01/03/2009 - 08:47

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng:

Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm

* Dịch tai xanh tiếp tục phát sinh ổ dịch mới

Ngày 27-2, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 63/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp giao ban trực tuyến về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:

Bắt vịt nhiễm bệnh đem đi tiêu hủy ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ảnh: LÊ HUY HẢI (TTXVN) 

Từ đầu năm tới nay, dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra đã gây thiệt hại và phải tiêu hủy trên 50 ngàn con gia cầm, có 3 trường hợp bị nhiễm cúm A (H5N1), trong đó đã có 1 người tử vong. Nước ta là một trong những nước có người nhiễm và tử vong khá cao do cúm A (H5N1). Dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống xã hội, tính mạng của người dân. Hiện còn 11 tỉnh đang có dịch chưa qua 21 ngày và thời gian này đang là mùa dịch bệnh dễ phát sinh, lây lan.

Để khắc phục ngay những yếu kém trong công tác phòng chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Đề cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền các cấp, các ngành chức năng có liên quan phòng chống không để dịch xảy ra và kiểm soát chặt chẽ tình hình khi có dịch, phòng tránh dịch cúm gia cầm lây sang người. Xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền, vận động toàn diện về công tác phòng, chống dịch; phải tiêm phòng đầy đủ cho gia cầm theo qui định, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh và áp dụng các biện pháp phòng dịch bắt buộc khác. Huy động lực lượng, thực hiện các biện pháp quyết liệt chống dịch theo hướng dẫn chuyên môn của ngành nông nghiệp, tiêu hủy gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng vùng có dịch; chăm sóc, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Tăng cường kiểm soát tình hình buôn bán, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập từ ngoài vào nước ta. Tiếp tục xem xét, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ, lực lượng tham gia phòng chống dịch, người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra, cung cấp vắc-xin, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch. Chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, phân tán phải được sắp xếp tổ chức lại, khuyến khích sản xuất quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thực hiện quản lý chặt chẽ trang trại, hộ gia đình, nơi chăn thả, trong quá trình vận chuyển, giết mổ, lưu thông trên thị trường.

* Theo thông báo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngày 28-2: Dịch tai xanh trên lợn vẫn tiếp tục lây lan và phát sinh thêm nhiều ổ dịch mới.

Tại Quảng Nam, ngày 28-2, dịch tai xanh được phát hiện tại 3 xã mới của 3 huyện đã có dịch là: xã Điện Minh (huyện Điện Bàn), xã Quế Xuân 2 (huyện Quế Sơn) và xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên). 143 con lợn mắc bệnh được phát hiện trong ngày. Như vậy, đến nay, Quảng Nam đã có 17 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình và Duy Xuyên có dịch tai xanh.

Trong ngày, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát hiện thêm 2 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại xã Mỹ Quới (huyện Ngã Năm) và xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú) làm 214 vịt bị ốm, chết 126 con trong tổng đàn 530 con. Các cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý dịch theo quy định. Cả nước hiện có 9 tỉnh là: Bắc Ninh (đã qua 18 ngày), Ninh Bình (15 ngày), Khánh Hòa (10 ngày), Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Quảng Ninh, Bạc Liêu và Điện Biên có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Đối với dịch Lở mồm long móng (LMLM), Cục Thú y xác nhận trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương. Hiện cả nước có 10 tỉnh là: Hòa Bình (đã qua 12 ngày), Nghệ An, Quảng Ninh (10 ngày), Quảng Nam (9 ngày), Kon Tum, Quảng Bình, Bắc Kạn, Phú Thọ, Quảng Ngãi và Cần Thơ có dịch LMLM chưa qua 21 ngày.


THÙY DƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết