04/10/2022 - 18:31

Triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm, thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 

(CT) - Chiều 4-10, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường chủ trì phiên họp thường kỳ UBND TP Cần Thơ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 9 và 9 tháng năm 2022.

Quang cảnh phiên họp thường kỳ UBND TP Cần Thơ tháng 9 và 9 tháng năm 2022.

Quang cảnh phiên họp thường kỳ UBND TP Cần Thơ tháng 9 và 9 tháng năm 2022.

Trong tháng 9 và 9 tháng năm 2022 tình hình KT-XH của thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở các ngành, lĩnh vực. Cụ thể, 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng hơn 30,6% so cùng kỳ năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 86.166 tỉ đồng, tăng hơn 43,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện trên 1.739 triệu USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ… Từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.344 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 17.467 tỉ đồng, tăng trên 44% so với cùng kỳ năm 2021; chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp mới 2 dự án FDI, với vốn đăng ký 14 triệu USD. Đáng chú ý, lĩnh vực du lịch phục hồi tích cực, thành phố đón trên 4,3 triệu lượt khách, với tổng doanh thu đạt 3.095 tỉ đồng... Cùng đó, công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả; công tác trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Trong quý IV-2022, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chương trình phục hồi phát triển KT-XH, gắn với giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, linh hoạt, khắc phục ngay các nguyên nhân chậm giải ngân; đồng thời, theo dõi và kịp thời đề xuất các cấp thẩm quyền điều chuyển vốn nội bộ, điều chuyển vốn sang đơn vị và dự án giải ngân tốt, đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn giao năm 2022. Tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định giá đất, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm và các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn thành phố, như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… Cùng đó, thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, khẩn trương rà soát hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố, xử phạt nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép cũng như đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Thực hiện nhiệm vụ thu và kiểm soát chi ngân sách nhà nước chặt chẽ đúng quy định; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các lực nguồn lực đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh: Trong 9 tháng năm 2022, các hoạt động KT-XH của thành phố phục hồi mạnh mẽ, với tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 17,57% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương; các lĩnh vực kinh tế, thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghiệp… đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu KT-XH năm 2022, các cấp và các địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu và thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm, thúc đấy phát triển KT-XH trong 3 tháng còn lại năm 2022. Đó là tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị sô 15/CT-TTg ngày 16-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối của nền kinh tế trong tình hình mới; huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối nội vùng và liên vùng; triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là duy trì việc tổ chức gặp gỡ giữa chính quyền và doanh nghiệp ít nhất 2 lần/năm. Từ đó, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân đối với môi trường kinh doanh của thành phố, qua đó sẽ góp phần nâng cao thứ hạng về các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công, tạo sự hài lòng cho người dân thành phố. Cùng đó, yêu cầu các sở, ngành thành phố nên lựa chọn một vài nội dung trọng tâm của ngành để ưu tiên thực hiện chuyển đổi số… Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội… trên địa bàn thành phố.

Tin, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết