28/10/2016 - 10:49

kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV:

Trình 3 Dự án Luật và thảo luận cho ý kiến các Dự án Luật

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình về dự án Luật quản lý ngoại thương; dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và thảo luận tại tổ dự án Luật quản lý ngoại thương.

Dự án Luật Quản lý Ngoại thương bao gồm 8 Chương, 115 Điều quy định các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương (các biện pháp hành chính, các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch, khẩn cấp, phòng vệ thương mại, phát triển hoạt động ngoại thương…) có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương. Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; công khai, minh bạch danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tránh có sự mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác; luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn; giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định chi tiết; rà soát những điều chỉ có nội dung giải thích từ ngữ, bố cục chương, mục, tiểu mục ngắn gọn, chặt chẽ.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Dự thảo Luật có 9 chương, 78 điều, (so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 42/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 36 điều).

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về thực trạng giải quyết bồi thường của Nhà nước cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

Tờ trình dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã nêu lên những tồn tại, hạn chế dẫn đến cần thiết phải sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý hiện hành. Quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, trong đó quan trọng nhất là các quy định của Luật hiện hành bộc lộ những bất cập, thiếu đồng bộ với các văn bản luật được ban hành gần đây; thiếu cơ chế bảo đảm để các quy định về quyền được trợ giúp pháp lý được thực thi đầy đủ. Nhận thức về vị trí, vai trò và yêu cầu đổi mới công tác trợ giúp pháp lý có lúc còn chưa đầy đủ, có nơi chưa quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý đôi khi còn chưa chặt chẽ; các nguồn lực và đội ngũ cán bộ làm trợ giúp pháp lý còn hạn chế.

Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 Chương, 49 Điều.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật đề nghị, để tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, trong sửa đổi Luật lần này, cần tạo lập các cơ chế để thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động này, không chỉ bằng nguồn lực của họ mà cả bằng nguồn lực của Nhà nước, san sẻ trách nhiệm của Nhà nước với xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua (về số lượng, loại hình, chất lượng vụ việc giải quyết trợ giúp pháp lý và nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho tổ chức, cá nhân này...) để có thêm cơ sở cho việc Quốc hội xem xét, quyết định.

Thời gian còn lại trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật quản lý ngoại thương.

Chiều 27-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Chia sẻ bài viết