23/09/2018 - 15:43

Trang bị kỹ năng mềm – tăng cơ hội việc làm cho sinh viên 

Theo bà Bragana Strinic, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Save the Children International (SCI) tại Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế xác định rằng, tình trạng lao động trẻ hạn chế về kỹ năng là nguyên nhân dẫn đến một bộ phận thanh niên tuy có việc làm nhưng môi trường làm việc dễ bị tổn thương. Vì vậy, việc huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp sẽ giúp thanh niên khởi nghiệp thành công. Xác định giáo dục kỹ năng là nhu cầu bức thiết của giới trẻ, các cấp bộ Đoàn trong TP Cần Thơ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng mềm cho sinh viên.

Sinh viên tham gia phần thi hùng biện với chủ đề “Công việc mơ ước” trong khuôn khổ Cuộc thi “Ứng dụng kỹ năng tìm việc làm”. 

Rèn kỹ năng nghề nghiệp

Cuộc thi “Ứng dụng kỹ năng tìm việc làm” do Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Thanh niên TP Cần Thơ phối hợp SCI tổ chức đầu tháng 9 vừa qua, thu hút 5 đội đại diện 5 trường cao đẳng (CĐ) trong thành phố tham gia tranh tài. Các đội đại diện các trường: CĐ Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ, CĐ Y tế Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, cùng khoảng 200 sinh viên đến cổ vũ. Tham gia cuộc thi, các đội tranh tài 3 phần thi, gồm: Thi hùng biện với chủ đề “Công việc mơ ước”; ứng dụng kỹ năng và xử lý tình huống khi đi phỏng vấn. Từng đội được yêu cầu mô tả về hình dung công việc tương lai, phân tích điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, xác định lộ trình để đạt được mục tiêu trong công việc. Bên cạnh đó, sinh viên còn được kiểm tra kiến thức về cách viết hồ sơ năng lực (CV) cho vị trí ứng tuyển đúng chuyên ngành; cách tạo ấn tượng đẹp với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn xin việc…

Hà Nhựt Lê, sinh viên ngành Công nghệ ô tô, Trường CĐ Nghề Cần Thơ, chia sẻ: “Qua hướng dẫn, tư vấn của các chuyên gia, em biết được phương pháp học tập, rèn luyện để sớm biến ước mơ thành hiện thực”. Theo Nhựt Lê, cuộc thi cung cấp nhiều thông tin về nhu cầu nhà tuyển dụng, làm cơ sở giúp Lê định hướng mục tiêu phấn đấu học tập sắp tới. Đó là kỹ năng tự lập, khả năng xử lý tình huống và dĩ nhiên, Lê cần chuẩn bị bộ CV hoàn hảo cùng kỹ năng xử lý tình huống phỏng vấn tốt sẽ ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Theo Đỗ Thành Sang, vừa tốt nghiệp ngành Chăn nuôi thú y, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, qua cuộc thi, Sang hiểu cụ thể hơn nhu cầu nhà tuyển dụng. Đó là, trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển nên tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp cũng như vị trí công việc và phải thật sự yêu thích, mới gắn bó lâu dài. Hơn nữa, ngay khi còn là sinh viên, cần chủ động tạo điều kiện để tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng qua các hoạt động ngoại khóa hoặc việc làm thêm. Bởi nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm thành tích học tập, mà còn xem xét yếu tố khả năng sinh viên làm việc thực tế.

Trải nghiệm bổ ích

Anh Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm DVVL Thanh niên TP Cần Thơ, cho biết: Cuộc thi “Ứng dụng kỹ năng tìm việc” trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực tìm việc cho sinh viên nhập cư”, giai đoạn 1 (từ tháng 11-2016 đến tháng 7-2017) và giai đoạn 2 (từ tháng 3 đến tháng 11-2018). Đến nay, dự án thiết lập 5 Góc việc làm tại 5 trường CĐ và 1 Góc giới thiệu việc làm tại Trung tâm DVVL Thanh niên thành phố. Qua đó, cung cấp thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, lập danh sách và phân nhóm sinh viên theo ngành học để kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu. Trung tâm thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng phỏng vấn xin việc; viết CV; giới thiệu sinh viên thực tập ở các doanh nghiệp. Riêng giai đoạn 1 của dự án, mở 10 khóa học về kỹ năng tìm việc, giáo dục tài chính và kỹ năng mềm cho 422 sinh viên; kết nối thực tập cho 243 sinh viên…    

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các nhà tuyển dụng cho rằng, khả năng và kinh nghiệm của bạn trẻ là yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định tuyển dụng. Nhiều bạn trẻ lầm tưởng, kinh nghiệm là trải qua quá trình làm việc ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế kinh nghiệm có thể tích lũy qua các hoạt động tình nguyện, qua những buổi thực hành ở trường và  việc làm bán thời gian. Thực tế, nhiều sinh viên tập tành kinh doanh khi còn đi học. Điển hình như Dương Vũ Kiệt, sinh viên ngành Quản lý tài nguyên môi trường (Trường Đại học Cần Thơ). Hơn nửa năm nay, Kiệt hùn vốn với bạn bè mở cửa hàng bán năn bộp (tên gọi loại thực phẩm lấy từ cỏ năn ngọt mọc hoang trên những cánh đồng ngập mặn) ở TP Sóc Trăng. Tuy bước đầu kinh doanh nhưng khách hàng khá đông, giúp Kiệt có thu nhập ổn định vài triệu đồng mỗi tháng, phần nào trang trải chi phí học tập và sinh hoạt ở Cần Thơ. Quan trọng hơn, qua thực tế kinh doanh, Kiệt biết cách làm việc nhóm, tìm kiếm khách hàng và nâng cao kỹ năng giao tiếp. Nhờ đó, Kiệt có thêm kinh nghiệm, bổ sung CV xin việc dễ dàng hơn.

Thực tế cho thấy, bên cạnh nền tảng học tập vững chắc, sinh viên sau khi tốt nghiệp nếu trang bị kỹ năng mềm tốt, sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc làm, phát triển nghề nghiệp…

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết