* Quốc hội xem xét Tờ trình về dự án Luật cơ quan đại diện ở nước ngoài và thảo luận về dự án Luật về nợ công
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XII, sáng 4-11, các đại biểu tập trung thảo luận tại tổ về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã.
Đa số ý kiến của các đại biểu QH đều nhất trí với nội dung của Đề án thí điểm và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật QH về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề còn băn khoăn.
Đại biểu Trương Quang Hai (Bình Thuận) cho rằng số lượng các đơn vị được chọn để làm thí điểm là quá nhiều, không nhất thiết là trong một tỉnh, huyện nào cũng phải làm. Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) phát biểu nên chọn thí điểm ít thôi, không mở rộng quá lớn. Như vậy, việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn và có điều kiện chuẩn bị kỹ hơn.
Đại biểu Vũ Hồng Anh (Đại học Luật Hà Nội) đề nghị làm rõ hơn về cơ sở lý luận trong tờ trình của Chính phủ về việc bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường ở một số địa phương nhưng lại duy trì ở cấp tương đương là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh. Đại biểu cho rằng nên tiếp tục nghiên cứu, nếu đã không tổ chức thì thống nhất ở các cấp tương đương.
Về việc trực tiếp bầu Chủ tịch xã (CTX), đại biểu Trương Quang Hai (Bình Thuận) băn khoăn nên ghi như thế nào cho đúng, bầu trực tiếp hay là trực tiếp bầu. Ông Hai cho rằng phải sử dụng từ cho rõ và ghi là nhân dân trực tiếp bầu CTX, có thể quy định là cử tri đại diện gia đình đi bầu để đơn giản và dễ thực hiện. Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) nêu rõ, thí điểm bầu CTX là việc làm cần thiết, đổi mới theo hướng tăng cường trách nhiệm và quyền làm chủ của người dân. Đại biểu cũng lưu ý cần tổ chức thực hiện như thế nào để tránh mất dân chủ, phức tạp trong nội bộ nông thôn.
Nhiều ý kiến đại biểu QH các tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Thái Bình, Bình Thuận đóng góp ý kiến về tiêu chuẩn, độ tuổi, nguồn giới thiệu và các vấn đề liên quan đến việc trực tiếp bầu CTX. Có đại biểu đề nghị quy định là ở những xã có đông đồng bào thiểu số nên giới thiệu người ở địa phương, am hiểu về tình hình, tập quán; chọn người tham gia ứng cử lần đầu có thể tham gia 2 nhiệm kỳ, nâng cao hiệu quả công tác.
* Chiều 4-11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội họp tại Hội trường nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Gia Khiêm trình bày Tờ trình dự án Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Luật cơ quan đại diện ở nước ngoài); Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Son trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý nợ công.
Đại biểu Trần Việt Hưng (Hòa Bình) cho rằng, còn nhiều điều trong dự án luật chung chung, có tới 14 điều giao cho Chính phủ quy định, như vậy sẽ hạn chế hiệu lực thực tế của Luật. Ông Hưng đề nghị đưa nợ doanh nghiệp nhà nước vào đối tượng của nợ công ; ông cũng đề nghị đề cập cụ thể hơn về giải quyết khiếu nại tố cáo về nợ công. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Nội dung của dự án luật ở “phần vay” tương đối chi tiết nhưng phần quản lý vốn vay và trả nợ thì chưa cụ thể. Ông Lịch cho rằng, trong chiến lược vay nợ phải đánh giá tài nguyên ngân sách và phân tích cân đối nguồn tài chính ngân sách. Có đại biểu đề nghị không nên đưa đối tượng nợ doanh nghiệp nhà nước vào diện quản lý của nợ công để phù hợp với Luật Doanh nghiệp vì trong tương lai gần các doanh nghiệp nhà nước sẽ cơ bản cổ phần hóa xong và không còn giữ 100% vốn Nhà nước. Về vấn đề vay nợ, sử dụng vốn vay, trả nợ các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết về quản lý vốn vay và trả nợ để tăng cường trách nhiệm quản lý của tổ chức và cá nhân, để hạn chế tình trạng thế hệ trước vay (nhưng không đạt hiệu quả) thế hệ sau trả nợ sẽ rất nặng nề. Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) đề nghị, đối với nợ nước ngoài và nợ trong nước đều phải đánh giá hiệu quả đầu tư. Đối với cấp tỉnh, chính HĐND có khả năng thay mặt Quốc hội quyết định và giám sát vốn vay, vì vậy luật cần quy định rõ chức năng của HĐND cấp tỉnh đối với nợ công.
THU HƯƠNG - HỒNG QUÂN (TTXVN)