26/01/2018 - 15:05

Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Mỹ Latinh 

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC)-Trung Quốc được tổ chức ở Chile mới đây, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch đưa sáng kiến “Vành đai, Con đường-BRI” tới khu vực này.

Phát biểu tại hội nghị hôm 23-1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, Mỹ Latinh rất phù hợp với sáng kiến BRI mà Trung Quốc triển khai để tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính với các quốc gia đang phát triển. Ông Vương nói rằng Mỹ Latinh đã trở thành điểm đến lớn thứ 2 đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Tổng thống Chile Michelle Bachelet (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn CELAC-Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, tại hội nghị đại diện Trung Quốc và CELAC đã ký thỏa thuận nhằm mở rộng quan hệ. Đây được xem là một phần trong chính sách đối ngoại tích cực hơn của Trung Quốc ở Mỹ Latinh trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump theo đuổi  chủ nghĩa bảo hộ. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cho biết thỏa thuận này đánh dấu một kỷ nguyên đối thoại mới giữa khu vực và Trung Quốc.

Mới đây, Bắc Kinh đã cam kết khoản đầu tư trị giá 250 tỉ USD cho khu vực Mỹ Latinh trong thập kỷ tới. Trong khi đó, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã cung cấp các khoản vay hơn 140 tỉ USD cho Mỹ Latinh. Và với việc BRI được mở rộng tới khu vực này, Mỹ Latinh được đảm bảo rằng các khoản vay từ Trung Quốc không chỉ tiếp tục gia tăng mà Bắc Kinh ngày càng tăng cường hội nhập thương mại với khu vực. Hiện nhiều công ty Trung Quốc đang tham gia vào các lĩnh vực như sản xuất ô tô, thương mại điện tử... trong khu vực.

Bằng cách không can thiệp vào các vấn đề chủ quyền và áp đặt các điều kiện như thắt lưng buộc bụng hoặc minh bạch tài chính các chính phủ phương Tây đang áp dụng đối với Mỹ Latinh, các nhà đầu tư Trung Quốc không nhằm vào các mục tiêu ngắn hạn và điều này giúp đối tượng đi vay có thể linh hoạt trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế. Hình thức cho vay của Trung Quốc cũng có xu hướng phù hợp hơn với mục tiêu phát triển dài hạn của khách hàng, cho phép các nước từng bước điều chỉnh chính sách mà không rơi vào tình trạng bất ổn tài chính.

Giới phân tích nhận định, các gói tài trợ của Chính phủ Trung Quốc rõ ràng nhằm tăng cường xuất khẩu và thương mại, bởi trong đó thường kèm theo các hợp đồng được đảm bảo dành cho các nhà thầu hoặc nhà cung cấp máy móc Trung Quốc. Họ cho rằng chiến lược cho vay dài hạn này có thể thúc đẩy sự phát triển của Mỹ Latinh, giúp cho khu vực tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, bằng cách cho vay không có điều kiện, Trung Quốc có thể khiến các chính phủ trong khu vực chi tiêu mà không có giới hạn, dẫn đến ngày càng chìm sâu trong nợ nần.

Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách, những người có tầm ảnh hưởng cũng như các nhà nghiên cứu Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang đầu tư vào Mỹ Latinh không phải vì lý do thương mại, mà là để “mua” ảnh hưởng địa chính trị, mục đích là đẩy Washington sang một bên.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết