25/01/2016 - 21:49

Triển khai kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ (HH-TM CT) vừa triển khai kỹ thuật NAT (xét nghiệm sinh học phân tử). Kỹ thuật này được thực hiện để đảm bảo an toàn hơn cho người bệnh được truyền máu...

* Thách thức trong truyền máu

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Nghĩa, Bộ môn Huyết học, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, công tác truyền máu còn đứng trước nhiều thách thức. Do truyền máu không an toàn, hằng năm toàn cầu bị ảnh hưởng, 16 triệu người nhiễm viêm gan B, 5 triệu người nhiễm viêm gan C và 160.000 người nhiễm HIV (từ 5% - 10% trường hợp nhiễm HIV toàn cầu do truyền máu và các chế phẩm máu bị nhiễm HIV). Hiện nay, 39 quốc gia chưa thực hiện xét nghiệm thường quy về các bệnh lây qua đường truyền máu, bao gồm viêm gan B, C và HIV.

 Cán bộ Bệnh viện HH - TM CT vận hành máy xét nghiệm sinh học phân tử (NAT).

Ở Việt Nam, chưa có thống kê chính xác về số lượng người dân bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường máu do truyền máu không an toàn. Tuy nhiên, tình hình người dân nhiễm HIV, viêm gan B, C chiếm tương đối cao (HIV: 0,28%, viêm gan C: 0,4% và viêm gan B: 8 - 25%). Riêng ở nhóm người hiến máu, tỷ lệ HIV 0,04 %, viêm gan C 0,17% và viêm gan B 11,4%. Trong khi một người hiến máu có thể cho 4 người nhận nên có nguy cơ lây truyền HIV, viêm gan B, C cho người nhận máu. Chính vì thế, cung cấp máu an toàn là ưu tiên hàng đầu cho những bệnh nhân cần truyền máu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, xét nghiệm NAT cho phép phát hiện sớm HIV, viêm gan B, C hơn các xét nghiệm kháng thể hay kháng nguyên cổ điển.

Kỹ thuật NAT ra đời từ năm 1930. Năm 1999, NAT lần đầu được áp dụng trong sàng lọc viêm gan C. Năm 2002, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận NAT trong sàng lọc viêm gan B, C và HIV. Tại Việt Nam, NAT mới được triển khai thường quy ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Huế từ năm 2015. Theo thống kê, NAT tăng thêm tính an toàn cho việc cung cấp máu do độ nhạy và độ đặc hiệu cao, giúp ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường máu, rút ngắn giai đoạn cửa sổ từ lúc phơi nhiễm đến lúc phát hiện. Cụ thể rút ngắn thời kỳ cửa sổ với viêm gan B là 59 ngày, viêm gan C là 25 ngày và HIV là 11 ngày.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả công tác tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh về "bước đầu triển khai kỹ thuật khuếch đại ACID NUCLEIC (NAT) trong sàng lọc máu để phát hiện HIV, viêm gan B, C tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh", thực hiện với 79.545 mẫu huyết thanh (máu) từ ngày 27-5 đến 21-10-2015, dù được sàng lọc huyết thanh nhưng qua NAT, vẫn phát hiện mẫu máu dương tính. Trong đó phát hiện 97 mẫu huyết thanh nhiễm viêm gan B, 1 mẫu nhiễm viêm gan C và 2 mẫu nhiễm HIV. Theo đó, nhóm tác giả đưa ra kết luận: Kỹ thuật NAT bước đầu được triển khai thành công tại ngân hàng máu, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh và kỹ thuật này thực hiện cùng với sàng lọc huyết thanh đảm bảo an toàn cho truyền máu.

* Đảm bảo an toàn truyền máu

Thông tư 26/2013/TT-BYT ngày 16-9-2013 của Bộ Y tế về Hướng dẫn hoạt động truyền máu, kỹ thuật NAT thực hiện theo lộ trình: Các cơ sở truyền máu trên địa bàn TP Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ phải thực hiện từ ngày 1-1-2015. Các cơ sở truyền máu trên địa bàn các tỉnh, thành phố (Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Bình Định) thực hiện trước ngày 1-1-2017. Các cơ sở truyền máu còn lại trên toàn quốc thực hiện trước ngày 1-1-2018.

Thực hiện Thông tư 26, Bệnh viện HH-TM CT thực hiện các thủ tục đấu thầu, lắp đặt máy và đưa nhân viên đi tham quan, học hỏi tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh. Sau đó, công ty lắp đặt máy tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện HH-TM CT. Tháng 12-2015, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh cử cán bộ đến Bệnh viện HH-TM CT để chuyển giao kỹ thuật NAT. Sau quá trình chạy thử, đầu tháng 1-2016, Bệnh viện HH-TM CT chính thức chạy kỹ thuật NAT để phục vụ công tác sàng lọc máu. Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Quyền Giám đốc Bệnh viện HH-TM CT, cho biết: "Máy xét nghiệm sinh học phân tử (NAT) trị giá 20 tỉ đồng do một công ty cho mượn và lắp đặt, bệnh viện mua hóa chất để vận hành máy. Thực hiện NAT, Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định giá 210.000 đồng/đơn vị máu. Hiện nay, nếu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế thì được chi trả phần này, nếu không có thẻ, bệnh nhân đóng thêm 210.000 đồng. Hiện nay, với giá này, 3 đơn vị ở Huế, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện trước TP Cần Thơ đều báo lỗ. TP Hồ Chí Minh phải xuất ngân sách bù lỗ. Qua thực hiện tại Bệnh viện HH-TM CT, mỗi đơn vị máu, bệnh viện thực hiện test nhanh tại cộng đồng (loại người hiến máu có kết quả dương tính để không lấy máu); máu tiếp tục được sàng lọc bằng Elisa hoặc hóa phát quang để loại các mẫu dương tính, rồi sau đó mới chạy bằng NAT. Qua đó phát hiện một vài mẫu dương tính với viêm gan B, C (bằng NAT). Quá trình thực hiện, chúng tôi thấy được vai trò kỹ thuật NAT nên dù khó khăn, lỗ cũng cố gắng thực hiện".

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết