13/08/2009 - 09:36

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng:

Triển khai Nghị quyết 30a là cơ hội lớn để các địa phương giảm nghèo nhanh, bền vững

(Chinhphu.vn) - Sáng 12-8, chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nguồn vốn cho công tác giảm nghèo rất lớn, các địa phương cần tận dụng triệt để, hiệu quả để thực hiện thành công công tác này.

Hội nghị được tổ chức với 21 điểm cầu trên cả nước, nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dự. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc triển khai NQ 30a tại những huyện nghèo sẽ là bài học để các tỉnh triển khai tiếp ở các vùng nghèo còn lại. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay Trung ương đang chỉ đạo mô hình xây dựng nông thôn mới ở 11 xã điểm.

Cùng với NQ 30a, đây là chương trình rất toàn diện, không chỉ tạo sự ổn định về kinh tế mà còn tạo ổn định về mặt xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Tài chính đã dự toán cân đối vốn năm 2009 và tạm ứng vốn cho các địa phương để thực hiện NQ 30a: Tạm ứng 25 tỉ đồng/huyện để triển khai thực hiện ngay các chính sách, dự án trong năm 2009 với số tiền 1.550 tỉ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng dự án trồng rừng cho 61 huyện trong Chương trình trồng 5 triệu ha rừng từ 2010-2012, dự kiến 1.900 tỉ đồng. Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ kinh phí hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 9 tỉnh thực hiện xóa nhà dột nát với số tiền 5 tỉ đồng.

Nếu cộng tất cả, từ nguồn lực đầu tư của Trung ương gần 11.000 tỉ đồng cùng với hơn 1.300 tỉ đồng của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thì trung bình mỗi tỉnh được hỗ trợ gần 200 tỉ đồng để thực hiện Chương trình.

“Chưa bao giờ có sự đầu tư lớn như vậy đối với các huyện nghèo trên cả nước. Do đó, đây là thời cơ vàng để lãnh đạo các tỉnh giải quyết giảm nghèo bền vững tại địa phương mình; đồng thời các địa phương phải tổ chức triển khai đạt hiệu quả cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các địa phương nêu lên một số khó khăn, cho rằng Chương trình lớn nhưng thực hiện trong khoảng thời gian ngắn nên việc điều tra, khảo sát để lập đề án của riêng địa phương còn hạn chế. Để tiếp tục triển khai NQ 30a của Chính phủ có hiệu quả, các địa phương mong muốn được bố trí đủ vốn, kịp thời. Bộ Tài chính sớm hướng dẫn cơ chế quản lý, định mức quản lý phí cho Chương trình ở địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao việc các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ NQ 30a. Theo Phó Thủ tướng, chưa có chương trình nào được triển khai nhanh như Chương trình này. Điều đó thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân đối với những huyện nghèo nhất trong cả nước.

* Chiều 12-8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Giảm nghèo của Chính phủ (BCĐ) đã chủ trì cuộc họp với các thành viên trong BCĐ nhằm đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và phương hướng giảm nghèo trong thời gian tới.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 được ban hành theo Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cụ thể phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22% năm 2005 xuống còn 10-11% năm 2010 (trong 5 năm giảm 50% số hộ nghèo).

Chương trình giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... tạo tiền đề cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo.

Trong 4 năm qua, đã có khoảng 5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/lượt/hộ, ước thực hiện 5 năm khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, mức vay bình quân 7-8 triệu đồng/lượt/hộ, đạt trên 103% kế hoạch 5 năm; Vốn cho vay nhìn chung được hộ nghèo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; Đã triển khai 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, ước tính 5 năm có khoảng 3,7 triệu lượt người được hướng dẫn cách làm ăn, đạt 88% so với kế hoạch 5 năm; Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được triển khai nhân rộng ở 218 xã thuộc 35 tỉnh; Có khoảng 2.000 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở trên 270 xã.

KIỀU LIÊN

Chia sẻ bài viết