11/07/2023 - 08:49

Trợ giúp pháp lý cho trẻ em 

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Trẻ em là một trong những đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí. Hoạt động TGPL cho trẻ em luôn được Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm. 

Tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại Trường THCS Thạnh Phú 1, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Theo Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, trong tháng 6-2023, Trung tâm đã tiếp nhận 7 vụ việc yêu cầu phân công người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho diện đối tượng được TGPL là trẻ em; trong đó, 1 vụ việc bào chữa, 6 vụ việc bảo vệ. Ðiển hình, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ đang thực hiện bảo vệ em Ð.T.T trong vụ án giết người và cố ý gây thương tích, xảy ra tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Nội dung cụ thể, P và Ð sống chung như vợ chồng. Tháng 3-2022, hai bên phát sinh mâu thuẫn. Trong lúc cự cãi qua lại, P cầm dao đâm Ð. Lúc này, cháu Ð.T.T chạy đến can ngăn, bị P cầm dao quơ trúng, gây thương tích. Vụ việc đang trong quá trình điều tra, giải quyết theo quy định. 

Bên cạnh việc tiếp nhận yêu cầu phân công người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho diện đối tượng được TGPL là trẻ em, Trung tâm tổ chức 5 cuộc truyền thông về TGPL với hơn 324 lượt người tham dự, cấp phát 668 tờ gấp pháp luật.

Trung tâm đã truyền thông về Luật TGPL năm 2017; Luật Trẻ em năm 2016; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022... tại Nhà thông tin ấp 4, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ; Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ; Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Thới Lai; Nhà văn hóa ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Ðiền và Nhà văn hóa ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về TGPL và các quy định pháp luật có liên quan đến đời sống hằng ngày, cũng như hoạt động TGPL cho trẻ em. Theo bà Phan Thị Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, Luật TGPL năm 2017 quy định tất cả trẻ em đều là người được TGPL. Ngoài ra, Luật này còn bổ sung một số đối tượng được TGPL so với Luật TGPL năm 2006. Cụ thể là những đối tượng: người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có khó khăn về tài chính, là bị hại trong vụ án hình sự. Ðiều này đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với người dưới 18 tuổi nói chung và trẻ em nói riêng. Trên cơ sở triển khai các văn bản cấp trên về việc tổ chức Tháng Hành động vì trẻ em năm 2023 đến toàn thể viên chức, các phòng nghiệp vụ thuộc Trung tâm căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã phát động đến từng viên chức thực hiện truyền thông các quy định pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, quy định của Luật TGPL đối với trẻ em và thực hiện TGPL cho đối tượng là trẻ em khi có yêu cầu.

Việc phối hợp truyền thông về công tác TGPL cho trẻ em được Trung tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tạo được sự lan tỏa nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, ban, ngành tạo được hiệu quả tốt, kịp thời trong công tác truyền thông cũng như hỗ trợ trẻ em khi cần thiết. Bà Phan Thị Ngọc Thanh,  Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, cho biết: “Qua công tác truyền thông về TGPL, đặc biệt là công tác truyền thông về những chính sách dành cho trẻ em, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những mặt khó khăn, do trẻ em hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, hạn chế trong nhận thức. Do đó, cần có sự chỉ đạo, phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể và phải thực hiện bằng nhiều hình thức, liên tục để tạo được hiệu quả và đảm bảo tất cả trẻ em luôn được bảo vệ”.

Chia sẻ bài viết