài trợ, được xây dựng trong khuôn viên của Trường ĐHCT, như: Trung tâm học liệu (Úc), Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Nhật), Khoa Công nghệ (Hà Lan),... Những công trình này đã góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất, làm đẹp bộ mặt của ĐHCT; đồng thời, thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam (Trường ĐHCT) với các tổ chức quốc tế. Lãnh đạo Trường ĐHCT đang đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động HTQT của trường trên nhiều mặt: ký kết thỏa ước hợp tác; tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế; thực hiện các dự án HTQT;…

 Rất đông cán bộ giảng viên của Trường ĐHCT được đào tạo ở nước ngoài. Phó Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của HTQT trong việc đào tạo đội ngũ có trình độ sau đại học cho nhà trường?

 

- Hiện nay, Trường ĐHCT có quy mô đào tạo hơn 60.000 sinh viên, học viên các bậc, hệ đào tạo. Trường có hơn 2.000 cán bộ, viên chức và lao động; trong đó, có 5 giáo sư, 110 phó giáo sư, 319 tiến sĩ. Hơn 90% cán bộ có trình độ tiến sĩ của ĐHCT được đào tạo từ nhiều quốc gia, vùng miền lãnh thổ khác nhau. Nhờ đó, đội ngũ này không chỉ được tiếp thu những kiến thức khoa học- kỹ thuật hiện đại mà còn có tầm nhìn sâu rộng và học hỏi được tinh hoa của nhiều nước…, góp phần mang lại "luồng gió mới" trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) của Trường ĐHCT.

Tỷ lệ "thất thoát" cán bộ, giảng viên của trường trong quá trình học tập ở các nước rất thấp (dưới 1%). Đây là lợi thế mà không phải trường nào cũng có, và cũng là thế mạnh HTQT của Trường ĐHCT, bởi đội ngũ được đào tạo ở nước ngoài này cũng là "cầu nối" để tiếp tục thắt chặt và mở rộng hơn mối quan hệ giữa đơn vị mình và các đơn vị đối tác. Từ các "cầu nối" này, thời gian qua, đơn vị đã tranh thủ sự hỗ trợ trang thiết bị thực hành, thực tập từ đối tác, như: Khoa Công nghệ được Công ty Yanmar tài trợ các loại máy nông nghiệp, trị giá hơn 2 tỉ đồng; gói thiết bị tự động hóa (bộ điều khiển logic, bộ điều khiển công nghiệp SIMATIC S7-1200…), trị giá 550 triệu đồng do Công ty TNHH Siemens Việt Nam hỗ trợ…

 Đối với hoạt động NCKH và chuyển giao khoa học công nghệ, thì HTQT đóng góp ra sao, thưa Phó Giáo sư?

- Bên cạnh hoạt động đào tạo, hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ của trường phát triển như ngày nay không thể thiếu vai trò của HTQT. Từ năm 2006 đến nay, doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường trên 316 tỉ đồng. Quan trọng hơn, trường đã đưa vào áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, phòng, chống dịch bệnh cây lúa; sinh sản nhân tạo một số giống cá cũng như nhiều mô hình nông- lâm- thủy sản, mang lại hiệu quả sản xuất cao cho người dân. Đặc biệt Chương trình nghiên cứu tôm- artémia góp phần cải thiện đời sống dân nghèo ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu; hay chương trình nghiên cứu cây lúa và hệ thống canh tác, lai tạo và tuyển chọn giống lúa kháng rầy, năng suất cao và các hệ thống canh tác thích hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo trong vùng. Các chương trình nghiên cứu quy trình sản xuất và nuôi các giống tôm, cá nước ngọt (sinh sản nhân tạo giống cá tra, cá basa), mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, góp phần đưa sản lượng xuất khẩu thủy sản ĐBSCL đứng đầu cả nước.

Trước đây, trong các hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ, sự hợp tác giữa ĐHCT và các đối tác chỉ dừng lại ở mức tài trợ cho trường. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, ĐHCT và các đối tác nước ngoài hợp tác bình đẳng và đi sâu vào các nghiên cứu. Gần nhất là hợp tác trong việc giải quyết vấn đề về môi trường, xâm ngập mặn ĐBSCL,…

 Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, định hướng của Trường ĐHCT trong phát triển HTQT như thế nào, thưa Phó Giáo sư?

- Xu thế toàn cầu hóa đang đòi hỏi nhà trường phải không ngừng vận động để phát triển mọi hoạt động theo hướng giáo dục quốc tế; nhất là đào nguồn nhân lực có chất lượng. Trước mắt, trường tranh thủ các nguồn học bổng từ các tổ chức quốc tế. Hiện nay, trường có gần 200 cán bộ đang học sau đại học ở nước ngoài. Trường đã chuyển dịch, tự trang bị cho mình và biết mình đứng vị trí nào để từng bước phát triển. Thông qua các dự án, trường tập trung xây dựng chương trình đạt chuẩn quốc tế, như: mở 2 chương trình đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Anh ngành Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi (từ dự án Bỉ); công nghệ thông tin bằng tiếng Pháp…; tiếp tục công nhận các chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn AUN (hiện nay có 3 chương trình được công nhận). Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường ĐHCT nhiệm kỳ 2015-2020, thể hiện quốc tế hóa bằng những đột phá: tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên. Đặc biệt là phấn đấu xây dựng Trường ĐHCT trở thành trường đại học xuất sắc về đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ từ nguồn vốn ODA (Nhật). Trước mắt, trường đẩy mạnh giao lưu giữa sinh viên ĐHCT với sinh viên quốc tế. Đây là lần đầu tiên, trường đẩy mạnh hoạt động này và dành khoảng 2 tỉ đồng để đưa sinh viên ĐHCT sang nước bạn giao lưu…

 Nằm ngay trên địa bàn TP Cần Thơ, là trường đại học đầu tiên và lớn nhất ĐBSCL, Phó Giáo sư nhận xét như thế nào về vai trò của Trường ĐHCT trong việc thúc đẩy phát triển HTQT của TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung?

- Hiện nay, ĐHCT đang đào tạo nhân lực theo nhu cầu của các địa phương; NCKH theo nhu cầu của doanh nghiệp và hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài TP Cần Thơ. Về đào tạo nhân lực, trường và các địa phương ĐBSCL đã thực hiện chương trình Mekong 1.000 (đào tạo cán bộ, kỹ sư cho toàn vùng ĐBSCL); đến nay đào tạo 575 thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước tiên tiến; riêng Đề án Cần Thơ 150, Trường và UBND TP Cần Thơ đưa 121 ứng viên đi đào tạo ở nước ngoài (5 tiến sĩ, 116 thạc sĩ). Những cán bộ sau khi học trở về địa phương công tác đã phát huy hiệu quả năng lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Bên cạnh đó là các dự án, đề tài NCKH. Minh chứng là trong dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc, Trường ĐHCT có vai trò đào tạo nhân lực cho vườn ươm. Hay trong các dịp tiếp đoàn khách quốc tế đến làm việc tại TP Cần Thơ, bên cạnh đại diện các sở, ngành thành phố, luôn hiện diện cán bộ Trường ĐHCT. Trường ĐHCT cam kết sẵn sàng hỗ trợ, cùng thành phố giải quyết các vấn đề về nhân lực, NCKH và chuyển giao khoa học công nghệ, cũng như các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu để cùng phát triển.

 Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

 Lễ công bố chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn AUN-QA.

20 năm gần đây, các dự án HTQT đóng góp cho Trường ĐHCT trên 70 triệu USD. Trường đang ký kết hợp tác với hơn 120 viện, trường và tổ chức quốc tế. Những năm gần đây, mỗi năm, trường tiếp trên 300 đoàn khách (trong đó có khoảng 1.200 lượt khách quốc tế); 300 giảng viên và sinh viên được đi trao đổi, tập huấn và học tập ngắn hạn ở nước ngoài; tổ chức khoảng 30 hội nghị, hội thảo có yếu tố nước nước ngoài; triển khai khoảng 30 dự án HTQT (gần 2 triệu USD/năm). Trường tạo dựng mối quan hệ hợp tác tốt với các đối tác trong việc triển khai Chương trình Mekong 1.000 để đào tạo nguồn lực chất lượng cho ĐBSCL. Trường đã tham gia Mạng lưới Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN), đã có 3 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA... Với những thành tích đạt được, Trường ĐHCT vinh dự là một trong những trường ĐH đứng đầu cả nước và đứng thứ 39 trong số 100 trường đại học hàng đầu Đông Nam Á (được Tổ chức Webometrics bình chọn tháng 1-2016).

BÍCH NGỌC (Thực hiện)

 Lễ công bố chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn AUN-QA.20 năm gần đây, các dự

Chia sẻ bài viết